Trong nước

Người lãnh đạo và người đầy tớ

09:47, 21/02/2019 (GMT+7)
Ngày 21-1- 2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Khi đọc Chỉ thị này lại nhớ đến ngày mất của V.I. Lê-nin, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới cách đây 95 năm (21-1-2024).
 
Trước khi mất, V.I. Lê-nin đã để lại một loạt những di bút cuối đời vô cùng sâu sắc, trong đó có bài báo nổi tiếng “Thà ít mà tốt” được báo Sự thật (Pravda) công bố lần đầu trong số 49 ngày 4-3-1923. Tác phẩm này được V.I. Lê-nin viết cùng thời gian với nhiều tác phẩm nhỏ khác, trong đó nhấn mạnh trọng tâm là cải tổ bộ máy Nhà nước và công tác xây dựng đảng theo nguyên tắc “thà ít mà tốt”.
 

Cách đây 50 năm, trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về Đảng, Người viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là  người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Nếu mỗi đảng viên của Đảng chỉ cần thật sự thuộc và thực hành tốt điều này thì Đảng ta đã thật sự trong sạch. Chúng ta thấm thía lời căn dặn của Bác khi trong một đoạn văn hơn 50 chữ mà Người 2 lần dùng đến từ “thật sự” và 2 lần dùng từ “thật”. Nghiệm ra trong thực tế 50 năm qua sau lời căn dặn này, đồng thời với phần lớn đảng viên xứng đáng với danh hiệu cao quý thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ chưa thật sự “thấm nhuần đạo đức cách mạng”, không “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” và làm cho Đảng ta chưa “thật” trong sạch, nhiều đảng viên chưa trở thành “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Đọc Chỉ thị của Ban Bí thư, ngẫm động cơ vào Đảng bây giờ còn nhiều điều cần bàn. Trước khi vào Đảng, quần chúng nào cũng giơ tay thề trước cờ Đảng, trước anh linh của Bác, nhưng có những đảng viên sau đó không còn nhớ mình thề gì nữa. Hồi kháng chiến, hoạt động bí mật, vào Đảng, đi làm cách mạng là xác định rõ cần hy sinh quyền lợi, tính mạng, mấy người nghĩ vào Đảng để thăng tiến, làm cán bộ, lại càng không nghĩ để làm giàu. Nhà thơ Tố Hữu đã phản ánh phần nào tâm trạng này: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đày/Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/Là thân sống chỉ coi còn một nửa...”. Từ khi Đảng đã trở thành đảng cầm quyền, nhất là từ khi nước nhà được hoàn toàn hòa bình, thống nhất, thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, động cơ, mục đích của những người vào Đảng là xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng viên là những người tiên phong về trí tuệ, về đạo đức, tác phong để cùng toàn Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện mục tiêu đã đề ra. 

Đảng viên xuất phát từ những quần chúng ưu tú được quần chúng giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét, kết nạp vào đội ngũ tiên phong của giai cấp, của xã hội. Với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, tổ chức đảng dìu dắt, giúp đỡ, đào tạo, bồi dưỡng... nhiều đảng viên dần dần trở thành cán bộ lãnh đạo quản lý, từ lãnh đạo cấp nhỏ, môi trường hẹp dần dần trở thành lãnh đạo cấp cao, góp phần cùng toàn Đảng lãnh đạo đất nước, dân tộc, nhân dân đi lên phía trước.

Đương nhiên, khi Đảng ta là đảng cầm quyền thì hầu hết các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở đều do đảng viên của Đảng được phân công, nắm giữ. Cũng chính từ đây nảy sinh những vấn đề phức tạp và nảy sinh những vấn đề mới khiến cho không ít đảng viên - cán bộ lãnh đạo không còn giữ được mình đã dần dần trượt dài, thoát ly khỏi những phẩm chất cách mạng ban đầu khi mới gia nhập Đảng. Chẳng hạn:

1) Vì là Đảng cầm quyền cho nên không ít cán bộ không phân biệt rõ chức năng của tổ chức đảng với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

2) Không ít đảng viên được tổ chức, cấp ủy đảng phân công, ứng cử vào những vị trí lãnh đạo bộ máy, cơ quan nhà nước, chính quyền nhà nước, nhưng khi có quyền lực trong tay đã biến quyền lực của nhân dân thành quyền lực của cá nhân mình, rồi ban phát, kéo bè, kéo cánh mưu lợi cá nhân.

