Trong nước

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

08:09, 18/04/2019 (GMT+7)
Chiều 17/4/2019, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 33 để thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

    Tại buổi thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày tóm tắt Tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, khẳng định: Qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho thấy, các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của Chính phủ cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, tạo điều kiện cho công dân ra nước ngoài công tác, học tập, lao động, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân... Tuy nhiên, để phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là áp dụng sự tiến bộ của khoa học, công nghệ trong việc cấp giấy tờ, kiểm soát xuất nhập cảnh công dân ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; và để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thì việc xây dựng và ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cần thiết.

    Toàn cảnh phiên họp.

    Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, dự thảo Luật đã quy định cụ thể quyền của công dân ở Điều 5 dự thảo Luật, đảm bảo theo quy định của Hiến pháp 2013. Trong đó, quy định công dân có 4 quyền mang tính nguyên tắc: quyền được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; quyền được sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh để ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; quyền lựa chọn đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử và hộ chiếu không gắn chíp điện tử (đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên); quyền khiếu nại, tố cáo, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định các trường hợp, thời hạn, thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh; từng trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh vẫn có thể được xem xét cấp hộ chiếu, đây là điểm mới so với quy định hiện hành là tạm hoãn xuất cảnh không được cấp hộ chiếu.

    Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ rõ, để đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân thì hộ chiếu phổ thông được cấp riêng cho từng công dân để tạo điều kiện cho công dân khi làm thủ tục nhập cảnh nước ngoài (quy định hiện nay, trẻ em có thể cấp chung hộ chiếu cùng cha hoặc mẹ, nên thời hạn không quá 5 năm). Đối với người có căn cước công dân, nếu đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố nơi thuận tiện (quy định hiện hành, phải nộp hồ sơ tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố nơi thường trú hoặc tạm trú dài hạn).

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến tại phiên họp.

    Bên cạnh đó, không đặt vấn đề người đề nghị cấp hộ chiếu phải làm và nộp hồ sơ mà chỉ quy định người đề nghị điền vào tờ khai theo mẫu hoặc khai qua mạng internet, xuất trình giấy tờ tùy thân. Không quy định hộ chiếu còn hạn hay hết hạn, đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai trở đi nếu ở trong nước, có thể lựa chọn nơi thực hiện tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an; nếu ở nước ngoài thì có thể lựa chọn thực hiện tại cơ quan đại diện Việt Nam nơi thuận tiện (quy định hiện hành, hộ chiếu hết hạn kể cả 1 ngày phải làm hồ sơ, thủ tục như đề nghị cấp lần đầu). 

    Bộ trưởng Tô Lâm chỉ rõ, theo dự án Luật, quy định cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng để thay thế việc cấp giấy thông hành như hiện nay cho các trường hợp: Ra nước ngoài có thời hạn mà hộ chiếu bị mất, hết giá trị có nguyện vọng về nước ngay; bị phía nước ngoài trục xuất; phải về nước theo thỏa thuận quốc tế; vì lý do quốc phòng, an ninh. Việc cấp hộ chiếu cho các trường hợp này là sự khẳng định việc bảo hộ của Nhà nước ta đối với công dân trong mọi trường hợp.

    Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Tờ trình tại phiên họp

    Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Võ Trọng Việt khẳng định, Thường trực UBQPAN tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã nêu tại Tờ trình số 106/TTr-CP và nhấn mạnh, việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch các trường hợp hạn chế quyền công dân, trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thời gian qua. 

    Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với những nội dung nêu trong tờ trình và báo cáo thẩm tra của UBQPAN; đánh giá cao hồ sơ dự án Luật cơ bản đầy đủ, được chuẩn bị công phu, đúng tiến độ theo quy định và đủ điều kiện trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

    Bên cạnh đó một số ý kiến phát biểu góp ý, bổ sung, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, giải trình, tiếp thu để hoàn thiện dự án Luật. 

    Một số đại biểu tại phiên họp.

    Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc tạo điều kiện cho công dân xuất cảnh, nhập cảnh nhanh chóng là cần thiết nhưng phải đúng luật. Những hành vi nghiêm cấm trong Luật này phải bảo đảm chặt chẽ; trong đó có quyền, nghĩa vụ công dân trong việc cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc cấp giấy thông hành, Luật nên giao cho Chính phủ ra một Nghị định chung và yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao căn cứ chức năng nhiệm vụ để thực hiện. Luật càng cụ thể, càng minh bạch; nhất là việc khai thác, quản lý thông tin về cơ sở dữ liệu cần thống nhất.

    Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan hoàn thiện dự án Luật; UBQPAN thẩm tra chính thức để gửi dự án Luật ra Quốc hội theo đúng quy trình.

     

    Nguồn: Bộ Công an

    Các tin khác