Trong nước
Kỳ họp thứ 7: Quốc hội dành nhiều thời gian cho lập pháp
09:15, 20/05/2014 (GMT+7)
Kỳ họp thứ 7 dành tới 21 ngày (75% thời gian của Kỳ họp) để thực hiện chức năng lập pháp khi xem xét thông qua 11 dự án luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu 16 dự án luật. Chương trình xây dựng luật này nhằm cụ thể hóa Hiến pháp mới được thông qua vào Kỳ họp trước.
Thời gian còn lại, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận các báo cáo quan trọng: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, tình hình thực hiện năm 2014; Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách giảm nghèo từ năm 2005-2012…
Đặc biệt, vào buổi chiều ngày khai mạc Kỳ họp (20/5), Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chủ trương và giải pháp đấu tranh của Việt Nam. Quốc hội sẽ thảo luận vấn đề này và thông tin cho cử tri cả nước.
Tại buổi họp báo, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã bày tỏ lời cảm ơn tới các nghị sĩ của nghị viện nhiều nước thời gian qua đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam; khẳng định quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế và các thỏa thuận giữa Trung Quốc với ASEAN.
Về nội dung Quốc hội xem xét việc sửa đổi Nghị quyết 35 về bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ có thay đổi ở thời điểm lấy phiếu tín nhiệm (có thể là lấy phiếu từ năm thứ 3 của nhiệm kỳ Quốc hội, thay vì từ năm thứ 2 như quy định hiện hành để đối tượng được lấy phiếu có thời gian nhìn nhận nhiều mặt tích cực, hạn chế trong công việc của mình và điều chỉnh), thay đổi về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm và hình thức lấy phiếu tín nhiệm…
Tại buổi họp báo, ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TTTT cho biết thêm: Lãnh đạo các công ty của Trung Quốc và một số nước đã bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền, các bộ, ngành Việt Nam đã bảo vệ quyền lợi, lợi ích của họ. Giám đốc công ty Formosa-Đài Loan (đóng tại KCN Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh) đã khẳng định vẫn tiếp tục ở lại đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.
Nguồn: chinhphu.vn