Trong tỉnh
Nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia
(Congannghean.vn)-Sáng 6/12, tại TP Vinh, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Hội ATGT Việt Nam, Hiệp hội Các doanh nghiệp rượu Châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) tổ chức Hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển môtô, xe máy tại Việt Nam”. Tham dự các đồng chí: Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Nguyễn Hồng Trường, Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam; đại diện Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Tập đoàn Mai Linh; Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Nghệ An, Hội ATGT tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Đồng chí Nguyễn Hồng Trường, Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam phát biểu |
Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, năm 2012, Việt Nam có khoảng 36% người điều khiển xe máy bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Còn theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2016, 40% các vụ tai nạn giao thông (TNGT) và 11% các vụ TNGT có người tử vong do tham gia giao thông trong tình trạng đã sử dụng rượu bia.
Đồng chí Nguyễn Đức An, Phó Giám đốc Sở GTVT, thành viên Ban ATGT tỉnh Nghệ An phát biểu |
Thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã tăng cường công tác tuần tra, xử phạt; tuyên truyền về tác hại của việc lái xe sau khi sử dụng rượu, bia và thúc đẩy các dịch vụ lái xe đưa người uống rượu, bia về nhà, tuy nhiên tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia vẫn còn phổ biến và diễn ra ngày càng phức tạp. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Thực tế này đòi hỏi phải có một nghiên cứu mang tính toàn diện, tổng thể về hành vi uống rượu, bia lái xe để làm cơ sở xây dựng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức công bố các kết quả nghiên cứu |
Toàn cảnh Hội thảo |
Từ tháng 5 - 12/2018, một đề tài nghiên cứu đã thực hiện đối với người điều khiển môtô, xe máy tại 3 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hà Nội, với mục tiêu là xác định mối tương quan giữa thói quen sử dụng rượu, bia; đồng thời xác định mối quan hệ giữa nồng độ cồn trong máu và xác suất TNGT đối với người lái xe máy.
Từ đó, đề xuất các giải pháp cắt giảm TNGT do lạm dụng rượu, bia gây ra, gồm: Giải pháp về luật pháp và tăng cường thực thi pháp luật (tăng mức xử phạt và bổ sung hình phạt; tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên); giải pháp về tuyên truyền, giáo dục và đào tạo (tuyên truyền qua các nạn nhận bị TNGT do lái xe khi đã uống rượu, bia; dán cảnh báo tại các cơ sở phục vụ rượu, bia; tăng cường tiếng nói cảnh báo từ người thân); giải pháp về kỹ thuật - công nghệ và dịch vụ (tăng cường dịch vụ taxi đưa người uống về nhà an toàn; khuyến khích sản xuất, tiêu thụ đồ uống có nồng độ cồn thấp hoặc không cồn; ứng dụng các phần mềm cảnh báo nồng độ cồn…).
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông |
Hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển môtô, xe máy tại Việt Nam” đã giúp cho tỉnh Nghệ An và các địa phương có thêm nhiều thông tin bổ ích, kinh nghiệm trong việc đưa các giải pháp, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào thực tiễn, tạo sức lan tỏa rộng rãi, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của người tham gia giao thông, hạn chế thương vong, tổn thất về tính mạng, tài sản do TNGT gây ra.
Ngọc Anh