Trong nước
Cử tri gửi Quốc hội 3.854 ý kiến, kiến nghị
* Cử tri gửi Quốc hội 3.854 ý kiến, kiến nghị
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.854 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Theo đó, nhân dân đánh giá cao hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước và nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp trong các vấn đề KTXH thời gian qua.
Cử tri và nhân dân quan tâm sâu sắc việc triển khai tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và mong muốn việc tổ chức đại hội các cấp phải thật sự dân chủ, đoàn kết, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, đề ra các chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở mỗi địa phương và toàn quốc, đồng thời lựa chọn được những người thực sự có tài, có đức tham gia cấp ủy đảng các cấp.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân vẫn băn khoăn, lo lắng về tình hình phát triển kinh tế chưa thật bền vững, năng suất lao động nhìn chung còn thấp, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định...
Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo trước Quốc hội. |
Cử tri cho rằng tai nạn giao thông đã giảm, nhưng số người chết và bị thương vẫn còn rất lớn. Tai nạn lao động nghiêm trọng và hỏa hoạn vẫn xảy ra nhiều. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi nhưng chậm được xử lý, khắc phục.
Nhân dân cũng rất quan tâm, theo dõi tình hình an ninh chính trị trên thế giới và trong khu vực đang có nhiều biến động phức tạp. Cử tri và nhân dân rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC). Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chủ trương, giải pháp hiệu quả để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân cũng có những kiến nghị cụ thể về: nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; giáo dục, đào tạo; y tế; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và việc thực hiện cải cách hành chính.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo trước Quốc hội.Ảnh VGP/Nhật Bắc |
7 nhiệm vụ cơ bản của Chính phủ
* Trong phiên khai mạc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 và triển khai Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong tổng số 14 chỉ tiêu kế hoạch trong Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014, có 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ lao động qua đào tạo.
Những tháng đầu năm 2015, tình hình KTXH cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng GDP đạt 5,98%, vượt mục tiêu đề ra và cao nhất kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,84%, thấp nhất trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,7%; cán cân thương mại thặng dư năm thứ ba liên tiếp, xuất siêu 2,1 tỷ USD. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, riêng các huyện nghèo giảm 5,61%.
Toàn cảnh phiên khai mạc. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Trong những tháng còn lại của năm 2015, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Trong đó Chính phủ sẽ tập trung vào 7 nội dung chủ yếu là: Cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, gian lận thương mại; giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; Tăng cường thông tin truyền thông.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc
* Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, tiếp đà phát triển, trong 5 tháng đầu năm 2015, KT-XH nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng phục hồi rõ rệt, thu ngân sách đạt khá, an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm đồng bộ; quốc phòng được tăng cường, an ninh trật tự được giữ vững; các hoạt động đối ngoại cũng đạt được những kết quả tích cực, đánh dấu tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta.
Theo Chủ tịch Quốc hội, 2015 là năm "về đích" các chỉ tiêu Đại hội Đảng XI và Quốc hội Khóa XIII đề ra, Kỳ họp thứ 9 này là cơ hội để nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước, qua đó xác định những việc cần làm, làm ngay... để đạt được các mục tiêu đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ tập trung xem xét một số nội dung quan trọng. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 11 dự án luật và các nghị quyết. Cho ý kiến 16 dự án luật, nhằm thiết thực đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống. Trong số này có nhiều dự án luật quan trọng như: Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật ban hành VBQPPL…
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét báo cáo của Chính phủ về tình hình KTXH và ngân sách nhà nước; xem xét chủ trương đầu tư sân bay Long Thành. Đối với dự án quan trọng này, Quốc hội ghi nhận sự chuẩn bị công phu của Chính phủ và ý kiến góp ý tâm huyết của các chuyên gia. Cũng trong chương trình kỳ họp, Quốc hội xem xét, thảo luận về vấn đề án oan, sai; xử lý kiến nghị cử tri.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ, thảo luận sâu sắc, đóng góp ý kiến, đề ra giải pháp để kỳ họp thành công.
* Theo thông lệ trước phiên khai mạc các kỳ họp, đầu giờ sáng ngày 20/5, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Tiếp đó Quốc hội họp phiên trù bị. Trong phiên họp này, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp. Trên cơ sở đó, Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.
Đúng 9.00' chính thức khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII. Theo chương trình, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.
Tiếp đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân sẽ trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.
* Dự kiến trong kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật. Trong đó có nhiều dự án luật quan trọng, có tác động lớn đến sự phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân như: Luật tổ chức Chính phủ sửa đổi, Luật chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi, Luật kiểm toán nhà nước, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật ban hành văn bản pháp luật...
Bên cạnh đó, 15 dự án luật cũng sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp, trong đó có những dự luật được nhân dân quan tâm như: Bộ luật dân sự sửa đổi, Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, Bộ luật hình sự sửa đổi và Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật phí và lệ phí, Luật trưng cầu dân ý...
Quốc hội cũng thông qua 4 nghị quyết chuyên đề và cho ý kiến đối với Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”; Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8; Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân và nghe Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền về điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Nguồn: Chinhphu.vn