Trong nước

Chất vấn để tìm ra chân lý vấn đề

10:53, 05/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong 3 ngày (từ 30/10 - 1/11), Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ với không khí dân chủ, cởi mở và thẳng thắn. Nhiều câu hỏi chất vấn giữa các đại biểu thu hút sự quan tâm của cử tri và người dân. Trong đó, phần chất vấn quyết liệt của đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nghệ An với ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đã làm “nóng” nghị trường.

Đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã có nhiều dấu ấn đặc biệt trên cương vị đại biểu Quốc hội khóa XIV
Đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã có nhiều dấu ấn đặc biệt trên cương vị đại biểu Quốc hội khóa XIV

“Người châm ngòi cho các cuộc tranh luận”

Đó là lời nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dành cho ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre. Vào phiên ngày 31/10, những số liệu mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cung cấp đã làm dậy sóng cử tri và nhiều đại biểu có mặt tại nghị trường.

Theo đó, vào sáng 31/10, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng dùng quyền tranh luận để trao đổi lại với Bộ trưởng Bộ Công an. Nhấn mạnh rất ủng hộ cuộc cách mạng trong lĩnh vực Công an vừa qua nhưng qua báo cáo, ông Nhưỡng đánh giá “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp”. Phó Trưởng ban Dân nguyện dẫn hàng loạt con số như tỉ lệ không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát (VSK) 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm trong tống đạt 100%... “Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Tôi đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với anh em trong cơ quan điều tra trong lĩnh vực này”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị. Những phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã khiến nhiều cử tri, những người công tác trong lực lượng Công an “dậy sóng”.

Sáng 1/11, đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã tranh luận quyết liệt với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về vấn đề này và chia sẻ từ hôm qua tới nay, ông liên tục nhận được điện thoại và tin nhắn của cử tri trong lực lượng Công an sau phát biểu của ông Nhưỡng. “Đại biểu nói sai phạm rất khủng khiếp, không thụ lý tin báo tố giác tội phạm là 94%, chậm gửi quyết định cho VKS là 86%, xử lý tin quá hạn 99,7% và vi phạm tống đạt là 100%. Tôi đã kiểm tra lại và khẳng định tất cả những số liệu này là không đúng, không chính xác. Đề nghị đại biểu Nhưỡng phát biểu, nói rõ, nếu không anh em lực lượng Công an rất phân tâm”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đề nghị.

Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết, đã đọc lại các báo cáo của VKS thì số tin báo tố giác tội phạm kiến nghị khởi tố không thụ lý theo quy định của pháp luật là 87/hơn 120.000, số tin báo giải quyết quá hạn là hơn 3.300/hơn 120.100, 100% không gửi các quyết định cho VKS thì VKS sẽ giám sát thế nào với hoạt động của cơ quan điều tra? “Đây là những thông tin mà lực lượng Công an rất dậy sóng. Đề nghị đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói rõ lại vấn đề này để nhân dân cử tri cả nước, nhất là cử tri trong lực lượng Công an được rõ”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu một lần nữa nhấn mạnh.

Khiến cử tri hiểu sai về lực lượng Công an

Trả lời cho ý kiến của Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, ông Nhưỡng biện hộ: “Ở đây tôi dựa trên cơ sở các báo cáo, tôi tính toán chi li từng số phần trăm ở đây, so sánh tổng hợp số vi phạm pháp luật trong công tác tư pháp của các cơ quan hoạt động tư pháp, so sánh giữa các cơ quan kiểm sát, tòa án, công an, thi hành án, giám định. Nếu đại biểu muốn biết số liệu thì xem phụ lục, nếu chưa có thì tôi đã tính toán đầy đủ xin gửi lại đại biểu. Trước quốc dân đồng bào, cử tri, tôi phát biểu không có bất kỳ một định kiến nào mà đây là dựa trên cơ sở các báo cáo chính thức và không bao giờ có bất kỳ một số liệu nào “ngoài luồng”.

Tuy nhiên, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu đưa ra những tính toán cho thấy đại biểu Lưu Bình Nhưỡng có sự nhầm lẫn: Số liệu mà đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra là tự tính toán và đưa ra nhận xét. Trong 120.142 đơn mà cơ quan tố tụng đã thụ lý thì có 87 đơn là chưa thụ lý. Trong 87 đơn này có 82 đơn là Công an chưa thụ lý. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lấy 82 chia cho 87 thành 94%. Về giải quyết tin báo quá hạn là 3.368, trong đó Công an có 3.360 nên đại biểu tính ra 99,7%. Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, toàn bộ số liệu không phải là công bố chính thức của VKS. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhầm lẫn trong tổng số, tức là phải lấy 87 này để chia cho 120.142 mới ra tỉ lệ là họ giải quyết sai đến mức nào. “Khi phát biểu đại biểu lại không nói rõ mà đưa ra nhận định nói là vi phạm khủng khiếp, nghiêm trọng. Như vậy sẽ khiến cử tri hiểu sai vấn đề. Tôi thấy rất đáng tiếc. Tôi nói vậy để đại biểu hiểu thêm và cử tri phải hiểu vấn đề này”, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.

