Thứ Bảy, 08/02/2020, 09:33 [GMT+7]

Ông Vương Đình Huệ: Từ giảng viên tài chính đến Bí thư Hà Nội

Bộ Chính trị vừa có quyết định phân công ông Vương Đình Huệ, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội thay ông Hoàng Trung Hải.

Ông Vương Đình Huệ khởi đầu là giảng viên Trường ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) từ tháng 9/1979.

Giai đoạn 1985-1986, ông là học viên khoa Châu Âu, lớp tiếng Tiệp, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội.

Năm 1986-1990, ông là nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Kinh tế Bratislava, Cộng hòa Slovakia; Bí thư chi bộ, đơn vị trưởng lưu học sinh và sau đó là Trưởng thành hội lưu học sinh Việt Nam tại Bratislava.

Năm 1991, ông trở về, tiếp tục làm giảng viên Khoa Kế toán, ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội.
Tháng 10/1992 - 4/1994, ông làm Phó trưởng khoa Kế toán, rồi quyền Trưởng khoa Kế toán, ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội.

Ông làm Trưởng khoa Kế toán, đảng ủy viên Đảng bộ ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội từ tháng 5/1994 - 2/1999.

Đến tháng 3/1999, ông làm Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, đảng ủy viên Đảng bộ ĐH Tài chính - Kế toán Hà Nội cho đến tháng 6/2001.

Từ 7/2001, ông rời giảng đường đại học để giữ chức Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Đảng ủy viên Đảng bộ khối kinh tế TƯ trong gần 5 năm.

Tại Đại hội lần thứ 10 của Đảng vào tháng 4/2006, ông được bầu vào Ban chấp hành TƯ.

Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bí thư Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước, Bí thư Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước từ tháng 7/2006 - 8/2011.

Tại Đại hội lần thứ 11 của Đảng vào tháng 1/2011, ông Vương Đình Huệ được bầu vào Ban chấp hành TƯ Đảng. Sau đó ông trúng cử ĐBQH khoá 13.

Kỳ họp thứ 1, QH khóa 13 (tháng 7, 8/2011), ông được QH phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính.

Ngày 28/12/2012, ông Vương Đình Huệ được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng ban Kinh tế TƯ ngay khi ban này được tái lập.

Tại Đại hội lần thứ 12 của Đảng vào tháng 1/2016, ông được bầu vào Ban chấp hành TƯ Đảng và được TƯ bầu vào Bộ Chính trị.

Ba tháng sau, ông Vương Đình Huệ được QH phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4/2016.

Tháng 5/2016, ông trúng cử vào ĐBQH khóa 14 đoàn Hà Tĩnh với số phiếu 95,32%.

Trong gần 4 năm giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Vương Đình Huệ được phân công giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực liên quan đến kế hoạch; tài chính, giá cả; tiền tệ, ngân hàng; dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô; chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội…

Một trong những điểm sáng từ đầu nhiệm kỳ đến nay là nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ, trong đó không thể không nhắc đến vai trò điều hành của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Liên tục 4 năm, lạm phát được kiềm chế, chỉ số CPI luôn ở mức thấp hơn chỉ tiêu QH giao.

Với vai trò Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ liên tục xuống địa phương, cơ sở chỉ đạo, đốc thúc thực hiện. Hình ảnh, ông Vương Đình Huệ đến thăm hỏi, động viên bà con làm ăn với những mô hình kinh tế mới, những tổ hợp tác xã kiểu mẫu ở những vùng miền núi xa xôi đã trở nên quen thuộc.

Chính vì vậy cái tên “ông nông thôn mới” được chính quyền và người dân các địa phương mến mộ dành cho Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt đó đã góp phần đưa chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm. Đồng thời kéo nợ đọng xây dựng nông thôn mới giảm 96% sau hơn 3 năm bằng giải pháp cho phép các xã sử dụng 8% tiền thu từ thuế sử dụng đất để trả nợ đọng cho các nhà đầu tư.

Trong công tác giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia đã đề xuất phối hợp với UB Trung ương MTTQ Việt Nam khởi động lại Chương trình "Ngày vì người nghèo", tổ chức vào ngày 17/10 hàng năm, cũng là ngày vì người nghèo Việt Nam. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn là người chủ công giúp Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng và trình TƯ 3 đề án quan trọng: Cải cách tiền lương, Cải cách BHXH, đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập (vốn đã được TƯ cho ý kiến qua 3 khoá nhưng chưa được thông qua).

Đó là Nghị quyết 27 TƯ 7 khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN; Nghị quyết 28 TƯ7 khóa 12 về cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết 19 TƯ6 khóa 12 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng được Ban cán sự Đảng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị quyết đầu tiên của Đảng (Nghị quyết của Bộ Chính trị) về FDI. 

Ngoài ra, ông Vương Đình Huệ cũng là người đứng ra chỉ đạo quyết liệt xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công thương. Từ thực trạng các dự án, nhà máy chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài, hoạt động cầm chừng thì đến nay đã có 6 dự án, nhà máy hoạt động trở lại và giảm lỗ. Đồng thời, xác định rõ tình trạng của một số dự án khác và đề xuất các hướng xử lý tới cấp có thẩm quyền nhằm tiếp tục triển khai dự án trong thời gian tới.

Với vai trò Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Sách trắng DN Việt Nam năm 2019 giúp Đảng, Chính phủ và các địa phương nhìn nhận rõ thực trạng DN Việt Nam để thống nhất các giải pháp phát triển DN tư nhân - được coi là một động lực quan trọng của đất nước trong thời gian tới...

 

.

Nguồn: Vietnamnet (Thu Hằng - Thiết kế: Tú Uyên)