Trong nước
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 10/2016
Ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ; Biên chế công chức năm 2017; quy định về lệ phí môn bài; các mức đóng lệ phí trước bạ theo quy định mới; ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ; 19 tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.... là những thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 10/2016.
Ảnh minh họa. |
Quy chế làm việc của Chính phủ
Ngày 1/10/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2016/NĐ-CP về Quy chế làm việc của Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ làm việc theo nguyên tắc sau:
Làm việc kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm tập thể Chính phủ với quyền hạn, trách nhiệm cá nhân Thủ tướng và từng thành viên Chính phủ; quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền theo nguyên tắc đa số.
Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Chủ động giải quyết công việc đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, Quy chế làm việc của Chính phủ; cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.
Thực hiện phân cấp, ủy quyền hợp lý cho chính quyền địa phương, bảo đảm sự quản lý thống nhất; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Công khai, minh bạch, hiện đại hóa hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ; thực hiện nền hành chính phục vụ Nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân.
Quy định về lệ phí môn bài
Chính phủ ban hành Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 4/10/2016 quy định về lệ phí môn bài.
Nghị định quy định mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau: Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm; Tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống: 2.000.000 đồng/năm; Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: 1.000.000 đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau: Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm; Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm; Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
Các mức đóng lệ phí trước bạ theo quy định mới
Ngày 10/10/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2016/NĐ-CP về lệ phí trước bạ, bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2017.
Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ sẽ tính theo tỷ lệ %. Cụ thể, nhà, đất mức thu là 0,5%; tàu thủy, sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy, thuyền, du thuyền, tàu bay mức thu là 1%.
Xe máy mức thu là 2%. Riêng xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thuộc tỉnh; thị xã nơi Ủy ban nhân dân tỉnh đóng trụ sở nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức là 5%; đối với xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi được áp dụng mức thu là 1%.
Ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, các loại xe tương tự mức thu là 2%. Riêng ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 10%. Ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi với mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập kinh tế
Nghị định số 141/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác được Chính phủ ban hành ngày 10/10/2016.
Theo Nghị định, đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị không thuộc cơ cấu tổ chức các đơn vị cấu thành theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật; xây dựng phương án sắp xếp lại các đơn vị cấu thành trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Điều kiện đầu tư, hoạt động lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Ngày 14/10/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, bao gồm:
1- Thành lập, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và tư thục; thành lập, cho phép thành lập, chấm dứt hoạt động phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng công lập và tư thục.
2- Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
3- Điều kiện, thủ tục cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định số 48/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục nghề nghiệp.
Quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 quy định về xây dựng kế hoạch; huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn; tổ chức, điều phối; theo dõi, kiểm tra và đánh giá trong quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra trong Quân đội
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 42/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 sửa đổi Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 72/2007/QĐ-TTg ngày 23/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra trong Quân đội.
Quyết định số 42/2016/QĐ-TTg quy định 2 mức phụ cấp 15% và 10% tùy theo chức danh.
Mức phụ cấp đặc thù quy định trên được tính trên mức lương cấp hàm, ngạch bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
50 cuộc điều tra, tổng điều tra thống kê quốc gia
Ngày 17/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg về Chương trình điều tra thống kê quốc gia, theo đó có 3 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia gồm: Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế .
Ngoài ra, có 47 cuộc điều tra thống kê gồm 4 cuộc điều tra về đất đai, dân số, lao động, việc làm; 2 cuộc điều tra về tài khoản quốc gia, tài chính tiền tệ; 8 cuộc điều tra về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; 4 cuộc điều tra về công nghiệp, vốn đầu tư, xây dựng; 9 cuộc điều tra về thương mại, du lịch, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin; 3 cuộc điều tra về cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp; 8 cuộc điều tra về giá; 3 cuộc điều tra về khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường; 6 cuộc điều tra về y tế, giáo dục, văn hóa, trật tự an toàn xã hội, mức sống dân cư.
Quy định về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng.
Theo quy định, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách do chủ rừng thành lập và quản lý trực tiếp; chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng của cơ quan Kiểm lâm sở tại.
Tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện
Ngày 19/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Theo Quyết định, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong các hình thức sau đây khi thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích: 1- Gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; 2- Nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính; 3- Gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng
Ngày 5/10/2016, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị 29/CT-TTg về việc xử lý phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định.
