Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) |
Ghi nhận nỗ lực kiềm chế lạm phát
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, nhưng kinh tế xã hội đã có rất nhiều chuyển biến, thể hiện ở việc 10/15 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch, đặc biệt là xuất khẩu, du lịch.
“Cử tri đánh giá cao điều hành của Chính phủ, nhất là việc Chính phủ ban hành nhiều chính sách đồng bộ, quyết liệt, tháo gỡ trúng những khó khăn của nhân dân, doanh nghiệp”, ông Hùng nói.
Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng từ khi có nghị quyết của QH về chất vấn, trả lời chất vấn trong đó nêu chỉ tiêu giảm 5% tai nạn giao thông, tình hình đã có nhiều biến chuyển tích cực.
Ghi nhận nỗ lực lớn của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng việc kiềm chế được lạm phát đã ngăn chặn hàng loạt hệ lụy về mặt xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đây là nỗ lực lớn nhất, cái được lớn nhất trong điều hành của Chính phủ trong 9 tháng đầu năm 2012.
Ông Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) nhìn nhận những kết quả trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 9 tháng đầu năm của Chính phủ từ góc nhìn đảm bảo quốc phòng, an ninh. Ông Sơn cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương bên cạnh tập trung thúc đẩy, phát triển kinh tế đã quan tâm đúng mức đến quốc phòng, an ninh, kiềm chế tội phạm. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng Nhà nước đã đầu tư phù hợp cho quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) |
Tập trung giải quyết 3 khâu đột phá
Đại biểu Trần Du Lịch ( đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực) và tái cơ cấu nền kinh tế.
“Nếu không đẩy mạnh 3 đột phá thì không tái cơ cấu được và sẽ không giải quyết căn cơ được”, ông Trần Du Lịch nói.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng kiến nghị trong ngắn hạn phải giải quyết cho được tình trạng tồn kho của doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ thị trường.
“Đừng lo lắng quá mà siết lại, tập trung trái phiếu công trình để thực hiện công trình trọng điểm giao thông, dư xi măng, sắt thép cần cấp không cho những nơi cần làm đường nông thôn”, đại biểu Trần Du Lịch đề xuất.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng- Quảng Trị đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến tình trạng vốn chưa đến được với những doanh nghiệp đang thực sự cần, bởi đây là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn ( đoàn Nam Định) |
Nhiều đại biểu cùng chung quan điểm cho rằng nợ xấu đang đe dọa nền kinh tế, cần thiết phải nghiên cứu để sớm hình thành Công ty mua bán nợ quốc gia. Các đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), Đỗ Mạnh Hùng, Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên), Đỗ Văn Đương, Đỗ Ngọc Hòa (đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ cần có báo cáo chuyên đề về nợ xấu và hàng hóa tồn kho, làm rõ thực trạng, nguyên nhân; mối liên hệ giữa 2 “điểm nghẽn” này và giải pháp khắc phục.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (đoàn TP Hồ Chí Minh) kiến nghị ngành ngân hàng cần có chính sách điều chỉnh ưu tiên dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất trong nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp họ nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, giải quyết hàng tồn kho.
Về vấn đề Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra đang đề nghị ngừng đầu tư cho các khu kinh tế hoạt động không hiệu quả, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, trong số các khu kinh tế này không phải tất cả đều hoạt động tốt.
Vì thế, cần phải rà soát lại để thấy được những khu kinh tế nào chỉ đang gặp những khó khăn bước đầu, từ đó tiếp tục tháo gỡ và đầu tư cho các khu kinh tế này phát triển lên. Nếu dừng đầu tư cho những khu kinh tế này sẽ gây lãng phí đầu tư trước đó, kéo theo việc doanh nghiệp hoạt động trong các khu kinh tế ngừng hoạt động, không tạo được nguồn thu thuế cho ngân sách cũng như ảnh hưởng đến tạo việc làm cho người lao động.
Các đại biểu cũng đề cập đến tình trạng ban hành các chính sách kịp thời nhưng thiếu nguồn lực thực hiện hoặc đánh giá chưa sát thực tế, không khả thi.
Nêu ví dụ Luật về người khuyết tật có hiệu lực từ 1/1/2011 nhưng đến tháng 4/2012, Chính phủ mới ban hành Nghị định, còn hàng loạt văn bản dưới Nghị định chưa ban hành được, trong đó có Thông tư về hoạt động của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật ở cấp xã, gây cản trở cho người khuyết tật trong việc tiếp cận ưu tiên của chính sách, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng- Thái Nguyên nêu tình trạng chậm ban hành chính sách, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành luật gây khó khăn rất lớn trong việc đưa chính sách của Chính phủ vào cuộc sống.
Đại biểu Tô Văn Tám- Kon Tum cho rằng, trong lĩnh vực thông tin truyền thông, tuy đã tuyên truyền rất tốt chủ trương, đường lối của Đảng, điều hành của Chính phủ, nhưng trước tình trạng có nhiều thông tin xuyên tạc, chúng ta vẫn còn lúng túng, thiếu những bài phản biện sâu sắc, thuyết phục, dẫn đến những hệ quả không tốt về mặt xã hội.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. |
Nhiều ý kiến thảo luận đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành minh bạch trong công bố các yếu tố hình thành giá, cơ chế điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là xăng dầu, điện.
Về mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2013, một số đại biểu ý kiến cho rằng cần xem xét lại chỉ tiêu lạm phát (thấp hơn năm 2012) cho phù hợp. Các ý kiến đề nghị nên tiếp tục ưu tiên kiềm chế vững chắc lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô cho năm tới.
Theo Chương trình kỳ họp, Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường trong cả ngày thứ 3 (30/10) và sáng thứ 4 (31/10). Các phiên thảo luận này sẽ được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi. |