Trong nước

ĐBQH phải ý thức được vai trò, trách nhiệm trong phát triển bền vững

16:48, 17/12/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh như vậy trong phát biểu khai mạc Hội nghị Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững, sáng 17/12, tại TP. Đà Nẵng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Đình Nam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Đình Nam

Tham dự hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng các cơ quan đại diện của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra… cũng lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, một số bộ ngành, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, chuyên gia, nhà khoa học…

Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu ưu tiên thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt, xây dựng một xã hội hòa bình và hội nhập thể hiện quyết tâm của các quốc gia xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.

Để đạt được những mục tiêu đó, sự tham gia của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu HĐND các cấp, những người được nhân dân gửi gắm nguyện vọng, trao quyền có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, giám sát thực thi và phân bổ ngân sách để triển khai thực hiện các mục tiêu SDGs.

Ông Martin Chungong, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới trao Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dành cho các Nghị viện (bảng tiếng Việt) cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh VGP/Đình Nam
Ông Martin Chungong, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới trao Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dành cho các Nghị viện (bảng tiếng Việt) cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh VGP/Đình Nam

Trong phần phát biểu của mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong hơn 15 năm qua, kể từ khi thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nền tảng của các SDGs, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quan trọng vì sự phát triển bền vững đã ban hành mới và sửa đổi bổ sung hơn 300 đạo luật, ban hành Hiến pháp năm 2013. Quốc hội thông qua Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về các mục tiêu phát triển bền vững...

Bên cạnh đó, Quốc hội thực hiện Quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến và bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; các chính sách, phương án đầu tư cho y tế địa phương, phục vụ cho đồng bào dân tộc miền núi hoặc đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới mô hình để bảo đảm phát triển bền vững.

Quốc hội Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy việc tham gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thẩm tra và phê chuẩn việc Việt Nam tham gia các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người.

Ảnh: VGP/Đình Nam
Ảnh: VGP/Đình Nam

Thông qua các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế song phương và đa phương, các đại biểu Quốc hội đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững, thể hiện vai trò tích cực của Quốc hội trong triển khai các mục tiêu SDGs; gần đây là Tuyên bố Hà Nội tháng 3/2015 về “Các Mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 - Biến lời nói thành Hành động” tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 tổ chức tại Việt Nam.

Vai trò của Quốc hội còn được thể hiện qua đại diện cho người dân, trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. Là các đại biểu dân cử, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thường xuyên tiếp xúc với cử tri, nghe tiếng nói của cử tri phản ánh về hiệu quả chính sách tại địa phương, các nguồn lực bảo đảm thực hiện, tạo điều kiện để người dân giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở các cấp độ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, để thúc đẩy thực hiện các SDGs trong thời gian tới, việc nâng cao nhận thức của các đại biểu dân cử về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với các SDGs là rất cần thiết. Bộ công cụ tự đánh giá việc thực hiện SDGs dành cho các nghị viện là một văn bản quốc tế có vai trò hướng dẫn để các đại biểu tham khảo, từ đó đưa ra những kế hoạch triển khai thực hiện nhằm phát huy tốt nhất quyền và nghĩa vụ hiến định của mình.

Diễn ra trong 2 ngày 17-18/12, hội nghị có 4 phiên họp chính với các nội dung: Tổng quan về Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và vai trò của Nghị viện; Giới thiệu Bộ công cụ tự đánh giá Nghị viện và các SDGs, ý nghĩa đối với Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế; Nhận diện một số thách thức đối với Việt Nam trong thực hiện một số SDGs, khuyến nghị và giải pháp; Các hoạt động trong thời gian tới.

Nguồn: Đình Nam/Chinhphu.vn

Các tin khác