Trong nước
Chỉ đạo, điều hành nổi bật trong tuần
15:24, 07/03/2015 (GMT+7)
Tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ; xử lý nghiêm hành vi tiêu cực tại lễ hội; tăng cường năng lực đơn vị trợ giúp DN nhỏ và vừa; phát triển thương mại điện tử quốc gia; nâng cao phẩm chất cán bộ làm công tác quản lý căn cước công dân... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 2-6/3/2015.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015
Ảnh minh họa |
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015 của Chính phủ, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, cố gắng đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch đã đề ra.
Cụ thể, từng Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp; trong đó, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện, thành lập doanh nghiệp, phá sản doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi tiêu cực tại các lễ hội, các điểm du lịch....
Xuất cấp lương thực cho 9 tỉnh
Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 6.931,38 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ 9 tỉnh trong thời gian giáp hạt năm 2015.
9 tỉnh được xuất cấp gồm: Quảng Ngãi 1.371 tấn; Ninh Bình 265 tấn; Hà Nam 1.284 tấn; Kon Tum 279 tấn; Quảng Trị 668 tấn; Lai Châu 847 tấn; Ninh Thuận 523 tấn; Quảng Bình 1.219 tấn; Gia Lai 475,38 tấn.
Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật quy hoạch
Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp cho ý kiến về định hướng xây dựng dự án Luật quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật này.
Cụ thể, cần làm rõ sự cần thiết của dự án Luật với vai trò tạo lập khuôn khổ pháp lý thống nhất để quản lý các loại quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc, đồng bộ, hiệu quả của các loại quy hoạch; nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, toàn diện các loại quy hoạch, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch với các chủ trương, chính sách, các chiến lược phát triển của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu, chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để áp dụng đối với nước ta.
Trên cơ sở đó, xác định rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật, xác định các vấn đề thực sự cần thiết điều chỉnh bằng Luật, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy quản lý, bảo đảm tính khả thi của dự án Luật trong quá trình triển khai, thực hiện.
Cần rà soát, nghiên cứu, đánh giá toàn diện về quy hoạch tổng thể quốc gia trong mối quan hệ với các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; qua đó, làm rõ sự cần thiết và tính khả thi của quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội quốc gia; giải quyết các vướng mắc trong công tác quy hoạch ở tầm quốc gia có tính chất liên ngành, liên vùng.
6 bản chính giấy tờ, văn bản không được chứng thực bản sao
Theo Nghị định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, có 6 bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao.
6 bản chính giấy tờ, văn bản trên gồm:
1- Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ.
2- Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung.
3- Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.
4- Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.
5- Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.
6- Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Điều kiện đóng mới, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa
Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Trong đó, Nghị định quy định điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện. Cụ thể, tổ chức, cá nhân hoạt động đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện (cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện) quy định tại Khoản 1 Điều 27 của Luật Giao thông đường thủy nội địa phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, trong đó có đăng ký ngành nghề đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa và phải bảo đảm 4 điều kiện sau đây:
1- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ phương tiện được sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
2- Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
3- Có cán bộ kỹ thuật, bộ phận kiểm tra chất lượng đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
4- Có phương án bảo đảm phòng, chống cháy, nổ, an toàn, vệ sinh lao động và kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Nghiêm cấm cho mượn chứng chỉ hành nghề Quản tài viên
Nghị định số 22/2015/NĐ-CP nghiêm cấm Quản tài viên cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề Quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản hoặc lợi dụng danh nghĩa Quản tài viên để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí Quản tài viên được nhận theo quy định của pháp luật; Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi...
Tiếp tục bảo vệ rừng ngập mặn Đồng bằng Sông Cửu Long
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án “Chương trình bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn Đồng bằng Sông Cửu Long nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (ICMP) giai đoạn 2” sử dụng ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức và Chính phủ Úc.
Mục tiêu của Dự án trên là nâng cao năng lực thể chế và lập kế hoạch để thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.
Phát triển thương mại điện tử quốc gia
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.
Quyết định quy định rõ, các nội dung về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại điện tử sẽ được hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước.
Còn các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về thương mại điện tử; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử; phát triển các sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử; tư vấn xây dựng kế hoạch ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác quốc tế về thương mại điện tử; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động phát triển thương mại điện tử... được sử dụng nguồn vốn sự nghiệp.
Nâng cao phẩm chất cán bộ làm công tác quản lý căn cước công dân
Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ làm công tác quản lý căn cước công dân có thái độ, lời nói, cử chỉ thiếu nghiêm túc hoặc sách nhiễu, gây phiền hà cho cơ quan, tổ chức, cá nhân là một trong những nội dung tại Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Căn cước công dân.
Tìm kiếm nguồn nước dưới đất cho vùng khan hiếm nước
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.
Chương trình trên được thực hiện tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trên địa bàn 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến số vùng được điều tra, đánh giá là 1.333 vùng (số vùng được xác định cụ thể trên cơ sở đánh giá kết quả các đề tài, dự án điều tra đã thực hiện và nhu cầu thực tế do địa phương đề xuất)
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước để cung cấp nước sinh hoạt, tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường năng lực đơn vị trợ giúp DN nhỏ và vừa
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tăng cường năng lực đơn vị thực hiện trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mục tiêu là nâng cấp, kiện toàn và nâng cao năng lực cho các đơn vị thực hiện trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Trung ương và địa phương, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, trở thành động lực lớn cho sự tăng trưởng ổn định và bền vững của quốc gia.
Phấn đấu 2015 đạt khoảng 20% xã đạt chuẩn nông thôn mới
Mục tiêu của Chương trình công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2015 cả nước có khoảng 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân cả nước đạt 11 tiêu chí/xã; tỷ lệ số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn dưới 5%.
Rà soát vướng mắc cần sửa trong xử lý vi phạm hành chính
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc phối hợp giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật xử lý vi phạm hành chính của Quản lý thị trường.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị phương án sửa đổi, bổ sung đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Đối với những vấn đề quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính chưa rõ, như thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với hành vi vi phạm của tổ chức; vấn đề giao quyền cho cấp phó ban hành các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm thi hành quyết định xử phạt cũng như các quyết định hành chính khác trong xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích theo thẩm quyền.
Ý kiến của PTTg Nguyễn Xuân Phúc về đề xuất tăng mức phạt giao thông
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về quy định xử phạt đối với những hành vi trực tiếp gây tai nạn giao thông và hư hỏng kết cấu hạ tầng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 31/3/2015.
Đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không
Để bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không trong năm 2015 và các năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu toàn ngành Hàng không tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hàng không, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong giao thông vận tải hàng không; tiếp tục giữ vững an ninh, an toàn hàng không, coi đây là thương hiệu quốc gia và không để xảy ra tai nạn hàng không. Xây dựng ngành hàng không chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp, an toàn và hiệu quả.
Bên cạnh đó, rà soát, chấn chỉnh, loại bỏ những yếu tố gây uy hiếp an ninh, an toàn hàng không; xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó phụ trách, kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra các vụ việc vi phạm, uy hiếp an ninh và an toàn hàng không và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Nghiên cứu chế độ cho cộng tác viên giảm nghèo
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu sự cần thiết có cộng tác viên giảm nghèo, trên cơ sở đó đề xuất tiêu chí, chế độ, chính sách, nguồn kinh phí đối với cộng tác viên giảm nghèo (nếu cần).
Nguồn: chinhphu.vn