Sáng nay, 7-10, tại Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười theo nghi thức Quốc tang.
9h58: Xe chở di ảnh, bảng gắn Huân, Huy chương cùng lư hương xuất phát, ra khỏi cổng Nhà tang lễ, phía sau là Linh xa chở di hài nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười hướng về nơi an táng, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội – quê hương ông.
Đoàn xe tang di chuyển trên đường phố Hà Nội. |
Hai bên đường đông đảo quần chúng nhân dân, học sinh, sinh viên chờ đợi tiễn biệt đồng chí nguyên Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.
9h51: Linh xa chầm chậm lăn bánh rời Nhà tang lễ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng… bước từng bước chậm rãi theo linh xa, tiễn biệt nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
9h49: Sau khi phủ Quốc kỳ, linh cữu được phủ lồng kính và chỉnh trang nghiêm ngắn trên linh xa phía sau gắn đại bác. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh Đảng, Nhà nước cùng gia quyến, bạn bè lặng lẽ theo dõi nghi thức.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiễn đưa nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười. |
9h44: Linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười được đặt trang trọng lên linh xa.
Lễ di quan. |
9h35: Linh cữu cố Tổng bí thư bắt đầu được đưa khỏi nhà tang lễ.
Trong tiếng quân nhạc, di ảnh, huân huy chương và linh cữu nguyên Tổng bí thư được di chuyển chậm theo từng nhịp chân bước đều của đội tiêu binh. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi đầu.
Không khí trang nghiêm, trầm buồn trong phút mặc niệm. |
|
||
8h25: Sau phút mặc niệm, con trai nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười - ông Nguyễn Duy Trung thay mặt gia đình bày tỏ lòng cảm ơn tới các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người bạn quốc tế đã dành tình cảm, tới chia buồn cùng gia đình.
Lễ truy điệu kết thúc, toàn thể gia quyến cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi vòng quanh linh cữu rong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, nhiều người rơi nước mắt ngậm ngùi.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, các nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh... đi chậm, đặt tay lên linh cữu...
9h5: Sau khi Quốc thiều được cử hành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc Lời điếu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
"Trên 80 năm hoạt động và phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc và lý tưởng cộng sản cao đẹp, đồng chí Đỗ Mười đã có những đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí suốt đời tận tụy với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân...", Tổng bí thư nêu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời điếu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. |
Các đồng chí Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong lễ truy điệu cố Tổng bí thư Đỗ Mười. (Ảnh VNE) |
8h57: Đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ Truy điệu.
Đồng chí Trương Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ Truy điệu. |
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, trong những ngày qua đã có trên 1.600 đoàn với số lượng hơn 60.000 người đến viếng đồng chí Đỗ Mười tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hội trường Thống nhất TP.HCM và quê nhà. Trong đó có hơn 100 đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế, 3 đoàn cấp cao Đảng, Nhà nước Lào, Campuchia và Cu Ba.
8h55: Nhà Tang lễ Quốc gia Trần Thánh Tông nghi ngút trầm hương, phía trên lễ đài, giữa phông nền đen là Quốc kỳ có gắn dải băng tang. Ngay dưới Quốc kỳ là dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”, tiếp đó là di ảnh nguyên Tổng Bí thư.
Linh cữu của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười được quàn trang trọng giữa lễ đài và phủ Quốc kỳ đỏ thắm. Sát linh cữu là ban thờ, đặt lư hương, bảng gắn Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng đồng chí.
Dự Lễ truy điệu tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội) có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh…
Cùng dự có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các bậc lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, đại diện các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, tôn giáo, đông đảo các tầng lớp nhân dân, cùng gia quyến nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Đồng chí Thongloun Sisoulith, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã dự Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM, các đồng chí; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương khu vực phía Nam; các tầng lớp nhân dân TPHCM đã dự Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Đội tiêu binh chăm sóc linh xa. |
8h45: Từng hàng dài sinh viên trong màu áo xanh tình nguyện ôm ảnh ghi lại hoạt động của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với tuổi trẻ, học sinh sinh viên với mong muốn tưởng nhớ và tiễn biệt ông lần cuối.
Mang di ảnh tưởng nhớ nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười trước cửa Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. |
Tại quê nhà nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, các ngành chức năng và nhân dân đã hoàn tất công tác chuẩn bị sẵn sàng đón nguyên Tổng Bí thư về quê hương. Chính quyền và bà con nhân dân xã Đông Mỹ luôn dành những tình cảm đặc biệt, tiếc thương trước sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Những ngày qua, trên các trục đường dự kiến có xe linh xa chở linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sẽ đi qua, các công nhân vệ sinh môi trường cùng bà con nhân dân đã tích cực tổng vệ sinh, chăm sóc, cắt tỉa nhiều thảm hoa với tấm lòng trân trọng nhất để đón nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về với quê mẹ. |
Công an Hà Nội đảm bảo ANTT trước Nhà tang lễ. |
7h50: Bên trong khu vực nhà tang lễ, cỗ linh xa có gắn đại bác đã được Đội nghi lễ và tiêu binh chuẩn bị sẵn sàng. Các chiến sỹ đang chỉnh trang lại đội ngũ, sẵn sàng vào vị trí. Những công tác chuẩn bị cuối cùng đang được hoàn tất. Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đông đảo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân, các đại biểu quốc tế đã đến dự, tiễn biệt đồng chí Đỗ Mười.
Cùng thời điểm này, tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM cũng diễn ra Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Dưới cái nắng dịu của mùa thu, các đoàn đại biểu và người dân Thủ đô có thể tới viếng và tiễn đưa đồng chí nguyên Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.
