Trong nước

Tại sao đều là cán bộ công chức, mà chế độ phụ cấp lại khác nhau

10:23, 18/11/2015 (GMT+7)

Trong phiên chất vấn các Bộ trưởng chiều 17/11, đại biểu Quốc hội đã truy vấn Bộ trưởng Bộ nội vụ về sự chênh lệch trong chế độ phụ cấp cho các cán bộ, công chức.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa- TP Đà Nẵng chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Huỳnh Nghĩa- TP Đà Nẵng cho rằng, trên thực tế, ngoài chế độ tiền lương chung, ngành nghề chỉ được hưởng phụ cấp công vụ 25%, nhưng cũng có nhiều ngành nghề vừa được hưởng phụ cấp công vụ, vừa hưởng phụ cấp đặc thù, phụ cấp thâm niên lên đến 55%. Tại sao không quy định mỗi ngành nghề chỉ được hưởng một loại phụ cấp duy nhất, hưởng phụ cấp này thì không được hưởng phụ cấp kia và ngược lại. Cũng đều là cán bộ, công chức nhà nước như nhau, vì sao lại có sự khác nhau quá xa như vậy?

Đại biểu chất vấn: Bộ trưởng Bộ Nội vụ có biết sự bất hợp lý này không? Tại sao không tham mưu cho Chính phủ về nguyên tắc thụ hưởng các loại phụ cấp công vụ, phụ cấp đặc thù mà để kéo dài nhiều năm nay như vậy?

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, chế độ tiền lương chúng ta đang thực hiện bắt đầu từ tháng 10/2004 theo Kết luận số 21 ngày 7/8/2003 của Hội nghị Trung ương 8 khóa IX. Trong kết luận của Trung ương 8, khóa IX có nêu 2 nguyên tắc cơ bản.

Thứ nhất, công chức, viên chức áp dụng chung bảng lương theo ngạch, theo bậc. Thứ hai, điều kiện lao động đặc thù và ưu đãi ngành, nghề, thực hiện bằng chế độ phụ cấp. Đây được coi là khoản tiền lương bổ sung khi xác định lương theo ngạch, bậc thì chưa tính đến. Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền đã quy định áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù ngành, nghề.

Đến nay, ngoài công an, quân đội, cơ yếu các cơ quan chức năng ban hành một số phụ cấp: Phụ cấp ưu đãi về trách nhiệm theo nghề, có 19 ngành nghề được hưởng với khoảng 1,4 triệu người, chiếm khoảng 52% tổng số cán bộ công chức, viên chức. Phụ cấp thâm niên nghề có 9 ngành, nghề được hưởng khoảng 1,1 triệu người, chiếm khoảng 40% tổng số cán bộ công chức, viên chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Nguyên nhân, do mức lương trong các ngạch bậc tính theo mức lương cơ sở còn thấp nên các cơ quan có thẩm quyền được quy định ngay trong các luật chuyên ngành và trong các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương đã mở rộng đối tượng áp dụng chế độ phụ cấp theo ngành, nghề để bổ sung thu nhập cho cán bộ công chức, viên chức. Nên đã làm phát sinh nhiều bất hợp lý giữa các ngành, nghề với nhau.

Về định hướng giải quyết trong thời gian tới, với chức năng thường trực Ban chỉ đạo tiền lương nhà nước, trên cơ sở thực tế, tiếp thu ý kiến của cử tri và đại biểu Quốc hội, trong quá trình xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng đến năm 2020 thì Bộ Nội vụ cũng làm tham mưu cho các cấp có thẩm quyền. Đặc biệt là Ban cán sự Đảng Chính phủ đã hoàn thiện đề án và đã trình ra Hội nghị Trung ương 5, Khóa XI vào tháng 5 năm 2012, Trung ương 7, khóa XI vào tháng 5 năm 2013, nếu thực hiện đề án này sẽ khắc phục được những bất cập, bất hợp lý đã nêu trên.

Tuy nhiên, do chưa cân đối được nguồn để thực hiện đề án này, do đó trước mắt trung ương chưa thông qua mà giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện đề án và thông qua trung ương vào thời điểm thích hợp khi có điều kiện. Trong lúc trung ương chưa thông qua đề án thì không bổ sung chế độ phụ cấp theo ngành, nghề ưu đãi trách nhiệm đặc thù.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam

Các tin khác