Trong nước
Không có vùng cấm trong đấu tranh với tội phạm
“Không có vùng cấm trong đấu tranh với tội phạm”, đó là khẳng định của Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an, Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan CSĐT- Bộ Công an khi trao đổi với phóng viên chuyên đề Cảnh sát toàn cầu về công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm thời gian qua.
Ông cho biết, đây không chỉ là nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an mà còn là ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Quyết nghị của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an…
Phóng viên: Một trong những nhiệm vụ của Văn phòng Cơ quan CSĐT là tham mưu với Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an theo dõi, tổng hợp tình hình điều tra, hoạt động của các loại tội phạm hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan CSĐT. Năm 2018, Văn phòng Cơ quan CSĐT đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa Trung tướng?
Trung tướng Trần Văn Vệ: Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an là đơn vị thường trực của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, có trách nhiệm tham mưu với Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an theo dõi, tổng hợp tình hình điều tra, hoạt động của các loại tội phạm hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan CSĐT.
Trung tướng Trần Văn Vệ trả lời phỏng vấn phóng viên Chuyên đề CSTC. |
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chủ động tham mưu với lãnh đạo Bộ chỉ đạo lực lượng CSĐT Công an các cấp tập trung thực hiện các nhiệm vụ về công tác điều tra hình sự như: Chỉ đạo tăng cường, theo dõi, quản lý, giải quyết đối với các vụ án tạm đình chỉ điều tra.
Qua đó, yêu cầu cơ quan điều tra các cấp rà soát các vụ án tạm đình chỉ khi chưa xác định được bị can (từ trước tới nay) nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự để ra quyết định đình chỉ điều tra theo quy định của pháp luật. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật đối với một số quy định còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp khắc phục triệt để những kẽ hở trong cơ chế, chính sách quản lý kinh tế hiện nay. Tham mưu cho các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện có hiệu quả Luật Thanh tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, kiên quyết những cán bộ, công chức có hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân.
Đồng thời, chúng tôi cũng đã hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương trong việc áp dụng pháp luật điều tra, xử lý các vụ án có liên quan đến pháo nổ, pháo hoa. Tham mưu trình lãnh đạo Bộ ký ban hành 2 Thông tư liên tịch có liên quan đến công tác điều tra hình sự.
Văn phòng Cơ quan CSĐT trao trả đối tượng phạm tội người nước ngoài tại sân bay Tân Sơn Nhất. |
Phóng viên: Bên cạnh công tác hướng dẫn các hoạt động về công tác điều tra của Cơ quan CSĐT các cấp, năm 2018, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an còn trực tiếp điều tra nhiều vụ án lớn, trong đó có vụ án Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”. Hiện vụ án này đang tiến hành đến giai đoạn nào, thưa Trung tướng?
Trung tướng Trần Văn Vệ: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban chỉ đạo 110, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kết thúc điều tra vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” và đang tiếp tục điều tra, làm rõ các hành vi phạm tội do Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” và đồng phạm thực hiện.
Cụ thể, đối với vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, ngày 31-10-2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm, tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ 8 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” (giảm 1 năm tù so với bản án sơ thẩm).
Đối với các vụ án kinh tế, chức vụ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ: Quá trình điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 5 vụ án và 26 bị can về các tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại các Điều 219, 229 và 356 BLHS năm 2015 và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 285 BLHS năm 1999.
Trong đó, đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phan Văn Anh Vũ về 3 tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại các Điều 219, 229 và 356 BLHS năm 2015.
Đồng thời, khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các ông Trần Việt Tân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo và ông Bùi Văn Thành, nguyên Cục trưởng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285 BLHS năm 1999; khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh về 2 tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Luyện tập để nâng cao khả năng xử lý tình huống, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT. |
Phóng viên: Trong vụ án Vũ “nhôm”, có nhiều bị can là lãnh đạo cơ quan, ban, ngành của Trung ương và địa phương, thậm chí có cả những người liên quan là đồng đội của chúng ta. Khi chỉ đạo và điều tra vụ án này, đồng chí và các cán bộ điều tra của mình có gặp áp lực gì không? Quan điểm điều tra của chúng ta về vụ việc này như thế nào, thưa Trung tướng?
