Trong tỉnh
Tập huấn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)
(Congannghean.vn)-Sáng 31/10, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dự buổi tập huấn có ông Hoàng Quốc Hào – Giám đốc Sở Tư pháp; đại biểu các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan trên địa bàn tỉnh.
Ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp khai mạc Hội nghị |
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Cao Xuân Phong – Trưởng ban nghiên cứu Pháp luật Quốc tế, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp trình bày quá trình đàm phán của Việt Nam khi gia nhập TPP và những nội dung cơ bản của Hiệp định TPP.
Ông Cao Xuân Phong - Trưởng Ban nghiên cứu Pháp luật Quốc tế, Viện Khoa học Pháp luật, Bộ Tư pháp giới thiệu tóm tắt nội dung Hiệp định TPP |
Trước đó, ngày 5/10/2015, Bộ trưởng 12 nước tham gia Hiệp định TPP, gồm: Ốt-xtray-lia, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lai-xi-a, Mê-hi-cô, Niu-di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po, Hoa kỳ và Việt Nam, đã kết thúc đàm phán. Theo đó, Hiệp định TPP có 30 chương, điều chỉnh thương mại và các vấn đề liên quan tới thương mại, bắt đầu từ thương mại hàng hóa và tiếp tục với hải quan, thuận lợi hóa thương mại; quy định về phóng vệ thương mại…
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là một hiệp định chất lượng cao, tham vọng, toàn diện và cân bằng, qua đó sẽ thúc đẩy kinh tế; hỗ trợ tạo ra và duy trì việc làm; thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh; nâng cao mức sống; giảm nghèo tại các nước…
Đại biểu các cơ quan, doanh nghiệp tham dự Hội nghị |
Một số đặc điểm chính của Hiệp định TPP, đó là: Tiếp cận thị trường một cách toàn diện; Tiếp cận mang tiếng khu vực trong việc đưa ra các cam kết; Giải quyết thách thức mới đối với thương mại; Bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại và cuối cùng là nền tảng cho hội nhập khu vực.
Hiệp định TPP ra đời tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để bao hàm những nền kinh tế khác xuyên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương |
Hiệp định TPP là tập hợp một nhóm các nước khác nhau – khác nhau về địa lý, ngôn ngữ và lịch sử, quy mô và mức độ phát triển. Tất cả các nước TPP đều nhận thức rằng tính đa dạng về phát triển là một tài sản độc đáo nhưng cũng yêu cầu sự hợp tác chặt chẽ, xây dựng cho các nước TPP có trình độ phát triển thấp hơn, và trong một số trường hợp, giai đoạn chuyển đổi và cơ chế đặc biệt cho phép một số thành viên TPP một khoảng thời gian bổ sung cần thiết để nâng cao năng lực thực thi các nghĩa vụ mới.
Đức Thắng