Cử tri Q.Ba Đình (Hà Nội) phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của ĐBQH Hà Nội sáng 4.5.2012 (Ảnh:thanhnien) |
Ổn định kinh tế, bảo vệ môi trường
Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước do Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày nêu rõ: Những tháng đầu năm 2012, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được mở rộng, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa bền vững của nền kinh tế. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm có giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu về vốn, về các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế Nhà nước, về đầu tư công… nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, trả được vốn vay trong và ngoài nước.
Hiện nay đời sống của nhiều công nhân lao động, nông dân, người nghèo, đồng bào vùng sâu vùng xa, người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn do giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao. Do đó, Chính phủ có các giải pháp nhằm bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, kiểm soát giá cả thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp tự ý nâng giá, tăng giá bất hợp lý.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm chấn chỉnh, khắc phục tình trạng tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi; nạn phá rừng, khai thác khoáng sản bừa bãi; mất an toàn vệ sinh thực phẩm; tình hình dịch bệnh, nhất là dịch chân tay miệng diễn biến phức tạp ở một số địa phương, bệnh lạ xuất hiện ở Quảng Ngãi khiến nhiều người chết nhưng chậm được làm rõ và chữa trị chưa có hiệu quả…
Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội, tội phạm không giảm, nhất là các vụ cướp của, giết người táo tợn, nhiều thủ phạm ở tuổi vị thành niên; tình trạng cháy nổ diễn ra ở nhiều nơi, việc cháy ô tô, xe máy chưa được kết luận rõ ràng… gây bất an trong đời sống của người dân.
Về tình hình tai nạn giao thông thời gian qua tuy có giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và của. Ùn tắc giao thông vẫn còn xảy ra thường xuyên ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Cử tri và nhân dân hoan nghênh nỗ lực, quyết tâm của ngành giao thông vận tải và chính quyền một số địa phương trong việc đề ra các giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, những giải pháp vừa qua chưa căn bản, đồng bộ, hiệu quả không cao; có giải pháp dự kiến đưa ra chưa sát thực tiễn, nhiều cử tri và nhân dân không đồng tình.
Trước thực trạng trên, Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo có giải pháp đồng bộ, quyết liệt kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; quan tâm đến việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, phương tiện giao thông công cộng, tổ chức, quản lý, điều hành giao thông; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, các cơ quan, tổ chức hữu quan trước khi ban hành các giải pháp về kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Giải quyết tốt hơn khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng
Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ thời gian qua đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo và tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về khiếu nại, tố cáo vừa qua. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục dứt điểm tình trạng trên; giải quyết tới nơi tới chốn những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài; việc thu hồi đất phải đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi; xử lý nghiêm đối với những trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động người khác tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối an ninh trật tự.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về tiếp công dân và sửa đổi, bổ sung Luật đất đai cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Báo cáo cũng nêu rõ, cử tri và nhân dân phản ánh, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua mặc dù có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.
Cử tri và nhân dân cho rằng số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra; việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, trong đó các vụ án nghiêm trọng, phức tạp thường bị kéo dài theo hướng thu hẹp vụ án; tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn nhiều, tài sản bị tham nhũng hoặc bị thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn rất hạn chế.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và có giải pháp đồng bộ, tập trung phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Người dân cũng mong Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục tình trạng lãng phí diễn ra phổ biến trong sản xuất và tiêu dùng, trong đầu tư, mua sắm tài sản công… Đầu tư công dàn trải, hiệu quả chưa cao; nhiều công trình dở dang, xây dựng xong nhưng không khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả gây lãng phí nghiêm trọng.
Về nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân hoan nghênh những đổi mới bước đầu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIII.
Quốc hội quan tâm hơn nữa đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri; đẩy mạnh hoạt động giám sát, nhất là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Các đại biểu Quốc hội cần thực hiện tốt chương trình hành động của mình, có bản lĩnh và dũng khí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí..