Trong nước
Hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần
Chỉ đạo chủ động, kịp thời ngăn chặn, ứng phó từ xa với dịch Ebola; lưu ý trong triển khai công tác của ngành kế hoạch đầu tư, cho ý kiến về một số vấn đề trong lĩnh vực xây dựng, y tế,… là những sự kiện, hoạt động nổi bật của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng trong tuần qua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh |
* Trước những diễn biến nghiêm trọng, phức tạp của tình hình dịch sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc họp khẩn chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn dịch.
Thủ tướng nêu rõ, để bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân, ngành Y tế, các bộ, ngành liên quan, các địa phương phải nỗ lực cao nhất, chủ động, khẩn trương, thực hiện mọi biện pháp cần thiết không để lây lan dịch bệnh vào Việt Nam. Nếu phương án xấu là có dịch bệnh xảy ra thì phải chuẩn bị sẵn sàng, chủ động các phương án, kế hoạch nhằm ứng phó có hiệu quả nhất.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ Y tế phải nắm chắc, thông báo kịp thời diễn biến, tính chất nguy hại, con đường lây lan, các biện pháp phòng chống dịch bệnh để toàn dân biết; mỗi người dân cũng phải có ý thức tự bảo vệ mình, hiểu về dịch bệnh để chủ động phòng ngừa. Tập trung trang bị thiết bị máy móc giám sát y tế ở tất cả các cửa khẩu, nếu phát hiện có dấu hiệu, có nghi ngờ về dịch bệnh phải cương quyết cách ly, có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả; thực hiện các biện pháp cần thiết hạn chế công dân di du lịch, làm việc ở các nước có dịch bệnh. Thông tin, truyên truyền về dịch bệnh phải cập nhật kịp thời, song cũng phải hết sức bình tĩnh, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
* Dự Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tán thành việc sớm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, yêu cầu ngành bám sát Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, trong đó có 5 quan điểm phát triển lớn về đổi mới toàn diện, về phát triển bền vững, về kinh tế thị trường XHCN, về Nhà nước pháp quyền và về vấn đề phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực cho xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn. Kế hoạch đầu tư trung hạn phải được thực hiện cả ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở.
“Kế hoạch trung hạn sẽ giúp các bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư, chủ động chuẩn bị đầu tư; lựa chọn các ưu tiên đầu tư, tránh dàn trải, xin cho, thậm chí tiêu cực”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu: Để bảo đảm tính thống nhất, minh bạch và sử dụng chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố nhất quán đối với cả nước và từng địa phương, các địa phương sử dụng số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố.
“Phải tính theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đảm bảo chính xác, sát thực tế. Cách tính này chắc chắn sẽ làm giảm các con số thống kê GRDP của các địa phương, nhưng chúng ta cần những con số thật”, Thủ tướng nhấn mạnh.
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Quan trọng nhất là sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ chốt. Nếu không thực hiện được kế hoạch đặt ra thì tự nguyện từ chức” khi chủ trì Hội nghị giao ban, sơ kết về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) 7 tháng đầu năm.
Thủ tướng nhất trí việc xây dựng Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng” trên tinh thần đổi mới cách tuyển chọn nhưng phải đảm bảo các quan điểm, nguyên tắc về công tác cán bộ của Đảng; thu hút được những người có đức, có tài gắn với tiêu chuẩn của từng chức vụ cụ thể.
* Nói chuyện về cải cách hành chính với cán bộ, giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, cần ưu tiên cải cách thể chế, chuyển mạnh từ nền hành chính “cai trị” sang nền hành chính “phục vụ”, xu hướng xã hội hóa các lĩnh vực công như giáo dục, y tế, thể thao; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Việt Nam bắt đầu bước vào nước có thu nhập trung bình, nền hành chính Nhà nước cần tiếp tục đổi mới phù hợp để đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế, xã hội và các nguồn lực, tránh được bẫy thu nhập trung bình.
