Trong nước
Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019
Chiều ngày 14/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường và biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.
Mở đầu phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.
Trước đó, trong các ngày 23-24/10 và ngày 29/10, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 |
Qua thảo luận, có ý kiến cho rằng phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 còn bình quân, dàn đều, cần tập trung quan tâm đối với các địa phương khó khăn, thu ngân sách thấp, các địa phương vùng cao, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho các dự án, công trình trọng điểm, các trọng điểm kinh tế để tạo sự lan tỏa, tạo động lực phát triển.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, định mức phân bổ chi thường xuyên cho các địa phương đã có ưu tiên cho các địa phương vùng núi cao và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, các địa phương có diện tích trồng lúa lớn cũng được phân bổ thêm kinh phí đối với diện tích trồng lúa lớn và kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Năm 2019, Chính phủ trình Quốc hội tăng thêm 2% số bổ sung cân đối so với năm 2017 cho các địa phương. Đồng thời, ngân sách trung ương đã ưu tiên đầu tư cầu, đường giao thông, kênh, cảng, cũng như phân cấp cho địa phương nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết để dành cho chi đầu tư phát triển.
Trong phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương, Chính phủ đã chú trọng ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án, công trình trọng điểm. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để nhấn mạnh điều này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định trong dự thảo Nghị quyết tại khoản 2 Điều 3 về việc giao Chính phủ “Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, các công trình cấp thiết đang đầu tư dở dang” để bảo đảm các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia được sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội.
Trước ý kiến đề nghị Chính phủ cần thực hiện rà soát, đánh giá đầy đủ số liệu các khoản nợ của ngân sách nhà nước, xây dựng phương án thanh toán nợ cụ thể, bố trí vốn thanh toán theo đúng chủ trương và kế hoạch đề ra; có chế tài xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong việc kéo dài thời gian không giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, Chính phủ đã quán triệt các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, trình Quốc hội bố trí chi ngân sách nhà nước hàng năm ưu tiên chi trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn. Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 trình Quốc hội đã báo cáo phương án chi trả khoản nợ của bảo hiểm xã hội, từ năm 2018, bố trí trả nợ dần, cả gốc và lãi. Đối với các khoản trả gốc, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội việc chi trả đầy đủ, đúng hạn. Về nợ đọng xây dựng cơ bản, đúng như các đại biểu Quốc hội đã nêu, nợ xây dựng cơ bản chưa xử lý được dứt điểm. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, quy định về nội dung giao Chính phủ: “Chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản” tại khoản 9 Điều 3 của Dự thảo Nghị quyết.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, chi ngân sách cho lĩnh vực bảo vệ môi trường còn thấp và việc bố trí còn dàn trải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tích cực triển khai các hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường; khuyến khích các hoạt động truyền thông, giáo dục và vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường và trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, không dàn trải, lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phân tích rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục việc phân bổ nguồn lực thấp, tiến độ thực hiện chậm đối với 2 chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thống nhất, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, đồng thời, tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực cho hai chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát để chuẩn bị báo cáo đánh giá hiệu quả thực hiện 21 chương trình mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ xem xét để xây dựng danh mục các chương trình mục tiêu cho giai đoạn sau năm 2020, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải, chỉ tập trung nguồn lực cho những mục tiêu thực sự quan trọng mà Nhà nước cần phải hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương.
Đồng thời, giao Chính phủ thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Ngân sách nhà nước (nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm); các Nghị quyết của Quốc hội (việc ban hành và thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp).
Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 với 438 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 90,31% tổng số đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết |
Nghị quyết cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn theo quy định của pháp luật, giám sát việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 của các bộ, ngành, cơ quan khác ở Trung ương và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, tiến hành Kiểm toán việc thực hiện phân bổ ngân sách trung ương đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam