Trong nước
Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng!
Sáng 26/2, vaccine Nanocovax được nghiên cứu, phát triển trong nước bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ hai. dự kiến kéo dài 3 tháng, so với 6 tháng như kế hoạch ban đầu. Ảnh VGP |
Ngay sau khi có những thông tin đầu tiên về việc Việt Nam đã đàm phán, mua vaccine từ nước ngoài, nhận tài trợ vaccine từ các tổ chức quốc tế, nhiều địa phương, thậm chí cả DN đã đăng ký hoặc công bố dành hàng trăm tỷ đồng để mua và tiêm cho người dân của địa phương mình hay người lao động. Trong chống dịch thì vaccine ngừa COVID-19 vẫn là giải pháp căn cơ nhất, thực tế cho thấy các nước bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã có hiệu quả, vì vậy mong muốn của một số địa phương, DN là điều dễ hiểu, đặc biệt trong bối cảnh đã xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn.
Vì vậy, trong các cuộc họp gần đây với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo), vấn đề vaccine luôn được Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quan tâm, chỉ đạo sát sao để bảo đảm sớm có vaccine tiêm cho người dân ngay trong quý 1/2021. Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ tinh thần “bao phủ vaccine cho người dân Việt Nam nhưng không thể ngay một lúc tiêm vaccine cho tất cả 100 triệu người nên phải có thứ tự ưu tiên”. Cũng giống như trong một trận đánh, sự thống nhất chỉ huy, “hiệp đồng binh chủng”, điều phối các lực lượng, nguồn lực, phương tiện hiện có là yếu tố tiên quyết để chúng ta có thể thắng “giặc COVID-19”.
Ngay sau cuộc họp với Ban Chỉ đạo ngày 24/2, ngày 26/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19. Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên: Số lượng khoảng 150 triệu liều. Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, quyết định số lượng vaccine cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn.
Như vậy việc mua, nhập khẩu, quản lý và sử dụng vaccine ngừa COVID-19 được đặt dưới sự điều phối thống nhất của ngành y tế, triển khai theo từng đợt, trước hết là các nhóm đối tượng ưu tiên, tiến tới tiêm chủng cho toàn dân như trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Điều đáng mừng là cùng với nguồn vaccine mua từ nước ngoài, tốc độ nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm 3 loại vaccine trong nước tiếp tục được đẩy nhanh, rút ngắn thời gian, thu được những kết quả khả quan.
Những thông tin ban đầu cho thấy các vaccine ngừa COVID-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hàng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong. Dân số Việt Nam là 100 triệu người, việc phát triển thành công vaccine trong nước không chỉ khẳng định năng lực, niềm tự hào của đội ngũ khoa học y tế, đáp ứng kỳ vọng, sự tin tưởng của người dân mà còn giúp chủ động trong phòng, chống dịch, với kinh phí thấp hơn nhiều so với vaccine nhập khẩu.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Chính phủ luôn nhấn mạnh dù có vaccine cũng không được chủ quan, mất cảnh giác, vẫn phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh của ngành y tế. Bởi thực tế đất nước có gần 100 triệu dân, hơn 5000 km đường biên giới trên bộ, chưa kể hàng nghìn km bờ biển, nền kinh tế mở, vẫn phải đón chuyên gia nước ngoài vào làm việc nên không thể chắc chắn ở Việt Nam không có mầm bệnh, thậm chí ổ dịch tiềm tàng trong cộng đồng.
Người xưa vẫn nói “muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Với sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, toàn thể người dân, sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, Việt Nam là một trong những nước kiểm soát thành công nhất dịch bệnh COVID-19 khi chưa có vaccine ngừa COVID-19. Và khi có thêm “vũ khí lợi hại” là vaccine, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng cả cuộc chiến chống lại giặc COVID-19, tận dụng được thời cơ phục hồi, phát triển kinh tế nhanh chóng, mạnh mẽ trong thời gian tới, đóng góp vào việc đẩy lùi đại dịch trên thế giới.
Nguồn: Chinhphu.vn