Trong nước
Hoàn thiện cơ sở pháp lý về cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định trong Luật CAND 2018
Được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa 14, Luật Công an nhân dân sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.
Bấm Play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh
Ngày 20/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14, với 85,77% phiếu đồng ý, Quốc hội đã thông qua Luật CAND (sửa đổi).
Luật gồm 7 Chương, 46 Điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CAND, tổ chức của CAND, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND trong đó, điểm mới nổi bật là đưa công an xã trở thành lực lượng thuộc tổ chức của CAND.
Ngày 11/12/2018, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Luật CAND sửa đổi.
Luật đã quy định cụ thể về hệ thống cấp bậc hàm, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ CAND, trong đó nêu rõ cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sỹ quan CAND.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an có quân hàm Đại tướng; Thượng tướng là Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6; Trung tướng số lượng không quá 35 người; Thiếu tướng số lượng không quá 157 người.
Trần quân hàm Thiếu tướng được áp dụng đối với Giám đốc công an tỉnh, TP trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông. Tuy nhiên, luật quy định rõ số lượng không quá 11.
Ngoài ra, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội và Công an TP Hồ Chí Minh cũng có trần quân hàm là Thiếu tướng, số lượng mỗi đơn vị không quá 3 người.
Tuy nhiên, vẫn chưa có quy định cụ thể về chức vụ, chức danh khác có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng trong Luật.
Nguồn: ANTV