Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/trong-nuoc/201611/bo-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-danh-gia-tac-dong-moi-truong-hien-nay-chua-dam-bao-sac-ben-de-quan-ly-moi-truong-709254/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/trong-nuoc/201611/bo-truong-bo-tai-nguyen-va-moi-truong-danh-gia-tac-dong-moi-truong-hien-nay-chua-dam-bao-sac-ben-de-quan-ly-moi-truong-709254/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đánh giá tác động môi trường hiện nay chưa đảm bảo sắc bén để quản lý môi trường - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 16/11/2016, 09:48 [GMT+7]
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đánh giá tác động môi trường hiện nay chưa đảm bảo sắc bén để quản lý môi trường

Chiều 15/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Nội dung chất vấn tập trung vào các vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; việc quản lý quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng- tỉnh Vĩnh Long chất vấn tại Hội trường - Ảnh: Đình Nam
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng- tỉnh Vĩnh Long chất vấn tại Hội trường - Ảnh: Đình Nam

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng- tỉnh Vĩnh Long về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý nhà nước để bảo đảm các báo cáo đánh giá tác động môi trường thực sự có tác dụng, không còn sự cố môi trường đáng tiếc nào xảy ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết đánh giá tác động môi trường hiện nay là một trong những công cụ quản lý về bảo vệ môi trường trong việc thực hiện các dự án nhưng chưa thực sự sắc bén.

Bên cạnh đó, có nhiều công cụ để quản lý bảo vệ môi trường do sự điều chỉnh của nhiều bộ luật dẫn đến khi áp dụng các công cụ này thì không còn thực chất nhưng vấn đề đánh giá tác động môi trường rõ nhất.

Cần phải điều chỉnh lại quy định về đánh giá tác động môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, muốn phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thì phải đánh giá tác động môi trường. Đánh giá tác động môi trường được thực hiện khi chưa rõ các vấn đề kinh tế, kỹ thuật, công nghệ. Khi đánh giá tác động môi trường thông thường doanh nghiệp mới đề cập được một nội dung hoặc một bộ phận của dự án, hay đối với các dự án liên hợp có nhiều hạng mục khác nhau thì sẽ đánh giá trong nhiều thời điểm khác nhau, rõ ràng không nhìn thấy một cách tổng thể tác động của các hạng mục lên môi trường.

Ngoài ra, khi triển khai dự án cũng có thể điều chỉnh nội dung đánh giá tác động môi trường. Như vậy, đánh giá tác động môi trường chỉ mang tính chất dự báo và chưa phải là một công cụ dùng để giám sát lại quá trình, kiểm tra quá trình hậu thẩm hoặc quản lý sau này.

Mặt khác, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng Luật bảo vệ môi trường năm 2014 đặt trách nhiệm lên doanh nghiệp trong quá trình sau đánh giá tác động môi trường, chuyển từ kiểm soát cả quá trình sang kiểm soát cuối, các doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện từ khâu thiết kế, thi công, vận hành thử cho đến khi các công trình hoàn thiện thì khi thông báo cho cơ quan quản lý môi trường là quy định đúng đắn.

Tuy nhiên, do có nhiều loại hình công nghiệp mà tính chất ô nhiễm, tiềm năng ô nhiễm lớn hoặc nguồn thải lớn thì cũng cần phải xác định lại để có danh mục và phải có cách kiểm soát chặt chẽ hơn, tức là đối với loại này kiểm soát mang tính chất phòng ngừa chứ không phải kiểm soát từ đầu đường ống.

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Như vậy, sắp tới Bộ sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét để điều chỉnh lại Bộ luật bảo vệ môi trường cùng những bộ luật khác như Luật đầu tư, Luật kinh doanh về vấn đề đánh giá tác động môi trường. Theo đó, đối với những dự án thân thiện môi trường thì không cần phải tiếp cận theo một cách phức tạp như trên mà đánh giá tác động môi trường rất đơn giản. Đối với dự án có tính chất, tiềm năng nguy cơ ô nhiễm cao thì phải tiếp cận từ phòng ngừa, phải có danh sách riêng và cơ chế, cách thức giám sát riêng.

Trên thực tế hiện nay, năng lực giám sát của trung ương cũng như địa phương cũng hoàn toàn chưa đáp ứng được yêu cầu này. Chính vì vậy, cần phải đặt ra cơ chế và điều kiện giám sát hoàn toàn khác với trước đây. Cụ thể là trong quá trình đánh giá tác động môi trường phải có được các nhà khoa học tham gia ngay từ khâu tư vấn, khâu lập hội đồng. Đồng thời phải sử dụng các lực lượng khoa học trong việc hỗ trợ cho các cơ quan quản lý trung ương hoặc địa phương có thể giám sát được quá trình thực hiện để tránh những sự cố gây ô nhiễm môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, đối với các loại hình dự án có nguy cơ cao cần có chế tài giám sát chặt chẽ thì bên cạnh việc áp dụng nhiều công cụ, cơ chế như thanh tra,  kiểm tra thì trong nội dung đánh giá tác động môi trường vẫn phải bổ sung việc đánh giá trình độ công nghệ sản xuất; đánh giá công nghệ trong xử lý chất thải; có công cụ kỹ thuật để kiểm soát thường xuyên doanh nghiệp qua báo cáo, theo dõi về kiểm toán năng lượng, kiểm toán hóa chất trong toàn bộ quá trình.

Sớm phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra tổng thể, gắn trách nhiệm kiểm tra, thanh tra trong đánh giá tác động môi trường

Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương- tỉnh Ninh Thuận chất vấn tại Hội trường
Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương- tỉnh Ninh Thuận chất vấn tại Hội trường

Trước thực trạng nhiều dự án được cấp phép hoạt động gây ô nhiễm môi trường đều đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương- tỉnh Ninh Thuận đặt vấn đề liệu có bất cập hay tiêu cực gì trong quản lý quá trình tổ chức hoạt động đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường hay không? Công tác hội thẩm, kiểm tra về vận hành thử nghiệm và trong quá trình hoạt động được tổ chức, thực hiện như thế nào? Kết quả hội thẩm, kiểm tra có sai phạm gì hay không? Có hay không vấn đề buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng chậm phát hiện, chậm xử lý và thời gian tới Bộ trưởng thực hiện trách nhiệm và giải pháp chấn chỉnh các sai phạm vi phạm trong công tác thanh tra, kiểm tra, hội thẩm như thế nào?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu thực tế việc thực hiện đánh giá tác động môi trường nhưng chưa dựa trên cơ sở khoa học và báo cáo dự án đầy đủ về thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và công nghệ; chưa đưa được nội dung gắn trách nhiệm trong quá trình giám sát, kiểm tra và thanh tra.

Công tác kiểm tra, thanh tra được thực hiện bởi nhiều cấp, ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường, cao hơn là Thanh tra Chính phủ, các bộ ngành cũng có thanh tra chuyên ngành và thanh tra của địa phương, và cả lực lượng cảnh sát môi trường. Vì vậy, việc phân định rõ trách nhiệm và có kế hoạch tổng thể để thực hiện công tác thanh tra có sự phân công, huy động các lực lượng là việc rất cần thiết tuy nhiên công tác này lại chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ trưởng cho rằng cần tăng cường chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra với sự tham gia của các lực lượng khoa học, công nghệ, áp dụng các thiết bị kỹ thuật, chúng ta mới có thể đánh giá chính xác.

Bộ trưởng cũng cho biết với vị trí là cơ quan giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý vấn đề tài nguyên, môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm phối hợp để xây dựng một kế hoạch thanh tra có tính tổng thể.

.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

.