Trong nước

Ngư dân cấp tập trú tránh bão số 1

09:29, 22/06/2015 (GMT+7)
Ngoài hàng nghìn tàu thuyền đã vào bờ trú tránh, hiện nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ chỉ kịp di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, chờ bão đi qua rồi tiếp tục hành nghề chứ không quay lại đất liền.
 
IMG-0924-2620-1434880899.jpg

Nhiều tàu cá của ngư dân đã về bờ tránh bão. Ảnh: Nguyễn Đông.

Là địa phương có nhiều tàu cá đang ở vùng biển Hoàng Sa nhất với 622 tàu và gần 7.000 lao động, tỉnh Quảng Nam đã phát thông báo đến tất cả tàu về vị trí và diễn biến của cơn bão để chủ động phòng tránh. Theo nhà chức trách, do đánh bắt xa bờ trong khi bão xuất hiện gần nên sau khi nhận thông tin, phần lớn tàu cá chỉ di chuyển nhanh để tránh khỏi vùng tâm bão đi qua rồi tiếp tục hành nghề.

Xã Tam Quang (Núi Thành) có hơn 200 tàu cá đang hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa, nhưng đến trưa 21/6 mới có 15 tàu vào đất liền trú bão. “Phần lớn sẽ cập nhật thông tin rồi điều khiển tàu đi tìm nơi trú ẩn, chờ bão đi qua để đánh bắt tiếp. Nếu không chạy kịp ra khỏi vùng ảnh hưởng thì neo đậu giữa biển để đón bão. Nếu chạy vào đất liền để trú thì mất hơn 2 ngày mới tới, rất tốn kém nhiên liệu”, ông Phan Sơn (55 tuổi) chủ tàu cá vừa mới cập cảng Kỳ Hà sáng 21/6 nói.

Cũng theo ông Sơn, từ sáng sớm 19/6 tàu của ông đã chủ động vào đất liền để tránh bão sau khi nghe dự báo về hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, đến hôm qua khi cách bờ khoảng 150 hải lý, tàu ông cùng một số tàu khác gặp phải gió giật mạnh.

“Vào được nửa đường thì gặp gió giật trên cấp 7, sóng cao ập vào tàu làm chao đảo. Lúc này tàu chỉ chạy được với vận tốc 3 hải lý/giờ, 14 thuyền viên mặc áo phao, bám chặt vào cột để chủ động ứng phó khi tàu không may gặp sự cố”, ông Sơn kể. Sau nhiều giờ liền vật lộn, tàu may mắn thoát khỏi vùng ảnh hưởng của cơn bão, không có hư hỏng và thiệt hại về người.

anhbao2a-5057-1434878914.jpg

Hầu hết tàu vào đất liền đã đánh bắt được một thời gian trên biển nên cập cảng để trú bão luôn. Ảnh: Tiến Hùng.

Bộ đội biên phòng Đà Nẵng cho biết đến 15h chiều 21/6 địa phương còn 259 tàu với 1.860 lao động vẫn ở ngoài khơi và đang gấp rút trên đường về bờ tránh bão. "Hiện không còn tàu cá Đà Nẵng ở quần đảo Hoàng Sa mà đã về gần bờ, giữ liên lạc thường xuyên với gia đình và Bộ đội biên phòng", thiếu tá Phạm Văn Tuấn, trực ban trạm biên phòng Mân Thái (Đồn biên phòng Sơn Trà, Đà Nẵng), nói.

Ghi nhận của VnExpress tại trạm biên phòng Mân Thái, nhiều tàu thuyền của Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định cập cầu cảng cùng lúc để trình báo biên phòng, trước khi vào âu thuyền Thọ Quang neo đậu. "Đã có lệnh cấm biển nên chủ tàu không lấy thêm đá tránh lãng phí, neo đậu kỹ lưỡng đề phòng bão đổ bộ", thiếu tá Tuấn nhắc nhở các chủ phương tiện.

Vừa về bờ từ vùng biển Hoàng Sa, ông Hồ Minh Sơn, thuyền trưởng tàu cá Quảng Bình cho biết đã ra khơi được 10 ngày, cá chưa đầy khoang nhưng khi nghe tin bão đã lập tức về bờ đề phòng rủi ro. "Ngoài biển sóng cũng chưa lớn, nhưng có bão là tôi cùng 9 lao động lập tức thu dọn đồ nghề để về. Số cá đánh bắt được sẽ bán ngay tại âu thuyền, lấy tiền nhập thêm nhiên liệu, chờ bão tan để thẳng hướng ra Hoàng Sa", ông Sơn nói.

Tại âu thuyền Thọ Quang với sức chứa 1.000 tàu thuyền, tất cả tàu thuyền đã neo đậu thành hàng. Nhiều tàu lớn tranh thủ đi nhập thêm đá, tiếp thêm dầu. Còn tại khu vực ven biển Mân Thái, một số ngư dân cũng tất bật đưa tàu thuyền nên bờ. Tuy nhiên vẫn còn hàng trăm tàu thuyền neo tạm bợ ngoài biển. 

IMG-0963-1189-1434880899.jpg

Tuy nhiên nhiều tàu thuyền vẫn neo đậu tạm bợ ngoài biển. Ảnh: Nguyễn Đông.

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đến 16h chiều, gần 23.000 tàu thuyền với khoảng 97.000 lao động trong vùng ảnh hưởng của bão đã di chuyển đến nơi tránh trú an toàn. Các tỉnh thành ven biển từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa đã đồng loạt ra công điện nghiêm cấm tàu thuyền xuất bến đi hành nghề trên các vùng biển có gió mạnh nguy hiểm; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu.

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, hai ngày qua miền Trung có mưa lớn. Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết, mưa xuất hiện trên diện rộng, có nơi đạt gần 90 mm như ở huyện đảo Lý Sơn. "Nhiệt độ từ 39-40 độ C đã giảm mạnh xuống còn 26 độ C giúp cho tiết trời ở các tỉnh miền Trung dịu mát sau đợt nắng nóng kéo dài", ông Sỹ nói. 

Trước đó sáng 21/6, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã có công điện gửi các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận yêu cầu thông báo cho tàu thuyền ngoài khơi biết diễn của bão để chủ động thoát ra, hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Hôm nay và sáng mai, khu vực nguy hiểm là từ kinh tuyến 109 đến 113, phía bắc vĩ tuyến 15.

biendong1.jpg

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. Ảnh: NCHMF.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 14h chiều 21/6, tâm bão Kujira ở trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa với sức gió tối đa 75 km/h (cấp 8). Đêm nay và ngày mai, bão theo hướng bắc tây bắc, mỗi giờ đi được 10 km, nhắm đến phía đông nam đảo Hải Nam (Trung Quốc) và mạnh thêm một cấp (cấp 9, sức gió tối đa 90 km/h).

Bão gây gió mạnh từ cấp 6 đến cấp 9 tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, sóng biển 3-5 mét, biển động mạnh. Ngoài ra,do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và nam biển Đông, vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, trời mưa giông mạnh.

Trưa 21/6, nắng nóng chỉ còn xảy ra ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C. Từ ngày mai, với sự xuất hiện của mưa do bão Kujira, nắng nóng sẽ chấm dứt trên phạm vi cả nước. Với miền Trung, đây là một tin vui vì một tháng rưỡi qua người dân nơi này phải chịu đựng nắng nóng, nhiệt độ nhiều ngày trên 40 độ C. Hầu hết hồ thiếu nước, hàng nghìn diện tích cây trồng bị cháy sém.

TH

Các tin khác