6h50: Lực lượng Quân đội, Công an có mặt từ sáng sớm để cắm chốt, đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, phân luồng, hướng dẫn giao thông xung quanh khu vực nhà tang lễ.
Linh xa cùng đội nghi lễ đang duyệt đội hình để chuẩn bị cho Lễ truy điệu và đưa tiễn linh cữu nguyên Tổng Bí thư về quê nhà.
Xe nghi lễ chuẩn bị. |
6h30: Tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông , Hà Nội, các công tác an ninh, tiếp đón đoàn đại biểu, nhân dân đến viếng đã hoàn tất. Các tuyến đường nơi linh cữu sẽ đi qua trước khi đưa về quê nhà nguyên Tổng Bí thư cũng được hạn chế phương tiện.
Công an cắm chốt tại những tuyến đường đoàn xe đi qua. |
Công an làm nhiệm vụ tại cổng nhà tang lễ Quốc gia |
Sau lễ viếng được tổ chức cả ngày hôm qua (6-10), 9h sáng nay (7-10), Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười được cử hành tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng được tổ chức.
Sau Lễ truy điệu, từ 13h chiều nay, Lễ an táng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sẽ diễn ra tại quê nhà, khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Lộ trình đoàn xe tang rước linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Về lộ trình bảo vệ dẫn đoàn xe tang rước linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đi qua trên các tuyến đường vào sáng ngày 7-10, Trung tá Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội Tuần tra Dẫn đoàn (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết: "Các phương tiện đã sẵn sàng, đồng thời hạn chế các loại phương tiện hoạt động trên các tuyến đường đoàn xe tang đi qua".
Theo Trung tá Nguyễn Văn Hải, 9h sáng ngày mai (7-10), đoàn xe tang sẽ đi từ Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông ra đường Phạm Đình Hổ về nhà riêng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Sau đó, đoàn xe tang rước linh cữu đi qua các tuyến phố Lò Đúc, Phan Chu Trinh, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Chu Văn An, Nguyễn Thái Học, Lê Duẩn, Giải Phóng, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Đông Mỹ, Liên Ninh (huyện Thanh Trì).
“Để tuân thủ chỉ dẫn nhường đường cho đoàn xe ưu tiên, người điều khiển phương tiện phải tuyệt đối chấp hành sự chỉ dẫn của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường để đoàn xe tang lễ đi qua. Cũng là tỏ lòng thành kính với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười”- Trung tá Nguyễn Văn Hải nói.
TÓM TẮT TIỂU SỬ ĐỒNG CHÍ ĐỖ MƯỜI Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ----- Đồng chí Đỗ Mười (tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống), sinh ngày 2-2-1917; quê quán: Xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Thường trú tại số nhà 11, phố Phạm Đình Hổ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1936; vào Đảng tháng 6-1939. Năm 1936, đồng chí tham gia phong trào Mặt trận Bình dân. Năm 1937, đồng chí tham gia Tổ chức Ái hữu thợ mỏ Hòn Gai. Năm 1938, đồng chí về quê hoạt động, vào Công hội, vận động phong trào ủng hộ Liên Xô; tháng 6-1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, giam ở Nhà tù Hà Đông và Nhà tù Hoả Lò, Hà Nội. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, đồng chí vượt ngục Hoả Lò, bắt liên lạc với Đảng và tiếp tục hoạt động, được phân công về tham gia Ban khởi nghĩa Tỉnh uỷ Hà Đông, phụ trách phong trào cách mạng huyện Ứng Hoà và Mỹ Đức, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hà Đông. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông. Đầu năm 1946, đồng chí làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam. Cuối năm 1946, làm Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Nam Định. Năm 1947 - 1949, đồng chí làm Khu uỷ viên Khu III, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình. Năm 1950, đồng chí làm Phó Bí thư Liên Khu uỷ, kiêm Phó Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Liên khu III, Chính uỷ kiêm Tư lệnh Liên khu III. Năm 1951 - 1954, đồng chí làm Bí thư Khu uỷ khu Tả Ngạn Sông Hồng, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính và Chính uỷ Quân khu Tả Ngạn Sông Hồng. Năm 1955, đồng chí chỉ đạo tiếp quản Khu 300 ngày, Bí thư Thành uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban Quân chính thành phố Hải Phòng. Tháng 3-1955, đồng chí được bầu bổ sung Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1956, đồng chí làm Thứ trưởng Bộ Thương nghiệp. Năm 1958, đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Nội thương. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960), đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội thương. Năm 1967 - 1968, đồng chí làm Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ. Năm 1969 - 1973, đồng chí làm Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước. Năm 1973, đồng chí làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương và chống phong toả Cảng Hải Phòng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976), đồng chí được bầu lại làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách các khối: Xây dựng cơ bản, Công nghiệp, Vật tư, Cải tạo công thương nghiệp và phân phối lưu thông. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí tiếp tục được bầu lại làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách các khối: Xây dựng cơ bản, Công nghiệp, Vật tư. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí tiếp tục được bầu lại làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 6-1988, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), đồng chí tiếp tục được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Quân uỷ Trung ương. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996), đồng chí tiếp tục được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Quân uỷ Trung ương. Tháng 12-1997, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khoá VIII, đồng chí xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Tổng Bí thư; được Ban Chấp hành Trung ương Đảng suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến năm 2000. Đồng chí là Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II; Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá III, IV, V, VI, VII, VIII; Uỷ viên Bộ Chính trị dự khuyết khoá IV; Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá V, VI, VII, VIII; Thường trực Ban Bí thư khoá VI; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 6-1988 đến tháng 6-1991); Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ tháng 6-1991 đến tháng 12-1997). Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ năm 1997 đến năm 2000). Đại biểu Quốc hội các khoá II, IV, V, VI, VII, VIII và IX. Do có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. |