Trong nước

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 3-7/12

09:14, 08/12/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; quy định mới về xét tuyển viên chức; Thủ tướng chỉ thị tăng cường PCCC tại khu dân cư; bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng với người chấp hành xong án phạt tù; phê duyệt Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 3-7/12/2018.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quy định mới về xét tuyển viên chức

Nghị định 161/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 11 (nội dung xét tuyển viên chức) và Điều 12 (cách tính điểm) của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thành Điều 11 (nội dung và hình thức xét tuyển viên chức). Cụ thể, xét tuyển viên chức được thực hiện theo 2 vòng. Vòng 1 kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển đăng ký tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm, nếu phù hợp thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.

Vòng 2 phỏng vấn hoặc thực hành để kiểm tra về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quyết định hình thức phỏng vấn hoặc thực hành tại vòng 2 này phù hợp với tính chất hoạt động nghề nghiệp và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Chính phủ ban hành Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, để tăng quy mô vốn hoạt động hoặc để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp. Mục đích phát hành phải được doanh nghiệp nêu cụ thể tại phương án phát hành trái phiếu và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu theo quy định tại Nghị định này.

Thủ tướng chỉ thị tăng cường PCCC tại khu dân cư

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại khu dân cư.

Tại chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá, phân loại địa bàn trọng điểm, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao cần tăng cường quản lý nhà nước về PCCC. Xây dựng quy định, biện pháp cụ thể xử lý đối với các nhà chuyển đổi công năng vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh, làm kho tàng, thu mua phế liệu..., nhưng không bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC.

Bộ Công an thường xuyên tổ chức, đổi mới phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp PCCC bằng các hình thức phù hợp với thực tế từng địa bàn, khu dân cư; tăng cường hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cho người dân khi có cháy nổ, tai nạn, sự cố xảy ra, nhất là tại khu dân cư, chung cư lâu năm tồn tại nhiều nguy cơ cháy, nổ, sập, đổ công trình. Tổ chức tốt lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là thiệt hại về người.

Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng với người chấp hành xong án phạt tù

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (bao gồm cả người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng), Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Công văn số 1753-CV/VPTW ngày 13/10/2011 của Văn phòng Trung ương Đảng; xác định công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương; đồng thời, tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm.

Phê duyệt Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025. Mục tiêu của Đề án nhằm củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Đa dạng hóa các phương thức, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng đạt chuẩn chất lượng giáo dục mầm non trong khu vực và quốc tế; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp một; phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm đối tượng đe dọa phóng viên điều tra vụ bảo kê ở chợ Long Biên

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm đối tượng đe dọa phóng viên điều tra vụ bảo kê ở chợ Long Biên (Hà Nội).

Cơ cấu lại ngành du lịch

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Mục tiêu cơ cấu lại ngành du lịch nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường, các nguồn lực, hệ thống quản lý ngành, nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; phấn đấu là quốc gia trong nhóm nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong cả nước do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương quản lý; hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch;...

Đến năm 2025 phát triển đồng bộ hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với Hệ tri thức Việt số hóa và các mô hình đô thị thông minh; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trợ lý du lịch ảo và các công nghệ tiên tiến khác phục vụ du khách, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu về năng lực cạnh tranh du lịch của khu vực Đông Nam Á.

Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết Kỷ Hợi 2019

Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 từ ngày 1/12/2018 đến ngày 28/2/2019.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận và hàng giả; đồng thời, giúp các cơ quan chức năng làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Nguồn: Minh Hiển/Chinhphu.vn

Các tin khác