Trung tướng Trần Văn Vệ: Quá trình điều tra vụ án Phan Văn Anh Vũ, đến nay Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành khởi tố bị can đối với 4 cá nhân nguyên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch của UBND TP Đà Nẵng và UBND TP Hồ Chí Minh; các cá nhân còn lại bị khởi tố đều là lãnh đạo các sở, ngành của TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, đã phải tiến hành khởi tố bị can đối với 2 cá nhân nguyên là đồng chí, đồng đội của chúng ta về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Quyết nghị của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an về việc “không có vùng cấm trong đấu tranh với tội phạm, đặc biệt là đối với tội phạm chức vụ, tham nhũng”, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tập trung lực lượng để điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm một cách công tâm, khách quan, toàn diện; xử lý nghiêm hành vi sai phạm của các cá nhân theo quy định của pháp luật và triệt để thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt.
Phóng viên: “Không có vùng cấm” đối với tội phạm còn thể hiện ở chỗ, dù đối tượng phạm tội có trốn đi đâu cũng sẽ bị Cảnh sát Việt Nam phối hợp với Cảnh sát các nước bắt giữ. Hiện nay, công tác INTERPOL đang là một bộ phận của Văn phòng Cơ quan CSĐT. Nhờ hoạt động này, công tác truy bắt tội phạm Việt Nam trốn ra nước ngoài và ngược lại đã phát huy hiệu quả. Đồng chí có thể chia sẻ sâu hơn về vấn đề này?
Trung tướng Trần Văn Vệ: Thời gian qua, công tác truy bắt tội phạm truy nã quốc tế qua INTERPOL đã đạt được những kết quả đáng kể. Các thông tin trao đổi đầy đủ hơn, chi tiết hơn, phục vụ tốt hơn công tác xác minh, truy bắt đối tượng truy nã trong và ngoài nước.
Văn phòng INTERPOL Việt Nam không còn là khâu trung gian tiếp nhận, trao đổi thông tin mà có thể huy động nguồn lực của Văn phòng và các hệ nghiệp vụ của Công an địa phương phục vụ các yêu cầu xác minh, truy bắt tội phạm, đảm bảo nhanh, hiệu quả, không bỏ lọt tội phạm.
Là cơ quan tiến hành tố tụng trong lực lượng Công an, Văn phòng INTERPOL Việt Nam có thể kết hợp các yêu cầu về xác minh, tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm, đảm bảo xử lý yêu cầu truy bắt tội phạm qua nhiều kênh khác nhau mà không bị trùng giẫm, đạt hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian trong xác minh, truy bắt tội phạm. Đồng thời, Văn phòng INTERPOL Việt Nam có chức năng trực tiếp tiến hành xác minh, truy bắt đối tượng truy nã từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.
Phóng viên: Trong quá trình hoạt động tố tụng hình sự của lực lượng Công an sẽ khó tránh khỏi những khiếu nại, tố cáo của người dân, tất nhiên cũng có những khiếu nại đúng, khiếu nại sai. Văn phòng Cơ quan CSĐT có nhiệm vụ như một vị “quan tòa”, giải quyết mọi khiếu nại về hành vi tố tụng hình sự khi có đơn thư. Trong năm qua, thông qua việc giải quyết này, Văn phòng Cơ quan CSĐT đã có những chấn chỉnh như thế nào với các đơn vị, địa phương để giúp mọi việc tiến hành tố tụng trong lực lượng được thực hiện đúng quy định của pháp luật, thưa Trung tướng?
Trung tướng Trần Văn Vệ: Căn cứ các quy định của pháp luật và Bộ Công an, Văn phòng Cơ quan CSĐT có chức năng giúp Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng hoặc kết luận nội dung tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của điều tra viên, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Lực lượng CSND luôn hết lòng bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. |
Hàng năm, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tham mưu cho đồng chí Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành Kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm, trong đó có nội dung kiểm tra việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong tố tụng hình sự; trực tiếp thành lập các Đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra tại Công an các đơn vị, địa phương.
Qua đó chúng tôi thấy việc khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự tại Công an các đơn vị, địa phương chiếm tỷ lệ rất thấp, hầu hết là không đúng bản chất, nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và sự hiểu biết về pháp luật của người khiếu nại còn chưa đầy đủ và chính xác. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra cũng đã phát hiện một số tồn tại, thiếu sót của Công an các địa phương trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm.
Văn phòng Cơ quan CSĐT đã báo cáo đồng chí Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành Thông báo chấn chỉnh gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót về công tác chấp hành pháp luật trong hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và công tác bắt, giam, giữ, điều tra, xử lý tội phạm.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Trung tướng!
Nguồn: Thu Hòa - Đinh Hiền/Báo CAND