Trong nước
Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng bão lũ
"Phải giải quyết gạo đến dân kịp thời nhất; cơ số thuốc mà Bộ Y tế giải quyết cho các địa phương phải đưa đến dân sớm nhất; việc đề phòng dịch bệnh sau lũ cần phải làm ngay", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Chiều 6/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả tại các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 12.
Tại hội nghị, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết do nhiều nơi bị ngập nên phải cắt điện để bảo đảm an toàn; hiện hệ thống lưới điện 500 kV an toàn; đã khôi phục hệ thống lưới điện 220 kV; lưới 110 kV cơ bản tái lập; trong ngày 7 và 8/11 sẽ khôi phục nốt nơi còn sự cố; những nơi mất điện do ngập, khi nước rút, các đơn vị sẽ nỗ lực cấp điện trở lại...
Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho biết, đến thời điểm này cơ bản không có hộ dân nào bị thiếu đói; đề nghị các tỉnh cần rà soát lại số lượng cần hỗ trợ, tinh thần là địa phương nỗ lực tự chủ động, Trung ương sẽ cân đối nguồn lực.
Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ và các bộ, ngành đã chỉ đạo ứng phó quyết liệt. Diễn biến hiện nay còn mưa, các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện đến nay đã góp phần cắt lũ đến 70%. Dự báo cuối tuần này, có một vùng áp thấp trên Biển Đông hình thành, gây ra nguy hiểm. Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết một số nơi đoạn đường sắt bị ảnh hưởng, phải đến 19/11 mới khắc phục được. Ở Bình Định do khu tránh trú bão hạn chế nên tàu bị chìm vì sóng to, diện rộng. Hầu như các tuyến Quốc lộ 1 bị ảnh hưởng, trong đó Quảng Nam bị ảnh hưởng 5 điểm.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng cho biết, đã huy động gần 12 nghìn cán bộ, chiến sĩ cùng với các địa phương cứu hộ, khắc phục hậu quả bão lụt. Dự kiến thời gian tới sẽ huy động thêm 10 nghìn cán bộ, chiến sĩ nữa khi nước rút để tập trung khắc phục. Lực lượng tàu thuyền trong khu vực cũng tham gia tìm kiếm cứu nạn. Quân đội cũng tích cực tham gia di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, cứu hộ cứu nạn ở địa phương.
Bộ Quốc phòng đề nghị, không chủ quan về hồ đập, nhất là ở Quảng Nam, cần dự báo tình hình xấu nhất để di dời dân. Đề nghị miền Trung phải cùng với các cơ quan liên quan đánh giá, lên phương án di dời dân. Các địa phương ven biển cần nghiên cứu xây dựng thêm các chỗ tránh trú bão cho tàu thuyền; sử dụng hợp lý lực lượng quân đội trong ứng cứu, nhất là tập trung cho trường học.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các địa phương khẩn trương báo cáo để kịp thời hỗ trợ. Chúng ta đã tập trung, sử dụng nhiều kinh phí dự phòng từ đầu năm đến nay để khắc phục thiên tai.
Bộ Công Thương cho biết, các tập đoàn trực thuộc Bộ (như xăng dầu, mặt hàng khác đang quản lý) cung ứng hàng hoá không thiếu hàng, giá cả ổn định.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau bão số 12 là lũ lụt lớn, gây thiệt hại nặng nề tính mạng và tài sản của nhân dân 9 địa phương miền Trung và Tây Nguyên; sau lũ lụt là nguy cơ dịch bệnh, thiếu đói. Bão số 12 cường độ cao, diện rộng kéo dài, nhưng công tác chỉ huy ứng phó đã được thực hiện tốt. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống lụt bão, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã kịp thời dự báo, đi chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường để hạn chế tối đa thiệt hại. Công tác dự báo có tiến bộ, công tác điều tiết hồ chứa được làm tốt, không có hồ nào bị vỡ, đây là bài học kinh nghiệm tốt. Công tác chỉ đạo chủ động, nhiều giải pháp sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao của các bộ, ngành, lực lượng quân đội, công an.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương các cấp, các ngành trong việc ứng phó, khắc phục thiệt hại bão 12. Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước chia sẻ những thiệt hại của nhân dân; chia buồn, gửi lời thăm hỏi đến những gia đình bị thiệt hại, thân nhân những người bị nạn.
Thủ tướng quyết định hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng, dự kiến mỗi tỉnh khoảng 500 tấn gạo, hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nhẹ mỗi tỉnh khoảng 100 - 200 tấn, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với một số bộ, ngành liên quan sớm trình phương án hỗ trợ các địa phương thiệt hại nặng theo thứ tự ưu tiên để khôi phục đời sống nhân dân; dự kiến nguồn kinh phí này khoảng 1.000 tỷ đồng.
Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị tiếp tục chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt để nhân dân không bị đói, không lâm vào cảnh "màn trời chiếu đất", sớm trở lại cuộc sống bình thường, nhất là bảo đảm tổ chức tốt sự kiện APEC.
Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị vào cuộc hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại; các cơ quan chức năng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện; lực lượng Quân khu 5 dừng việc huấn luyện để tập trung khắc phục giúp nhân dân; nêu cao tinh thần tự lực tự cường của các địa phương trong vùng bão lũ;...
Bên cạnh đó, các bộ có chức năng phải trực tiếp đi xuống các địa phương để kiểm tra, xử lý, giải quyết những vấn đề đặt ra ở địa phương, ví dụ, Bộ Giao thông vận tải phải bảo đảm giao thông thông suốt, không bị ách tắc, Bộ Công Thương bảo đảm hàng hóa cần thiết Bộ NNPTNT tổng hợp, đề xuất hỗ trợ giống các loại để cho vụ Đông.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đi sâu đi sát hỗ trợ địa phương trong lúc khó khăn này. "Phải giải quyết gạo đến dân kịp thời nhất, cơ số thuốc mà Bộ Y tế giải quyết cho các địa phương phải đưa đến dân sớm nhất. Đề phòng dịch bệnh sau lũ cần phải làm ngay, chứ không phải có dịch bệnh rồi mới làm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn: Chinhphu.vn