Trong nước
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 10/2019
Những giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; 6 nhóm giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp tư nhân; ổn định giá cả thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 10/2019.
Ảnh minh họa |
Những giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công
Ngày 29/10/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019.
Theo đó, nhằm nâng cao năng lực hấp thu vốn trong nền kinh tế, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, coi việc thúc đẩy giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2019; tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
6 nhóm giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp tư nhân
Ngày 11/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1362/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030 với 6 nhóm giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, nhóm giải pháp 1 là tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững của doanh nghiệp khu vực tư nhân; Nhóm giải pháp 2 là khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Nhóm giải pháp 3: Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nhóm giải pháp 4: Hỗ trợ nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; Nhóm giải pháp 5: Khuyến khich doanh nghiệp khu vực tư nhân ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0; Nhóm giải pháp 6: Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển hiệu quả, bền vững.
Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng KTTĐ Bắc Bộ
Ngày 11/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vùng KTTĐ Bắc Bộ phát huy các tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Vùng KTTĐ Bắc Bộ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng KTTĐ Bắc Bộ.
Mục tiêu là vùng KTTĐ Bắc Bộ phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, hội nhập và giao thương với khu vực và quốc tế; thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Xây dựng vùng KTTĐ Bắc Bộ trở thành một trong hai vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa...
Quy định mới về tổ hợp tác
Ngày 10/10/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2019/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/11/2019 và thay thế Nghị định 151/2007/NĐ-CP.
Theo quy định, tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
Phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Ngày 08/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030.
Mục tiêu của Chương trình nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
2.605 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2018
Ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1469/QĐ-TTg ban hành Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2018. Theo đó, tổng số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2018 trên toàn quốc là 2605 cơ sở, trong đó có 2111 cơ sở sản xuất công nghiệp, 11 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 73 đơn vị vận tải, 410 công trình xây dựng.
Chính sách đối với CBCCVC công tác ở vùng đặc biệt khó khăn
Ngày 08/10/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Nghị định này quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gồm: Phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục.
Thủ tướng chỉ thị tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều
Ngày 07/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.
Theo đó, để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về đê điều, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý đê điều, chỉ đạo cơ quan chức năng và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý thường xuyên, đột xuất; mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm, nhất là các vụ vi phạm nổi cộm, trường hợp xác định đủ điều kiện cấu thành hành vi phạm tội cần xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
Bên cạnh đó, tổ chức lập, rà soát nội dung phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều thuộc phạm vi quản lý của địa phương trong quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trong đó xác định cụ thể phương án quản lý, sử dụng đất ở bãi sông, số lượng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông phải di dời và xây dựng phương án, lộ trình di dời đảm bảo khả thi để tổ chức thực hiện....
Sửa đổi quy định ghi nợ tiền sử dụng đất
Ngày 26/10/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 79/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 16 (ghi nợ tiền sử dụng đất) Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất.
Cụ thể, hộ gia đình, cá nhân (gồm: người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
36 TTHC được giải quyết theo ngành dọc tại cấp tỉnh, huyện, xã
Ngày 07/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1291/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương đưa ra tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, xã.
Theo đó, 36 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương đưa ra tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện, xã thuộc các lĩnh vực như: Cấp, quản lý chứng minh nhân dân, căn cước công dân; Đăng ký, quản lý con dấu; Quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện; Nghĩa vụ quân sự; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội;...
Thủ tướng chỉ đạo ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo
Tại văn bản 9806/VPCP-NC ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội.
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự như lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai… Đặc biệt, tình trạng lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông gia tăng (như lừa đảo qua điện thoại, tin nhắn trúng thưởng tới các số điện thoại; giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen và gửi quà tặng về Việt Nam; giả danh cơ quan thực thi pháp luật gọi điện yêu cầu người dân nộp tiền vào tài khoản để kiểm tra, sau đó chiếm đoạt; chiếm đoạt quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để lừa đảo; lừa đảo qua hoạt động trao đổi, mua bán hàng qua mạng…).
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo; kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập để hoàn thiện cơ sở pháp lý; chủ động có các giải pháp ngăn chặn triệt để những hoạt động lừa đảo nêu trên.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng chỉ đạo xác minh thông tin vụ 39 người chết trong container tại Anh
Tại văn bản 9770/VPCP-NC ngày 26/10/2019, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xác minh thông tin 39 người bị thiệt mạng trong container tại Anh, trong đó có thể có người Việt Nam.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, các địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế; điều tra phát hiện các vụ việc đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh theo dõi tình hình, phối hợp chặt chẽ, làm việc với các cơ quan liên quan phía Anh để xác nhận danh tính nạn nhân trong trường hợp là công dân Việt Nam, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định.
Thủ tướng chỉ đạo xử lý vấn đề ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà
Tại văn bản số 9403a/VPCP-CN ngày 15/10/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà khắc phục sự cố nguồn nước bị ô nhiễm, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân.
UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân khu vực trên.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để bảo đảm nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân. Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ổn định giá cả thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán
Theo văn bản số 9380/VPCP-KTTH ngày 15/10/2019, trước tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Công Thương và Tổng cục Thống kê khẩn trương đánh giá tình hình cung cầu thịt lợn (bao gồm cả thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm) từ nay đến cuối năm 2019. Có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (cả phương án nhập khẩu từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước).
Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép
Theo Thông báo 374/TB-VPCP ngày 23/10/2019 của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), để kiểm soát, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng tập trung triển khai các lực lượng kiên quyết ngăn chặn và đi đến chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
UBND các tỉnh, thành phố ven biển cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Quốc phòng theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển, kịp thời trao đổi thông tin và xử lý nghiêm theo quy định các tàu cá vi phạm. Các địa phương, nhất là các địa phương có tàu cá vi phạm, rà soát, xử lý ngay các tồn tại, đề cao tinh thần trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan khi thực hiện công tác kiểm soát, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Nguồn: Chí Kiên/Báo điện tử Chính phủ