Nỗ lực cao nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8%; ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu; hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; điều tra, xử lý 3 vụ tại nạn xe khách nghiêm trọng;...là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 1-6/9/2014.
Ảnh minh họa |
Nỗ lực cao nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8%
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung cao nhất mọi khả năng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014 là 5,8%; đồng thời, chủ động phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội...
Trong đó, các bộ, cơ quan, địa phương phải quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung cao nhất mọi khả năng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trên cả ba khu vực kinh tế bằng các giải pháp thiết thực; đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và trong từng ngành, từng lĩnh vực, trong đó tập trung vào lĩnh vực trọng tâm; tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, xây dựng, đất đai, tiếp cận nguồn điện… nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý; chủ động phân tích, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về cơ chế, chính sách xử lý nợ xấu và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính; khẩn trương xây dựng và hoàn thành tiêu chuẩn chức danh công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi tuyển công chức theo phương thức cạnh tranh...
Về cơ chế thí điểm giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học công lập, Chính phủ thống nhất mở rộng quyền tự chủ về đào tạo, tổ chức bộ máy và tài chính cho cơ sở giáo dục đại học công lập, tạo động lực cho các trường nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phát triển bền vững, góp phần đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu
Theo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã được Chính phủ ban hành, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Thương nhân đầu mối được quyết định giá bán buôn. Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc, trình tự quy định. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được nhà nước bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá.
Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Nghị định cũng quy định cụ thể việc điều chỉnh giảm, tăng giá bán lẻ xăng dầu.
Hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ
Theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020, hộ chăn nuôi được hỗ trợ phối giống nhân tạo hàng năm đối với lợn, trâu, bò nếu đáp ứng điều kiện: Chăn nuôi dưới hoặc 10 con lợn nái; dưới hoặc 10 con trâu, bò sinh sản, có nhu cầu, làm đơn đăng ký và được UBND cấp xã xác nhận; Sử dụng loại tinh theo yêu cầu của địa phương, có nhãn mác rõ ràng và tiêu chuẩn chất lượng phù hợp hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hộ chăn nuôi còn được hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống và gà, vịt giống bố mẹ hậu bị. Cụ thể, hỗ trợ một lần đến 50% giá trị con giống lợn, trâu, bò đực giống cho các hộ chăn nuôi ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để thực hiện phối giống dịch vụ.
Hỗ trợ một lần đến 50% giá trị gà, vịt giống bố mẹ hậu bị. Mức hỗ trợ bình quân đối với gà, vịt giống không quá 50.000 đồng/1 con; mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 200 con gà hoặc 200 con vịt giống bố mẹ hậu bị.
Về xử lý chất thải chăn nuôi, các hộ sẽ được hỗ trợ một lần đến 50% giá trị xây công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi với mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/1 công trình/1 hộ. Được hỗ trợ một lần đến 50% giá trị làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/1 hộ.
Thủ tướng kết luận hai dự án trọng điểm
Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ đối với các dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, về nguồn vốn, coi giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho hai Khu ĐHQGHN và Công nghệ cao Hòa Lạc là nhiệm vụ trọng điểm cần được ưu tiên bố trí vốn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán tổng nhu cầu vốn, trên cơ sở đó cân đối các nguồn vốn, ưu tiên bố trí vốn tối đa trong năm 2014 và hai năm 2015, 2016 (trong đó ứng ngay một phần trong năm 2014) để bảo đảm hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án ODA ưu tiên và một phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Dự án ĐHQGHN (tập trung cho giai đoạn 1) và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, gắn đồng bộ giữa giải phóng mặt bằng với tái định cư; đồng thời xem xét, đề xuất cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các công trình, dự án trong nội khu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 10/9/2014.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các cơ chế, chính sách nói trên với các quy định pháp luật mới được ban hành hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; đề xuất bổ sung đồng bộ các cơ chế đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư; trước ngày 10/9/2014, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, Thành phố khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách cụ thể để thực hiện, trường hợp cần thiết thì ban hành các mức hỗ trợ khác phù hợp với thực tế của địa phương theo đúng quy định, thẩm quyền được giao.
