Mâu thuẫn, cài cắm hay thiếu sót?
Thảo luận trên hội trường sáng 23/5 về dự luật, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cho rằng các chế định được xem là xương sống như cấm quảng cáo rượu bia, cấm bán rượu bia trên internet hay quy định giờ cấm bán bị đẩy ra ngoài làm cho những vấn đề đặt ra tại kỳ họp thứ 6 nhiều lần giải trình nhưng chưa thỏa đáng, thiếu thuyết phục.
“Chúng ta sẽ rất đau khi nhìn thấy sự giằng xé giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Và rồi cố đưa ra các chế định để phòng chống tác hại trong dự luật này” – ông Nhân nói và dẫn chứng một trong những quy định bị đẩy ra khỏi dự luật là cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet. Lắp vào điều trên, dự thảo đã chế định việc bán rượu bia theo hình thức thương mại điện tử, trong đó có quy định kiểm soát độ tuổi tiếp cận quảng cáo rượu bia.
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) |
“Thực trạng phổ biến độ tuổi tiếp tiếp cận Internet ngày càng trẻ hóa thì bỏ chế định trên có phải là vẽ đường cho hươu chạy? Thật lạ là báo cáo giải trình chỉ đề nghị cân nhắc điều cấm này vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các DN mà quên cân nhắc nguy cơ, tác hại đến trẻ em- một đối tượng yếu thế của xã hội” – vị đại biểu đoàn Bình Dương băn khoăn.
Đại biểu này cũng đặt vấn đề: Điều kiện chưa đảm bảo, lại cho phép bán bia trên internet trong khi biện pháp kiểm soát không thể hữu hiệu thì đây là sự mâu thuẫn, cài cắm hay thiếu sót về kỹ thuật lập pháp.?
Theo dự thảo thì bia dưới 5,5 độ cồn sẽ được quảng cáo trong các chương trình theo quy định và chỉ bị hạn chế từ khung giờ 19-20h trên báo nói và báo hình. Song thực tế khung giờ này không phải khung giờ vàng của các chương trình mà dự thảo quy định nên bia dưới 5,5 độ cồn bao phủ gần như thị trường, không biết vô tình hay hữu ý lại nghiễm nhiên nằm trong vùng an toàn của việc quảng cáo.
“Dự luật lần này có thể hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp nhưng có lẽ chưa hoàn chỉnh cả về tư duy và trách nhiệm trong sứ mệnh chăm lo sức khoẻ nhân dân” – ông Phạm Trọng Nhân nêu quan điểm và nhấn mạnh bản chất phải phục vụ nhân dân chứ không phục vụ bất cứ nhóm lợi ích nào khác. Do đó đề nghị rà soát, điều chỉnh quy định ngưỡng độ cồn từ 4-5 độ thay vì từ 5,5 độ như dự thảo.
“Đừng để đạo luật đầy tính nhân văn lại trở thành công cụ đảm bảo “ngôi vương” trong tiêu thụ rượu, bia” – ông Nhân nói.
Nguy cơ ai cũng thành nạn nhân, tội phạm
Theo bà Hiền, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: Hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn; và kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) |
Nữ đại biểu cũng dẫn số liệu khảo sát nhóm trẻ em từ 12 đến 16 tuổi về các loại thức uống hiện nay mà các em thường dùng và cho rằng lý do “đồ uống có cồn” không được đưa vào dự luật chỉ vì đây là “cụm từ chưa được sử dụng phổ biến trong xã hội” như báo cáo giải trình là căn cứ khá yếu về mặt pháp lý.
“Tôi rất ngạc nhiên về tính dự báo của dự Luật lần này, so với xu thế chung đã gần như đi ngược với “ khoa học quản lý chất gây nghiện đối với đời sống con người”, vô tình xem nhẹ sức khỏe người tiêu dùng nhưng có vẻ chủ ý bắt nhịp kịp thời với sự phát triển nhanh, mạnh của nền công nghiệp rượu bia” – bà Hiền nói.
Vị đại biểu đoàn Phú Yên nêu thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%, đây cũng là lựa chọn chính khi giới trẻ bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5%.
Đối với biện pháp hạn chế, kiểm soát trẻ em mua rượu bia, nữ đại biểu cho biết bất ngờ khi dự thảo này không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet.
Đại biểu này nhấn mạnh không thể dễ dàng bỏ qua những đánh giá tác hại của rượu bia đối với trẻ em, thuộc nội hàm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Luật phải có sự minh định rõ ràng, tính đến yếu tố khả thi khi áp dụng chứ không thể thiếu sự mạch lạc, ít nhất là với các điều khoản có tác động, ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em, vị thành niên. Chúng ta không thể “hồn nhiên” loại bỏ yếu tố quan trọng nhưng lại “hăm hở” đưa vào các điều “cấm” mà thực tế lại không diễn ra.
“Tôi không nghĩ dự thảo luật mới nhất lại sơ suất bỏ sót yếu tố kỹ thuật, “chân nọ xọ chân kia” tựa như một dáng đi xiêu vẹo, không còn vững vàng về khung pháp lý được xem như “xương sống”, và “trục lái” của một bộ luật đã gần như mất đi sự tỉnh táo, cứng rắn so với dự thảo cũ”, nữ đại biểu đoàn Phú Yên nêu ý kiến./.