Trong nước
Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Ngày 10/4/2018, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Công điện gửi Thủ trưởng các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).
Nội dung Công điện nêu rõ:
Thời gian gần đây, cả nước đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống an sinh người dân và trật tự, an toàn xã hội. Công an, Cảnh sát PCCC các đơn vị, địa phương đã phát huy vai trò nòng cốt, kịp thời tổ chức chữa cháy, CNCH, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp tăng cường công tác PCCC và khắc phục hậu quả sau cháy, qua đó ngăn chặn tình hình phức tạp về an ninh, trật tự có thể xảy ra. Bộ trưởng Bộ Công an ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, chiến sỹ toàn lực lượng.
Để kiềm chế, ngăn chặn tình hình cháy, nổ và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu Công an, Cảnh sát PCCC các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá, gây rối của các thế lực thù địch, phản động... Chú trọng việc giải quyết tình hình ngay tại cơ sở, không để xảy ra khủng bố, phá hoại, lợi dụng tình hình cháy, nổ kích động tập trung đông người, gây mất an ninh, trật tự.
2. Giám đốc Công an, Cảnh sát PCCC các địa phương tích cực, chủ động tham mưu, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương: Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 2310/VPCP-NC ngày 13/3/2018 của Văn phòng Chính phủ về một số nội dung cần tập trung trong việc thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo công tác PCCC và CNCH.
3. Tổ chức tổng kiểm tra, rà soát trên phạm vi toàn quốc, đánh giá, điều tra cơ bản điều kiện an toàn PCCC đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo Phụ lục I Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, đặc biệt là các công trình công cộng, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, siêu cao tầng, cơ sở karaoke, cơ sở kinh doanh xăng dầu, các loại hóa chất dễ cháy nổ,... Phải công khai danh sách các cơ sở mất an toàn về PCCC và có chế tài xử lý nghiêm tất cả các cơ sở vi phạm quy định về an toàn PCCC.
4. Bộ Công an quyết định tiếp tục mở đợt cao điểm bảo đảm an toàn PCCC trên phạm vi toàn quốc. Yêu cầu Công an, Cảnh sát PCCC các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, phương tiện sẵn sàng xuất xe chữa cháy ngăn chặn, kiềm chế tình hình cháy, nổ, kiểm tra, rà soát những địa bàn, cơ sở tập trung đông người (chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng, trung tâm thương mại, khách sạn,...); các cơ sở tại khu công nghiệp có sử dụng chất lỏng cháy, nguyên vật liệu dễ cháy, các khu vực cầu cảng, cơ sở dự trữ, kinh doanh xăng dầu, hóa chất dễ cháy, nổ.
Thành lập đoàn liên ngành kiểm tra thực tế một số chung cư, công trình cao tầng tại một số địa phương để đánh giá thực trạng công tác PCCC. Trong quá trình kiểm tra, tập trung làm rõ: Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý, chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc duy trì hoạt động của hệ thống PCCC; Ý thức, nhận thức và kỹ năng thoát nạn của người dân khi có sự cố cháy, nổ; Tình trạng hoạt động của các thiết bị cảnh báo cháy, các phương tiện, trang thiết bị PCCC (bình chữa cháy, nguồn nước, hệ thống thoát hiểm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy,...); Kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, các phương án chữa cháy, CNCH; Quy chế hoạt động của các ban quản lý, ban quản trị các chung cư, công trình cao tầng...
5. Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an, Cảnh sát PCCC địa phương phối hợp chặt chẽ, khẩn trương điều tra, kết luận nguyên nhân các vụ cháy, nổ, làm rõ trách nhiệm của chủ cơ sở và các đơn vị, cá nhân liên quan trong trường hợp để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần kiên quyết xử lý nghiêm, tiến hành các biện pháp tố tụng, sớm đưa ra xét xử để giáo dục, phòng ngừa và răn đe chung.
6. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC và CNCH. Đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền sớm đưa kiến thức, kỹ năng PCCC, CNCH vào các chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và các cơ sở giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học. Xây dựng kịch bản tuyên truyền đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với thực tế từng địa bàn, từng loại hình cơ sở.
Các cơ quan báo, đài truyền hình Công an nhân dân có kế hoạch phối hợp với Công an, Cảnh sát PCCC các đơn vị, địa phương và các báo, đài Trung ương và địa phương kịp thời đưa tin, bài tuyên truyền những hoạt động, thành tích, chiến công xuất sắc trong PCCC và CNCH; về gương người tốt, việc tốt, những tấm gương cán bộ, chiến sỹ dũng cảm, tận tụy, tinh thần sẵn sàng hy sinh trên mặt trận chống giặc lửa để cứu người, cứu tài sản của nhân dân; kịp thời định hướng dư luận, phản bác những luận điệu xuyên tạc, phá hoại nội bộ của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu nhằm xây dựng, củng cố hình ảnh đẹp của người chiến sỹ Công an trong lòng dân.
7. Thủ trưởng Công an, Cảnh sát PCCC các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng kế hoạch phân công lực lượng cụ thể, bảo đảm phương tiện, trang thiết bị, hậu cần sẵn sàng chữa cháy, CNCH, thực hiện nghiêm túc mệnh lệnh công tác, chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, chế độ thông tin, báo cáo, bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, chấn chỉnh lễ tiết, tác phong, kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm Điều lệnh Công an nhân dân.
Nguồn: Bộ Công an