Chiều 24/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng- An ninh họp phiên toàn thể lần thứ 9 để thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tham dự chỉ đạo phiên họp.
Trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng công an nhân dân trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân 2014, nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng; đảm bảo đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật Công an nhân dân 2014.
Toàn cảnh phiên họp |
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình |
Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh thấy rằng, các nội dung dự thảo Luật đã cơ bản bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Hồ sơ dự án Luật cơ bản được xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Về cơ cấu và phân loại lực lượng Công an nhân dân, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh tán thành với việc không quy định cơ cấu của Công an nhân dân và phân loại sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân theo lực lượng An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân nhằm đảm bảo linh hoạt trong chỉ đạo và điều hành công tác cán bộ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu chỉ đạo tại phiên họp |
Về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh đề nghị cân nhắc việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm đối với chức vụ Cục trưởng Cục đặc biệt.
Đối với nội dung về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh nhận định đây là vấn đề hệ trọng, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá tác động mọi mặt và báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) là dự án Luật đặc biệt quan trọng có liên quan trực tiếp đến tổ chức, hoạt động của lực lượng công an nhân dân, vì vậy cần phải rà soát thận trọng. Đặc biệt, việc xây dựng luật phải bám sát Nghị quyết 22- NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu, chỉnh lý trên cớ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng- An ninh cũng như các ý kiến thảo luận tại phiên họp; đảm bảo khẩn trương hoàn thành dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 này.