Trong nước
Siêu bão Mangkhut cách đảo Luzon 360km, hướng về biên giới Việt-Trung
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 13h ngày 14/9, vị trí tâm siêu bão ở cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 360km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.
Hướng di chuyển của siêu bão Mangkhut (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia) |
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km.
Như vậy, khoảng trưa và chiều mai siêu bão sẽ đi vào khu vực Đông Bắc của Biển Đông.
Đến 13h ngày 15/9, vị trí tâm siêu bão ở trên vùng biển phía Tây Bắc đảo Luzon. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17.
Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 400km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 200km tính từ vùng tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm nay (14/9) ở vùng biển Đông Bắc Biển Đông có mưa bão và gió mạnh dần lên cấp 11-12, từ sáng mai (15/9) tăng lên cấp 14-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km.
Đến 13h ngày 16/9, vị trí tâm bão ở trên khu vực Bắc Biển Đông và cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 340km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3-4.
Mắt siêu bão Mangkhut (Ảnh: Nasa) |
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km.
Đến 13h ngày 17/9, vị trí tâm bão ở ngay trên khu vực biên giới Việt -Trung. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3-4.
Cảnh báo: Khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ trong khoảng ngày 16-17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17-18/9. Hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 17-19/9.
Trước diễn biến đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu:
Tuyến biển, đảo kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú; hướng dẫn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn. Tùy theo tình hình cụ thể của địa phương, thực hiện cấm biển, kể cả các tàu vận tải và du lịch xong trước 10h00 ngày 16/9/2018.
Chỉ đạo gia cố, đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản; tập trung thu hoạch sớm các khu nuôi trồng thuỷ sản để giảm thiểu thiệt hại.
Tổ chức sơ tán người dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven sông, ven biển đến nơi an toàn. Việc sơ tán dân hoàn thành trước 17 giờ ngày 16/9/2018.
Rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển; Tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; tiêu gạn nước đệm để chống úng; Chằng chống, gia cố nhà cửa, biển quảng cáo, kho tàng, công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình tháp cao; tổ chức chặt tỉa cành cây; Cấm giao thông trên các vị trí trọng điểm đặc biệt là với cầu vượt biển; Bảo vệ an toàn đê điều, nhất là đối với các tuyến đê biển bị sự cố, có phương án ứng phó kịp thời; Đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện và thông tin liên lạc; sẵn sàng lực lượng, vật tư để khắc phục ngay các sự cố.
Liên tục cập nhật tình hình, bảo đảm thông tin liên lạc những nơi có nguy cơ bị chia cắt, lên phương án sẵn sàng sơ tán dân tại các vùng xung yếu nếu có yêu cầu. Cảnh báo những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở. Ngoài ra, tổ chức tính toán phục vụ điều hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du.
Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ lên kế hoạch cụ thể phối hợp với chính quyền địa phương tổng rà soát các phương án cụ thể để chủ động xử lý trong các tình huống trước, trong và sau bão; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra./.
Nguồn: Bình Minh/VOV.VN