Trong nước
Phương án đưa ống sắt lớn vào trong hầm dường như gặp khó khăn (trực tuyến)
Nhấn F5 để cập nhật thông tin mới...
16 giờ 10: Thông tin từ hiện trường, lực lượng cứu hộ đã khoan được hơn 70m tính từ vị trí hầm bị sập vào bên trong nhưng vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu gì cho thấy có thể tiếp cận được các nạn nhân. Trong khi đó, ở phía đầu hầm còn lại, các nhân viên cứu hộ cũng đang khẩn trương khoan để bơm ôxy vào khu vực các nạn nhân gặp nạn. Thời gian vẫn cứ tor6i đi, nhiều người lo lắng cho số phận 12 nạn nhân. Hiện danh tính các nạn nhân vẫn chưa được xác định và công bố.
Theo Công ty Cổ phần Sông Đà 505 (đơn vị thi công), thời điểm xảy ra sự cố có khoảng 30 công nhân, cán bộ kỹ thuật vào hầm làm việc, một số người sau đó đã kịp thời chạy thoát ra ngoài. Đây là đường hầm dẫn nước vào nhà máy thủy điện, có tổng chiều dài 700m, đã thi công được khoảng 500m.
15 giờ 10: Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm cách khoan xuyên bức tường đất đá sụp xuống đường hầm để đưa ống dẫn khí (vừa để bơm dưỡng khí vào và nếu bên trong có nước thì sẽ hút ra) và đặt ống sắt cứng cho công nhân, kỹ sư gặp nạn theo đó thoát ra ngoài. Hiên trời mưa rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác cứu hộ, các xe chở dụng cụ cứu hộ vào hiện trường gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này vẫn chưa có tín hiệu nào của 12 công nhân gặp nạn truyền ra ngoài. Khoảng 50 công nhân đứng dưới mưa, bên ngoài miệng hầm lo lắng cho đồng nghiệp bị mắc kẹt, ngóng tin vào bên trong - nơi lực lượng cứu hộ đang tranh thủ từng giây, từng phút...
14 giờ 35: 12 công nhân bị kẹt trong hầm chứ không phải 11 như thông tin ban đầu: Khu vực hiện trường bắt đầu mưa nặng hạt, trời âm u, khả năng sẽ mưa lớn. Lực lượng cứu hộ đã đưa hẳn máy khoan công suất lớn vào trong hầm, khả năng dùng để khoan xuyên bức tường đất. Một máy phát điện lớn cũng đã đưa đến cửa hầm, các công nhân điện lực đang hội ý để chuyển vào trong phục vụ công tác khoan xuyên. Qua quan sát của CTV Báo Công an TP.HCM, lực lượng quân đội được tăng cường cho công tác cứu hộ. Theo số liệu mới nhất từ đơn vị thi công, số công nhân kẹt trong hầm là 12 chứ không phải 11 như thông tin ban đầu.
Một cán bộ công ty Sông Đà có mặt tại hiện trường cho biết: Nhanh nhất, phải trong hai ngày nữa, mới có thể đưa các nạn nhân ra ngoài.
Công việc cứu hộ hiện đang được khẩn trương xúc tiến nhưng việc sử dụng máy móc không được thuận lợi.
Việc được ưu tiên hiện nay là khoan lớp đất sạt lở để tạo lỗ hổng, đưa không khí vào bên trong.
Hiện nay, lực lượng cứu hộ đã khoan được vào sâu 10m lớp đất sạt lở nhưng lớp sạt lở này dày đến 14-15m (không phải là 6m như thông tin ban đầu).
14 giờ 15: Công ty điện lực Lâm Đồng đã vận chuyển một máy phát điện tới, đưa máy này vào hiện trường để hỗ trợ việc khoan đống sạt lở.
Khoảng 7 nhân viên y tế và một xe cứu thương cũng đậu gần khu vực xảy ra vụ việc.
Lúc 13 giờ 45, một máy khoan công suất lớn đã được đưa tới hiện trường. |
13 giờ 55: Hiện công tác cứu hộ vẫn đang được khẩn trương tiến hành, tuy nhiên việc khoan xuyên qua bức tường đất để đặt ống sắt cứng đường kính khoảng 60 cm để các nạn nhân thoát ra ngoài vẫn chưa thực hiện được, dù ống sắt đã được đưa đến hiện trường từ trưa. Theo quan sát của CTV Báo Công an TP.HCM thì dường như phương án này gặp phải khó khăn, lực lượng cứu hộ đang tìm ra phương án tối ưu khả thi nhất.
