Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/trong-nuoc/201405/tuyen-bo-cua-hoi-luat-gia-viet-nam-ve-viec-trung-quoc-ha-dat-gian-khoan-trai-phep-trong-vung-bien-viet-nam-482452/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/trong-nuoc/201405/tuyen-bo-cua-hoi-luat-gia-viet-nam-ve-viec-trung-quoc-ha-dat-gian-khoan-trai-phep-trong-vung-bien-viet-nam-482452/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 10/05/2014, 08:35 [GMT+7]

Tuyên bố của Hội Luật gia Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam

Chiều 9/5, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam họp báo ra "Tuyên bố về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam".
 
Tuyên bố nêu rõ: Ngày 2/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD-981 tại tọa độ 15 độ 29 phút 58 giây vĩ Bắc -111 độ 12 phút 06 giây kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời huy động số lượng lớn tàu hộ tống đi cùng, trong đó có cả tàu quân sự. Các tàu này đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật - tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư - của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây thiệt hại về tài sản và đe dọa nghiêm trọng tính mạng. 
 
Khu vực giàn khoan HD-981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
 
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất lớn ngang ngược phun vào tàu Việt Nam. Ảnh: Bộ Ngoại giao
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất lớn ngang ngược phun vào tàu Việt Nam. Ảnh: Bộ Ngoại giao
Các việc làm trên của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Điều 58, Điều 77) mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên. Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN. Mặc dù Tuyên bố đã nêu rõ: “Tất cả các bên cam kết kiềm chế thực hiện những hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định” nhưng hành động nêu trên của Trung Quốc rõ ràng đã làm phức tạp tình hình và gây bất ổn định ở khu vực Biển Đông.
 
Việc Trung Quốc cho rằng đây là “hoạt động tác nghiệp bình thường” và so sánh hành động này của Trung Quốc với các hoạt động thăm dò, khai thác do Việt Nam thực hiện trên Biển Đông là hết sức vô lý vì các hoạt động của Việt Nam được tiến hành trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo đúng quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, được các nước công nhận và cùng hợp tác, trong khi Trung Quốc tiến hành thăm dò tại thềm lục địa của Việt Nam chỉ dựa trên yêu sách đơn phương của Trung Quốc, trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không được bất cứ quốc gia nào khác công nhận.
 
Hội Luật gia Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
 
Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982, theo đó, không ai có quyền tiến hành thăm dò thềm lục địa hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, nếu không có “sự thỏa thuận rõ ràng của các quốc gia ven biển”. Hội Luật gia Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.
 
Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là bảo vệ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
 
Hội Luật gia Việt Nam khẳng định mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân Việt Nam - Trung Quốc nói chung và giữa giới luật gia hai nước nói riêng; đồng thời sẵn sàng làm hết sức mình để góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
.

Nguồn: dangcongsan.vn