Trong nước

Thành lập Tổ công tác Công ước chống tra tấn

09:33, 09/09/2015 (GMT+7)

Bộ Công an vừa tổ chức công bố Quyết định về việc thành lập Tổ công tác liên ngành về thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Tổ công tác Công ước chống tra tấn).

Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác chống tra tấn chủ trì buổi họp. Cùng dự có đại diện lãnh đạo, chuyên viên từ các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Văn phòng Chính phủ là thành viên Tổ công tác.

Tổ công tác được thành lập theo Quyết định 3873/QĐ-BCA-V19 ngày 23/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an để tham mưu cho Chính phủ trong việc triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn, cụ thể là: Tham mưu, tư vấn với Chính phủ, cơ quan đầu mối về Công ước chống tra tấn và các bộ, ngành có liên quan việc triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn; giúp Chính phủ xây dựng và bảo vệ Báo cáo quốc gia thành viên theo quy định của Công ước; Theo dõi tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn trên toàn quốc.

Thứ trưởng Tô Lâm phát biểu tại buổi họp.

Đề xuất các giải pháp, biện pháp, cách thức triển khai thực hiện nghĩa vụ thành viên Công ước; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban chống tra tấn; nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn của các quốc gia thành viên khác và đề xuất các giải pháp phù hợp với Việt Nam; thực hiện các công tác khác theo yêu cầu của Chính phủ.

Đây cũng là một nội dung của Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Tô Lâm khẳng định việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước chống tra tấn vào ngày 05/2/2015 là sự kiện chính trị, đối ngoại, pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao uy tín và vị thế chính trị của Việt Nam trên thế giới.

Tuy nhiên, nhiệm vụ triển khai thực hiện Công ước đối với Việt Nam là rất nặng nề do chúng ta còn ít kinh nghiệm, thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai thực thi một cách hiệu quả nhất; trong khi đó, lĩnh vực nhân quyền luôn là một lĩnh vực nhạy cảm, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá Đảng và Nhà nước. Do vậy, các đồng chí thành viên Tổ công tác cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, góp sức để Tổ công tác hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm với Chính phủ, với Nhà nước.

 

Thứ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu tại buổi họp.

* Ngày 8/9, tại Cuộc họp cùa Ban nghiên cứu Công ước chống cưỡng bức mất tích, Thứ trưởng Tô Lâm, Trưởng Ban nghiên cứu Công ước chống cưỡng bức mất tích, chủ trì Cuộc họp đã nêu rõ: mặc dù Công ước chống cưỡng bức mất tích là một trong những công ước rất mới về quyền con người (được thông qua từ ngày 20/12/2006, có hiệu lực từ ngày 23/12/2010) và đến nay mới chỉ có 45 quốc gia thành viên, tuy nhiên, việc chủ động triển khai nghiên cứu khả năng tham gia Công ước không chỉ thể hiện tinh thần, trách nhiệm của Việt Nam trong bảo vệ quyền con người mà còn khẳng định thiện chí hợp tác và quyết tâm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong thực hiện các khuyến nghị đã cam kết theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người.

Để chuẩn bị xây dựng Đề án nghiên cứu tham gia Công ước, Ban nghiên cứu đã đưa ra một kế hoạch với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, trong đó xác định rõ lộ trình xây dựng Đề án và phân công trách nhiệm cho từng cơ quan, ban, ngành có liên quan.
   
Tại cuộc họp này, các đại biểu là thành viên Ban nghiên cứu và Tổ giúp việc nghiên cứu đến từ các bộ, ngành và Công an các đơn vị có liên quan đã tích cực thảo luận về các nhiệm vụ cần giải quyết cũng như các nội dung cần tập trung nghiên cứu, đánh giá trong quá trình xây dựng và thực hiện Đề án.

Nguồn: Bộ Công an

Các tin khác