Trong nước
68 năm Báo CAND phát hành số đầu: Dấn thân về phía chông gai…
15:07, 01/11/2014 (GMT+7)
Bạn đọc đang có trong tay số báo đầu tiên của tháng mười một. Khác với số hôm qua, dòng chữ “năm thứ 68” được thay bằng “năm thứ 69”. Chừng ấy năm với một đời người, ấy là khi người ta nghĩ nhiều hơn về “tri thiên mệnh”, còn với một cơ quan báo chí, con số ấy khẳng định sự trưởng thành vững chãi, là nền tảng truyền thống - điểm tựa cho những đổi mới, phát triển trong các chặng đường tiếp theo.
“Thuở ban đầu” của Báo CAND vào giữa thế kỷ trước. Ngày ấy (cuối năm 1946), đồng chí Nguyễn Tài (sau này là Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an) là người đi xin giấy phép cho ra tờ Công an Mới. Sau 3 tháng chuẩn bị, ngày 1/11/1946, tờ Công an Mới số 1 của Công an Việt Nam ra mắt bạn đọc, đặt tại nhà số 11 Trần Bình Trọng, Hà Nội… Qua các giai đoạn cách mạng, Báo CAND thay đổi với nhiều tên gọi khác nhau và nhiều giai đoạn xuất bản với tính chất là nội san, phát hành nội bộ.
Trong bài viết đăng trên Báo CAND ra ngày 11/12/2011, nguyên Tổng Biên tập Báo CAND Trần Liêu nhớ lại thời gian khó mà ông và những đồng nghiệp đã vững tay chèo lái: Mài đá suối in báo litho bên chiến khu chiều vắng. Đánh máy nhân bản báo vài ba trăm tờ. Thuốc đỏ của y tá vẽ rồng bay, hoa nở cho báo xuân thêm màu sắc… “Cụ Lê Giản, Giám đốc Nha Công an Trung ương, ngày 1/11/1946, sau khi có giấy phép của Sở Kiểm duyệt Bắc Kỳ, là người đầu tiên kiêm Tổng Biên tập Báo Công an mới, tiền thân của Báo CAND ngày nay. Cụ Phan Mạnh Hân làm chủ bút. Cả hai cụ đã lần lượt về chầu tiên tổ” - nguyên Tổng Biên tập Trần Liêu xúc động viết.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh tặng hoa chúc mừng Báo Công an nhân dân nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/2014) |
Kể từ khi báo phát hành công khai năm 1988, Báo CAND đến với bạn đọc mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài. Đó là nguồn động lực để những người làm báo và văn hóa, nghệ thuật Công an mạnh dạn sáng tạo, tận dụng vận hội nhằm khai phá mạch ngầm tiềm ẩn của nghệ thuật báo chí trên mảnh đất CAND để đi đến quyết định ra các ấn phẩm mới: Văn nghệ Công an, An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu, CAND điện tử. Tới nay, các ấn phẩm của Báo CAND là món ăn tinh thần không thể thiếu trong nhiều gia đình, không phân biệt địa vị, nghề nghiệp, vùng miền… Giữ vững tôn chỉ là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an, Báo CAND cùng các ấn phẩm chuyên đề cũng là diễn đàn của lực lượng CAND và nhân dân trong phòng, chống tội phạm, bảo vệ An ninh Tổ quốc; vừa khẳng định sự sắc bén trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa là địa chỉ tin cậy của bạn đọc đối với các lĩnh vực đời sống xã hội.
Thương hiệu tờ báo sâu đậm trong lòng dân và cán bộ, chiến sĩ Công an còn bởi nền tảng truyền thống về công tác xã hội, từ thiện và an sinh xã hội - một lĩnh vực trọng tâm mang ý nghĩa nhân văn cao cả của dân tộc ta. Với bề dày thành quả đó, Báo Công an nhân dân đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và các ban, ngành tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt là 2 danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (tặng Báo năm 2007 và tặng Tổng Biên tập Trung tướng, nhà văn Hữu Ước năm 2008).
Đội ngũ Báo CAND là những chiến sĩ Công an làm báo, luôn luôn dấn thân về phía chông gai của cuộc sống bộn bề, cũng là những người biết kiên trì rèn luyện, phấn đấu xây dựng bản thân mình, đơn vị mình từng bước trưởng thành. Trong bài viết nhân 89 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2014), Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đánh giá, báo chí CAND thực sự là phương tiện quan trọng giúp Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo các mặt công tác công an; là cầu nối giữa lực lượng Công an với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự; là diễn đàn trao đổi, học tập, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, nghiệp vụ, pháp luật của cán bộ, chiến sĩ.
Để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao, đội ngũ cán bộ báo chí CAND đã luôn nỗ lực phấn đấu, nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là nghiệp vụ báo chí; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức trong sáng của người làm báo cách mạng, xứng đáng là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng – văn hóa… Điều này cũng được Bộ trưởng chỉ rõ tại buổi làm việc với Báo CAND năm 2013.
Sự trưởng thành của tờ báo cũng chứng ghi những thăng trầm của người làm báo, nhất là ở những thời điểm đòi hỏi sự quyết đoán và bản lĩnh mang tính bước ngoặt. “Vất vả, gian nan, buồn, vui, thành bại, hạnh phúc và đớn đau, chúng tôi đều nếm trải. Nhưng hạnh phúc lớn nhất và niềm vui lớn nhất, đọng lại trên các trang báo và là hành trang trong suốt cuộc đời của những người làm báo Công an chúng tôi là được Đảng tin, dân yêu, dân mến và các đồng nghiệp giúp sức, giúp lòng” - Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Tổng Biên tập Truyền hình CAND, Tổng Biên tập Báo CAND (2003-2013) bày tỏ tình cảm tại lễ kỷ niệm 65 năm Báo CAND phát hành số đầu.
Theo Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND, để kế tục xứng đáng với truyền thống vinh quang và đáp ứng yêu cầu tuyên truyền thời kỳ mới, Báo CAND sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, đặc biệt là các chuyên mục, thể tài vốn là thế mạnh của tờ báo, vừa đảm bảo yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, vừa đáp ứng nhu cầu của độc giả. Ngoài các ấn phẩm báo in thì CAND điện tử sẽ là một ưu tiên. Hiện hạ tầng kỹ thuật của Báo CAND điện tử đã được Bộ Công an đầu tư nâng cấp, tới đây sẽ chính thức ra mắt giao diện mới, đi kèm với đó là những ưu tiên về nhân, vật lực cho ấn phẩm này.
Bước sang năm thứ 69, những người làm báo CAND sẽ tiếp tục nhiệm vụ gai góc nhưng vinh quang, người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng…
Nguồn: cand.com.vn