Máy khoan này lập tức được đưa vào vị trí hầm sập để khoan, đặt ống thoát hiểm cho các nạn nhân. |
Tại hiện trường trời có mưa nhỏ, gây thêm khó khăn cho công tác cứu hộ cứu nạn.
13 giờ 30: Chưa đưa được ống sắt lớn vào trong hầm để nạn nhân thoát ra ngoài: Theo quan sát của PV, hiện lực lượng cứu hộ tại hiện trường khoảng 30 người, có 2 xe chuyên dụng của lực lượng Cảnh sát PCCC túc trực. Do không gian chật hẹp, nằm trong hầm sâu nên việc cứu hộ đa số làm thủ công. Ống sắt dự định đặt để các nạn nhân thoát ra ngoài đã được đem đến miệng hầm, nhưng vẫn chưa đưa được vào trong hầm. Theo nhận định của lực lượng cứu hộ, bức tường đất bịt kín đường hầm có độ dày khoảng 6 mét. Mặc dù đường ống dẫn khí đã đưa được vào bên trong cung cấp dưỡng khí, nhưng chưa nghe được động tĩnh gì của các nạn nhân truyền ra bên ngoài...
Hình ảnh hiện trường do CTV chuyển về:
Đào đất đá trong hầm tại vị trí bị sập xuống |
Công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do nằm trong hầm sâu, không gian chật hẹp |
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cùng ngành chức năng có mặt tại hiện trường, chỉ đạo công tác cứu nạn |
13 giờ: Đã đưa được ống dẫn khí vào trong, đang khoan đặt ống sắt lớn để các nạn nhân thoát ra ngoài: Hiện tại lực lượng cứu hộ đã đưa được ống dẫn hơi xuyên qua bức tường đất để cung cấp dưỡng khí vào bên trong. Lực lượng cứu hộ cũng đang khẩn trương thực hiện khoan đưa ống sắt cứng có đường kính khoảng 60 cm vào bên trong (khoan đến đâu hút đất đá ra ngoài đến đó), mục đích là đưa xuyên qua đống đất sạt lở vào bên trong để các nạn nhân theo đó thoát ra ngoài.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt và thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an Lâm Đồng trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn tại hiện trường.
Vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra vào khoảng 7 giờ sáng nay 16-12, tại đường hầm dẫn nước công trình thuộc thủy điện Đa Dâng - Đa Chomo (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), khiến ít nhất 11 công nhân, kỹ sư bị mắc kẹt bên trong, ở vị trí cách cửa hầm từ 300 đến 500 mét.
Đường hầm xảy ra sự cố. Ảnh: Lâm Thiên - TTO |
Tin ban đầu, thời điểm trên, số công nhân, kỹ sư của Công ty Cổ phần Sông Đà 505 vừa vào ca thi công đường hầm dẫn nước của công trình thủy điện này, bất ngờ một đoạn đường hầm bị sập, hàng trăm khối đất đá đổ ập xuống, bít kín lối ra, khiến toàn bộ công nhân, cán bộ kỹ thuật trên bị kẹt bên trong.
Ngay khi sự cố đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng được điều đến hiện trường, triển khai công tác cứu hộ, bơm ô xy vào bên trong, đồng thời đào bới số đất đá sập xuống trong miệng hầm để giải cứu các nạn nhân.
Tuy nhiên công tác cứu hộ rất khó khăn, do vị trí bị sập cách xa miệng hầm, khối lượng đất đá nhiều, hầm chật chội nên việc cùng lúc đưa nhiều phương tiện đào bới, cứu hộ vào là không thể.
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Ngay khi nhận thông tin, xác định đây là vụ việc rất nghiêm trọng nên UBND tỉnh đã huy động các lực lượng cứu hộ gồm công an, quân đội và nhiều sở ngành liên quan đến hiện trường, cùng với đơn vị thi công, chủ đầu tư triển khai kế hoạch cứu hộ cứu nạn. Trước mắt cần đưa được đường ống nhỏ để bơm khí vào bên trong vị trí hầm sập để các nạn nhân mắc kẹt duy trì sự sống, tiếp đó sẽ khoan đặt một đường ống phi 80 vào để các công nhân theo đường ống thoát ra ngoài".
Từ khi xảy ra sự cố đến thời điểm này, chưa thể liên lạc được với các công nhân, kỹ sư bị mắc kẹt bên trong, do sóng điện thoại đã bị khối đất đá vui lấp ngăn cản.
Tổng hợp