Tuyên truyền xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tuyên truyền về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng đến năm 2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cá nhân, gia đình và cộng đồng, bảo đảm đến năm 2020 thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tối thiểu 95% hộ gia đình và cộng đồng được tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân, gia đình, phòng chống bạo lực gia đình (chú trọng đối tượng trong độ tuổi kết hôn, đặc biệt là nam giới); về phúc lợi xã hội dành cho gia đình chính sách, gia đình nghèo và kiến thức, kỹ năng, phát triển kinh tế gia đình, ứng phó với thiên tai và khủng hoảng kinh tế; về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, không phá thai vì giới tính của thai nhi.
Đồng thời, Đề án hướng tới đảm bảo 100% phóng viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình tại các cơ quan báo chí có kiến thức về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.
Xử lý thu phí sử dụng công tình kết cấu hạ tầng các phương tiện ra, vào cửa khẩu
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý việc thu phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng đối với các phương tiện ra, vào cửa khẩu.
Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh về giải quyết tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu Mộc Bài, căn cứ tình hình triển khai thu phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng đối với các phương tiện ra, vào cửa khẩu tại Khu kinh tế cửa khẩu ở các địa phương, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý để không lặp lại tình trạng ùn tắc như vừa qua tại cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Điều tra, xử lý 3 vụ tại nạn xe khách nghiêm trọng
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT điều tra, xử lý 3 vụ tai nạn xe khách nghiêm trọng trong đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Cụ thể, tại Km 37+800 Quốc lộ 9 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày 30/8/2014, xe khách biển kiểm soát 74B-002.56 va chạm với xe máy 74K1- 024.74 chạy ngược chiều làm 3 người trên xe máy tử vong tại chỗ.
Tại Km 112+800 Quốc lộ 4D, trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ngày 1/9/2014 xe chở khách biển kiểm soát 29B-085.82 chở 53 người mất lái đã lao xuống vực làm 12 người chết và 41 người bị thương.
Tại Km 25 Quốc lộ 5, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, ngày 2/9/2014, xe khách biển kiểm soát 53S-5326 đâm vào xe 7 chỗ biển số 80A-012.59, làm 3 người chết, 1 người bị thương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh về nguyên nhân các vụ tai nạn; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện gây tai nạn, các đơn vị thiết kế, thi công, bảo trì đường bộ tại địa bàn xảy ra tai nạn và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Bộ GTVT, Bộ Y tế, UBND các tỉnh: Lào Cai, Hưng Yên, Quảng trị chỉ đạo cơ quan chức năng trực thuộc phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra của các cơ quan thuộc Bộ Công an.
Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu Vinalines
Chỉ đạo về tình hình sản xuất kinh doanh và triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ, ngành bám sát các nội dung cụ thể của Đề án Tái cơ cấu Vinalines để chỉ đạo, hỗ trợ Vinalines triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực, khả thi.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực vận tải biển; phối hợp với Bộ Công Thương thống nhất thực hiện các giải pháp nâng cao thị phần vận tải biển cho đội tàu của Vinalines, trong đó lưu ý đến thị trường vận chuyển than, xi măng, quặng, lúa gạo và hàng dệt may. Đồng thời nghiên cứu, thiết lập các tuyến vận tải bằng đường biển và đường thủy nội địa để tăng khối lượng vận chuyển hàng hóa trên các tuyến vận tải thủy trong nước.
Về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Vinalines tiếp tục thực hiện việc thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp theo phương án đã được duyệt.
Tiếp tục thực hiện Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp
Qua báo cáo kết quả thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp thì các địa phương, nông dân có mong muốn tiếp tục thực hiện hoặc mở rộng Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng chưa nên kết thúc thí điểm ngay Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp khi Bộ Tài chính chưa đề xuất hướng sắp tới như thế nào.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất định hướng sắp tới. Trong khi đề xuất chính sách mới, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất các biện pháp để tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và phù hợp với tình hình thực tế của các doanh nghiệp và các địa phương.
.