Bộ trưởng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Để có thể tăng lương theo lộ trình từ ngày 1/5/2013, cần khoảng 60.000 – 65.000 tỷ đồng. Điều này vượt quá khả năng cân đối ngân sách năm 2013 do thu ngân sách 2012 đạt thấp.
“28/63 tỉnh thành phố, trong đó chủ yếu là những tỉnh trọng điểm thu có thể không đạt dự toán thu. Năm 2013, tình hình thu ngân sách cũng dự báo là khó khăn do mức tăng trưởng dự kiến chỉ khoảng 5,5%”, Bộ trưởng báo cáo trước Quốc hội.
Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nguyện vọng của người hưởng lương, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội một phương án tăng lương để Quốc hội xem xét khi quyết định dự toán ngân sách năm 2013 tại kỳ họp này.
Theo đó, sẽ tăng mức tiền lương tối thiểu chung cho cán bộ, công chức, viên chức, người nghỉ hưu, người có công (khoảng 8 triệu người) thêm 100.000 đồng người/tháng trong 6 tháng bắt đầu từ 1/7/2013.
Tổng số kinh phí cần là khoảng 21.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương lo 18.400 tỷ đồng, ngân sách địa phương lo 3.300 tỷ đồng.
Bộ trưởng trình bày, do tất cả các khoản dự toán thu từ xuất khẩu, dầu thô, sử dụng đất đều ở mức cao, có độ rủi ro lớn, chắc chắn không thể tăng thu để có nguồn tăng lương. “Do vậy, cần thiết phải cơ cấu lại các khoản chi và triệt để tiết kiệm chi”.
“Đây là quan điểm đã được các Ủy ban và Thường vụ Quốc hội thống nhất”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết.
Để có nguồn thực hiện phương án tăng lương như trên, dự kiến: Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội giảm mức đầu tư công 10.000 tỷ đồng, như vậy đầu tư từ ngân sách năm 2013 chỉ còn 170.000 tỷ đồng; trình Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2013 ở mức 55.000-60.000 tỷ đồng nhưng vẫn đảm bảo tổng mức 225.000 tỷ đồng đã được Quốc hội quyết định cho cả giai đoạn từ nay đến 2015; tiết kiệm chi ngân sách trung ương 10%, khoảng 1.600 tỷ đồng; giảm bớt chi hoàn thuế giá trị gia tăng còn 73.200 tỷ đồng. Trong trường hợp ngân sách năm 2012 có tăng thu, sẽ bố trí để ưu tiên cho khoản chi này; khoản ngân sách địa phương cân đối 3.300 tỷ đồng lấy ở 10% tiết kiệm chi thường xuyên đã bố trí trong dự toán trình Quốc hội và từ phần 50% tăng thu dành cho lương còn lại ở một số địa phương.
“Đây là phương án tính cực và khả thi nhất có thể. Chính phủ cố gắng kiểm soát lạm phát ở mức 7-8%/ năm để đảm bảo tăng thu nhập thực tế cho công chức, người lao động, người hưởng lương”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Thuế và phí tại Việt Nam trung bình thấp trong khu vực
Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội cho rằng tỉ lệ động viên, thuế và phí ở Việt Nam cao hơn nhiều nước trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tỉ lệ động viên ngân sách ở các nước trên thế giới thường chỉ tính trên thu ngân sách trung ương, trong khi ở nước ta ngân sách là thống nhất, bao gồm cả thu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
“Thu ngân sách ở Việt Nam được tính cả nguồn thu từ dầu thô, quyền sử dụng đất, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, viện trợ, trong khi bản chất các nguồn thu này không phải là các khoản động viên từ nền kinh tế. Các nước theo thông lệ cũng không tính những khoản này vào khoản động viên, mà chỉ coi như các khoản thu từ vốn”.
Nếu tính trong 5 năm (2006 – 2010), tỉ lệ động viên từ thuế, phí, nếu bao gồm cả khoản thu từ dầu thô là 24,9%. Nhưng nếu chỉ tính trên ngân sách trung ương, chỉ là 17,9% GDP. Nếu loại trừ khoản thu từ dầu thô thì tỉ lệ động viên ở Việt Nam tính chung là 19,2%, còn nếu tính riêng ngân sách trung ương thì tỷ lệ là 12,2%. Nếu loại trừ tiếp cả các khoản thu không mang tính chất động viên như ở các nước thì tỉ lệ động viên chung là 13,4% GDP. Đây là mức thấp, trung bình thấp trong khu vực.
Chiến lược cải cách thuế đến 2020 đã xác định tỉ lệ động viên ở mức hợp lý, theo hướng giảm tỉ lệ động viên để tăng khả năng cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế cũng như từng sắc thuế, tăng tích tụ vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân.
Bỏ các trạm thu phí nếu thu phí sử dụng đường bộ
Do thực hiện Nghị quyết 13 Chính phủ đã quyết định hoãn việc thu phí bảo trì đường bộ, phí sử dụng đường bộ trong thời gian 6 tháng. Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông Vận tải được chỉ đạo xây dựng Thông tư để áp dụng việc này từ ngày 1/1/2013.
Khi xây dựng Nghị định 18 về việc thu các loại phí trên, Bộ Giao thông Vận tải đã trình phương án nếu thu phí sử dụng đường bộ, sẽ bỏ tất cả các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước. Đối với các trạm thu phí chuyển giao quyền thu phí, trạm BOT cũng sẽ được xóa bỏ khi hết thời gian chuyển giao và hết thời gian hoàn vốn BOT.
Hiện nay, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội về đối tượng thu, mức thu để sớm có quyết định.
Kiến nghị Quốc hội giám sát chuyên đề về quản lý giá
Trước ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về việc giá xăng dầu khi tăng thì cao, nhưng khi giảm thì chậm, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho rằng về hiện tượng thì hoàn toàn đúng, nhưng về bản chất thì chưa sát.
Theo Nghị định 84, quy định chu kỳ tính giá cơ sở là 30 ngày, hơn nữa khi giá tăng cao, Chính phủ phải sử dụng công cụ giảm thuế nhập khẩu; trong một thời gian dài, chúng ta đã giữ mức thuế nhập khẩu 0% trong khi biểu thuế nhập khẩu đối với xăng dầu là từ 20 – 30%.
Ngoài ra, Nhà nước còn phải sử dụng quỹ bình ổn giá, thậm chí phải sử dụng cả phần lợi nhuận định mức (300 đồng/lít) của các doanh nghiệp đầu mối, nên khi giá thế giới giảm, phải khôi phục lại một phần thuế và phí bình ổn, nên việc giảm giá chưa tương xứng với phần đã tăng.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ Tài chính đã đánh giá lại Nghị định 84 và cơ chế quỹ bình ổn giá, theo đó đề nghị Chính phủ cho nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 84. Đến nay, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, ngành để nghiên cứu sửa đổi.
Trong năm 2011, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán và công khai tình hình sử dụng quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Năm 2012, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán toàn diện Petrolimex.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ kiến nghị Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế, hoặc Ủy ban Tài chính-Ngân sách, phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề, toàn diện về lĩnh vực quản lý giá, đặc biệt là quản lý giá xăng dầu ngay trong năm 2013 để phát huy những mặt tích cực, phát hiện những mặt hạn chế, tiêu cực trong kiểm soát giá. Kết quả giám sát công bố công khai cho đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước biết.