Chỉ thị yêu cầu các đơn vị đăng kiểm trên cả nước tăng cường phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông vận tải, Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương trong công tác thống kê, kiểm soát, xử lý đối với tất cả các phương tiện hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định trên địa bàn.
Ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ
Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1826/CĐ-TTg ngày 15/10/2016 gửi các Bộ: Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Ủy ban ATGT Quốc gia, Ủy ban Quốc gia TKCN, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, UBND các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quãng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, một số cơ quan báo chí-truyền thông Trung ương chỉ đạo việc ứng phó khắc phục sự cố ách tắc giao thông do mưa lũ.
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành 2 Công điện khắc phục mưa lũ tại miền Trung và ứng phó khẩn cấp bão số 7 gồm: Công điện số 1827/CĐ-TTg ngày 15/10/2016 về việc ứng phó khẩn cấp mưa lũ tại các tỉnh miền Trung; Công điện số 1829/CĐ-TTg ngày 16/10/2016 về việc khắc phục mưa lũ tại miền Trung và ứng phó khẩn cấp bão số 7.
Công điện khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội
Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1861/CĐ-TTg ngày 24/10/2016 về việc khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu SE2 và ô tô 7 chỗ ngồi trên địa bàn thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ triển khai công tác đặc xá năm 2016
Ngày 26/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện 1883/CĐ-TTg trong đó yêu cầu Bộ Công an làm tốt chức năng tham mưu, thường trực cho Hội đồng tư vấn đặc xá, khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác đặc xá năm 2016, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng người, đúng tiêu chuẩn quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, sai sót.
Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1924/QĐ-TTg ngày 6/10/2016.
Theo đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển thành trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế và hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại Trường.
Trường được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí;...
Thí điểm cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Ngày 7/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1931/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ”.
Mục tiêu của Đề án là xây dựng và thực hiện thí điểm cơ chế đối tác công - tư, đồng tài trợ một số chương trình khoa học và công nghệ theo hướng huy động nguồn lực và sự tham gia thực hiện của nhiều đối tác khác nhau nhằm giải quyết các vấn đề lớn của ngành, lĩnh vực; thúc đẩy sự hợp tác và gắn kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, các cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Nâng cao đời sống, tinh thần cho công nhân KCN, KCX
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1934/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9/1/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX).
Kế hoạch nhằm tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở trong việc xây dựng cơ chế chính sách và bố trí nguồn lực, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn các cấp triển khai, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động KCN, KCX…
Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
Ngày 14/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1979/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030 nhằm dự báo tổng lượng chất thải rắn phát sinh, cũng như xác định các cơ sở xử lý chất thải rắn và phạm vi phục vụ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn cho vùng.
19 tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020
Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với 19 tiêu chí.
Trong 19 tiêu chí, nhóm Quy hoạch có 1 tiêu chí (1- Quy hoạch); nhóm Hạ tầng kinh tế - xã hội có 8 tiêu chí (2- Giao thông; 3- Thủy lợi; 4- Điện; 5- Trường học; 6- Cơ sở vật chất văn hóa; 7- Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 8- Thông tin và truyền thông; 9- Nhà ở dân cư); nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất có 4 tiêu chí (10- Thu nhập; 11- Hộ nghèo; 12- Lao động có việc làm; 13- Tổ chức sản xuất); nhóm Văn hóa - Xã hội - Môi trường có 6 tiêu chí (14- Giáo dục và Đào tạo; 15- Y tế; 16- Văn hóa; 17- Môi trường và an toàn thực phẩm; 18- Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 19- Quốc phòng và an ninh).
Phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1997/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 với mục tiêu xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, công cụ, biện pháp nhằm hỗ trợ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam; nâng cao trách nhiệm, trình độ, năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhận thức của người tiêu dùng nhằm đạt được những kết quả cụ thể trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bảo đảm công bằng xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Biên chế công chức năm 2017
Ngày 18/10/2016, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1998/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2017.
Tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước năm 2017 của các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã) là 269.084, trong đó, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 268.084 và biên chế công chức dự phòng là 1.000.
Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế.
Như vậy, so với năm 2016, năm 2017 giảm 3.832 biên chế của các bộ, ngành và địa phương; giữ nguyên biên chế dự phòng, các hội đặc thù và cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Nguồn: Chinhphu.vn