* Trong tháng 8 phải cơ bản xong phần xây dựng bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Trong tháng 9 triển khai, hoàn thành các phần việc quan trọng liên quan đến nội thất bên trong để đầu tháng 10 đảm bảo thời gian chạy thử, vận hành bàn giao công trình - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát công trường, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai công trình Nhà Quốc hội đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao.
Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tập trung tối đa nhân lực, cung cấp đủ, đúng tiến độ giao hàng, tổ chức làm việc 3 ca tại các gói thầu, hạng mục đang chậm để đảm bảo các mốc tiến độ hoàn thành dự án Nhà Quốc hội như đã đề ra.
* Thị sát dự án, giao ban công trường để đôn đốc công tác triển khai tuyến đường sắt Bến Thành-Suối Tiên tại TPHCM – dự án đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu xử lý sớm, dứt điểm những điểm còn tồn tại về mặt bằng. Trong thi công, triển khai các hạng mục, cần triển khai song song các bước có thể, như công tác thiết kế, tư vấn, đo đạc quan trắc... để lấy lại tiến độ đã chậm trước đây. Bộ GTVT, Bộ Xây dựng rà soát và xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn mới cho mô hình, các công trình giao thông đô thị hiện đại này để áp dụng trên cả nước.
* Tại cuộc họp xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 43/2006/NĐ-CP về đổi mới cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập là vấn đề khó, nhạy cảm nhưng phải làm để đảm bảo cung cấp dịch vụ công bằng, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cho nhân dân, sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước.
“Việc thiết kế Nghị định cần theo hướng thúc đẩy hoạt động sự nghiệp nói chung, đồng thời “ép” và tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập có động lực đổi mới hoạt động”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Cùng dự cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng cần có một thiết chế để “ép” thực hiện tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp trong bối cảnh vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết tâm thực hiện. Mặt khác, cũng cần quan tâm tới việc đảm bảo quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập đối với vấn đề biên chế, bộ máy và tiền lương trong khi những quy định về thẩm quyền tuyển chọn, sa thải viên chức của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn vướng với Luật Công chức, viên chức hiện hành.
* Dự Hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương lựa chọn một số mô hình tự chủ hiệu quả trong BV công lập để đánh giá, tổng kết ưu, nhược điểm, đề xuất những điều chỉnh chính sách cần thiết.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thực hiện lộ trình tự chủ trong các cơ sở y tế công lập cần phải được tính toán chắc chắn, thận trọng bởi vì có liên quan đến người dân.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành Y tế phải đứng từ góc nhìn của người dân trong quá trình xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách nhằm cải thiện, nâng cao công tác khám chữa bệnh để mang lại hiệu quả thực sự. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương phải xem xét nghiêm túc các vụ lạm dụng BHYT, lạm dụng kỹ thuật, thuốc biệt dược trong khám chữa bệnh; vụ việc đấu thầu mua thiết bị y tế tại BV Thường Tín (Hà Nội) đã được báo chí phản ánh thời gian qua...
* Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM-47) và các Hội nghị liên quan từ ngày 8-10/8 tại thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định cam kết cùng ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động nguồn lực cần thiết phục vụ tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. ASEAN phải tiếp tục củng cố đoàn kết, thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, nâng cao vai trò chủ động trong các vấn đề chiến lược, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, tiếp tục nâng cao giá trị của các công cụ, chuẩn mực chung của khu vực.
Đề cập đến tình hình phức tạp trên biển Đông thời gian qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh yêu cầu không để tái diễn những hành động phức tạp, đồng thời cần thúc đẩy các biện pháp nhằm bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC); các bên liên quan cần tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS); giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Bên lề hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với Trưởng đoàn các nước, trao đổi, thống nhất các biện pháp, hợp tác trên các lĩnh vực giữa Việt Nam với các đối tác và các quốc gia trong khu vực.
Nguồn: chinhphu.vn