Cách tính của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng là không đúng, có một chút nhầm lẫn nhưng từ đó cho ra một con số rất không chính xác, gây hiểu nhầm. Chẳng hạn, theo báo cáo thì số tin báo tố giác tội phạm kiến nghị khởi tố không thụ lý theo quy định của pháp luật là 87 tin, như ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu tính toán (chia trên tổng số tin báo tố giác tội phạm) thì ra tỉ lệ chỉ chiếm 2,8%, nhưng cách tính của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng lại cho ra con số rất lớn. Đặc biệt, số liệu về thụ lý, số liệu về chưa tống đạt quyết định thụ lý chỉ có 33 vụ nhưng cách tính của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho ra tỉ lệ là 100% chưa tống đạt quyết định thụ lý, trong khi thực tế 9 tháng đầu năm 2018 đã khởi tố hơn 30.000 vụ phạm tội. Cử tri theo dõi sẽ đặt ra vấn đề, tại sao lại như vậy, không lẽ các cơ quan điều tra, tố tụng không làm gì trong suốt 1 năm qua?

Phát biểu sau đó, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, theo báo cáo Ủy ban này đã gửi tới Quốc hội, tỉ lệ giải quyết tố giác tin báo đạt 87,2%, so với chỉ tiêu của Quốc hội, còn 2,8% nữa mới đạt yêu cầu. Còn số tin báo giải quyết quá hạn, Ủy ban Tư pháp đã tính toán rất “thận trọng”. “Năm qua có 3.368 tin báo tố giác quá hạn chiếm 2,8% trên tổng số tin báo, chứ không phải chiếm nhiều”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói. Thông tin của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã cho thấy, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã có tính toán nhầm lẫn, dẫn đến những nhận xét không đúng, sai bản chất vấn đề. Phần tranh luận của Đại tá Nguyễn Hữu Cầu không chỉ góp phần làm rõ vấn đề mà còn cung cấp cái nhìn chân thực, đầy đủ và khách quan nhất cho cử tri và nhân dân cả nước về nỗ lực, kết quả của toàn lực lượng Công an nhân dân trong suốt 1 năm qua. Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục phát huy rõ vai trò của 1 ĐBQH, quyết liệt, thẳng thắn, trách nhiệm - để lại dấu ấn đậm nét với cử tri và nhân dân cả nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu tại 1 kỳ họp Quốc hội - Nguồn: QUOCHOI.VN
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu tại 1 kỳ họp Quốc hội - Nguồn: QUOCHOI.VN

Cần phát huy vai trò giám sát của đại biểu khi chất vấn

Có thể thấy, một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của cử tri và người dân tại các kỳ họp Quốc hội là phiên chất vấn. Tại đây, các đại biểu không chỉ chất vấn các thành viên Chính phủ mà còn thực hiện chất vấn chéo. Nhờ đó, nhiều nội dung, vấn đề đã được làm rõ. ĐBQH là người được nhân dân tín nhiệm, vì vậy, việc phát ngôn, trao đổi, chất vấn phải thể hiện rõ trách nhiệm, không phụ sự kỳ vọng và tin tưởng của người dân. Vì thế, việc chất vấn chéo như vậy rất cần tiếp tục duy trì, nhằm tạo không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn giữa các ĐBQH. Đồng thời, đảm bảo sự dân chủ, bình đẳng giữa các đại biểu trong mọi vấn đề thực hiện giám sát.

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đã có 135 ĐBQH đặt câu hỏi, 19 bộ trưởng, 2 Phó Thủ tướng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn. Trong khi ở kỳ họp gần nhất hồi tháng 6 vừa qua (Kỳ họp thứ 5), chỉ có 4 bộ trưởng được chỉ định trả lời chất vấn và một số thành viên Chính phủ làm rõ thêm những vấn đề đại biểu nêu ra. Nét mới của phiên chất vấn lần này là sự tranh luận sôi nổi, rất thẳng thắn của chính đại biểu với đại biểu. Họ có quyền bày tỏ chính kiến, có quyền tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ một vấn đề nhưng tuyệt nhiên, họ phải giữ được văn hóa Nghị trường. Trong đó mục tiêu cao nhất là phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết chứ không chỉ vì danh dự của riêng ngành mình. Đó là điều cử tri mong đợi.

Thành công của phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, không thể thiếu sự điều hành năng động, sáng tạo, thông minh, khoa học của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Đại biểu và cử tri cả nước đánh giá cao thái độ ứng xử vừa nghiêm túc, vừa linh hoạt, mềm dẻo của người đứng đầu Quốc hội, như chính số phiếu tín nhiệm mà bà đã nhận được tại kỳ họp này. “Không khí dân chủ trao đi, đổi lại để tìm ra sự đúng đắn, chân lý của vấn đề”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Mai Hậu

Các tin khác