3) Nhiều cán bộ do nhiều năm làm lãnh đạo, cộng với cơ chế quan liêu, thói nịnh bợ, bệnh thành tích, tệ xa dân... nên họ không còn nghĩ đến quần chúng, nhân dân lao động bình thường, không thấu hiểu cuộc sống khó khăn, nhọc nhằn của người dân; nhiều cán bộ đến với dân chủ yếu để dạy bảo, với tư cách là bề trên với cấp dưới mà không còn nhớ, chính cái quyền lực ấy là của nhân dân giao cho, chính nhân dân là người chủ thật sự.

4) Thường những đảng viên lúc đầu có phẩm chất, năng lực, tiềm năng lại liên tục được cử đi học các lớp đào tạo, bồ dưỡng để làm “cán bộ lãnh đạo, quản lý”, từ cấp thấp đến cấp cao hơn mà ít khi, nếu như không muốn nói là hầu như không có trường lớp nào dạy cán bộ- đảng viên trở thành người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

5) Vì là cán bộ lãnh đạo, nhất là đối với những cán bộ có phong cách quan liêu, cửa quyền, lộng hành, coi thường cấp dưới,  trong cuộc sống hằng ngày rất ít khi sống trong lòng quần chúng, ít liên hệ với quần chúng... do đó, họ ngày càng xa cách nhân dân, ít được quần chúng gần gũi, tín nhiệm. Đối với cán bộ lãnh đạo như thế đã xa rời bản chất giai cấp, đánh mất danh hiệu đảng viên cộng sản, góp phần làm cho nhân dân xa Đảng, đánh mất vai trò lãnh đạo của tổ chức, cấp ủy đảng.

Thế nào là người đầy tớ trung thành của nhân dân? Giả sử có một cuộc điều tra xã hội học với một câu hỏi đặt ra như trên rồi yêu cầu cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp trả lời nhanh trong vòng ít phút, thì chắc sẽ có những kết quả khác nhau, không loại trừ sẽ có những đáp án sai, không đầy đủ. Có nhiều tiêu chí để xác định một đày tớ trung thành của nhân dân. Trước hết, cán bộ lãnh đạo hãy trải nghiệm “3 cùng” với dân; khắc phục tình trạng đến với dân, xuống với dân kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
 
Cán bộ có sâu sát, gần gũi người dân thì người dân mới dần hiểu cán bộ đó tốt hay không, có thật lòng với mình hay không, có tôn trọng mình hay không. Từ đó, người dân mới nói ra những tâm tư, nguyện vọng của mình, thậm chí người dân còn dạy cho cán bộ lãnh đạo biết cách giải quyết những công việc khó khăn, phức tạp một cách nhanh chóng mà nhiều tổ chức, nhiều cán bộ lãnh đạo nghĩ mãi không ra.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói về cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân. Trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, Điều lệ Đảng cũng đã đúc kết những tiêu chí, phong cách quần chúng của cán bộ lãnh đạo là như thế nào. Chẳng hạn, “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Giáo dục cán bộ, công chức xây dựng và thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”...
 
Ở tầm vĩ mô, với tư cách là một Đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước, dân tộc, nhân dân thì: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Những bài học để làm “người đầy tớ trung thành của nhân dân” là vô cùng đa dạng, phong phú, dễ tìm, dễ học.

Như vậy Đảng nói chung, mỗi đảng viên - cán bộ nói riêng, bên cạnh địa vị, trí tuệ  của một “cán bộ lãnh đạo” đều phải có tinh thần làm việc của một “người đầy tớ”. Đó là một chỉnh thể thống nhất, biện chứng, không thể tách rời trong nguyên tắc sinh hoạt đảng cũng như phương pháp và phong cách của mỗi đảng viên - cán bộ. Điều này là không hề mâu thuẫn vì cái chung của “người lãnh đạo xứng đáng” và “người đầy tớ trung thành” là vì lợi ích của dân, vì nhân dân mà phục vụ. Vì để là người lãnh đạo xứng đáng thì phải có đường lối, chủ trương hợp lòng dân, vì lợi ích của quần chúng nhân dân…

Muốn vậy, người lãnh đạo phải thật sự gần dân, hiểu dân, phải thật sự ngày đêm trăn trở với lợi ích của dân, phải thật sự vì dân phục vụ - đó cũng là người đầy tớ của nhân dân. Đây chính là sự khác biệt về bản chất của nhà nước của dân, do dân, vì dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân là chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng”.

Như vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là người cán bộ lãnh đạo và người đầy tớ phải trong một thể hài hòa, thống nhất. Muốn vậy, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là dựa vào nhân dân mà xây dựng đội ngũ cán bộ - đảng viên.

 

Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng

Các tin khác