Quốc tế
Nhìn lại thế giới 2020: Sợ hãi, hoài nghi và hy vọng
Trong những diễn biến cuối cùng trước khi năm 2020 đầy biến cố và xáo trộn khép lại, loài người dường như đã bình tĩnh hơn với những nỗi niềm của mình, để nhìn thấy ở phía trước, cho dù vẫn còn vô số thách thức, khá nhiều hy vọng, lạc quan hơn.
Ánh sáng cuối đường hầm
Phải đến tận khi quỹ thời gian đã gần như trống rỗng đến tận cùng, một thỏa thuận thương mại "hậu Brexit" mới được hoàn tất giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU), ngày 24-12.
"Đó là một con đường dài và quanh co, nhưng cuối cùng chúng tôi đã đạt thỏa thuận. Thị trường đơn nhất châu Âu sẽ công bằng và vẫn như vậy", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen xác nhận. Và sau đó, trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh: "Thỏa thuận thương mại hậu Brexit mang lại "sự ổn định và chắc chắn mới".
Nước Anh cần thỏa thuận này, và EU cũng vậy. Có điều, suốt 10 tháng qua, sự cứng rắn mà cả hai phía thể hiện đã khiến mọi cuộc đàm phán đều đi vào ngõ cụt. Có lúc, tất cả đều đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho một tình thế Brexit không thỏa thuận, khi thời hạn chuyển tiếp chính thức kết thúc sau ngày 31-12-2020.
Và như thế cũng có nghĩa là mọi mối liên hệ giao thương giữa nước Anh với châu Âu lục địa sẽ trở nên hỗn loạn, phiền hà, trắc trở… bởi hàng loạt giao dịch sẽ khựng lại khi giới chức trách không biết căn cứ vào nền tảng pháp lý nào để điều chỉnh.
Sau rất nhiều gay cấn, cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ đã đi đến hồi kết. |
Nhưng, cuối cùng, đàm phán cũng đã hoàn tất, và thỏa thuận cũng đã đạt được. Cuối cùng, Thủ tướng Anh Boris Johnson nước Anh vẫn xác nhận: "Chúng tôi sẽ là bạn, đồng minh, người ủng hộ của EU và thực sự không bao giờ lãng quên EU là thị trường số một. Đây là thỏa thuận tốt cho toàn châu Âu và cho cả bạn bè, đối tác của chúng tôi. Theo quan điểm của tôi, sẽ không phải điều tồi tệ khi có một Vương quốc Anh thịnh vượng, năng động và mãn nguyện ngay trước cửa nhà bạn. Đó sẽ là một điều tốt, thúc đẩy việc làm và thịnh vượng trên toàn châu lục".
Một cánh cửa thoát hiểm đã bật mở, cũng như cách khá nhiều cánh cửa khác hé ra cho thế giới trong năm 2020 đáng sợ và đáng nhớ này. Tiêu biểu, có thể là gì khác ngoài việc tỉ liều vaccine COVID-19 đã và đang được gấp rút triển khai tiêm chủng cho những người dân. Ở Mỹ, ở Nga, ở Anh, ở EU, ở cả những khu vực khác trên thế giới…
Cuộc chiến ở Nagorno - Karabakh gây thiệt hại nặng cho cả Armenia và Azecbaijan. |
Tận cùng sợ hãi
Từ khi bước sang thế kỷ XXI, loài người chưa từng phải trải qua một năm nào nhiều những nỗi sợ hãi như năm 2020 này.
Có một câu chuyện vui lưu truyền trên các mạng xã hội quốc tế, trước ngày Hội ma (Halloween, 31-10): "Không cần trang trí gì cầu kỳ đâu, treo cuốn lịch năm 2020 lên cửa nhà là được. Còn có gì đáng sợ bằng thứ ấy nữa?".
Quả vậy, 2020 là năm của những nỗi sợ hãi đến tê liệt. Bùng lên từ Vũ Hán những ngày đầu năm, trong sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế, nhất là thế giới phương Tây, virus SARS-CoV-2 cùng đại dịch COVID-19 toàn cầu nhanh chóng trở thành một cơn ác mộng ám ảnh mọi quốc gia. Tính đến đêm Noel 24-12, toàn thế giới có tới gần 80 triệu ca nhiễm, hơn 1,74 triệu ca tử vong. COVID-19 không buông tha những quốc gia nghèo, và tàn phá cả những cường quốc hàng đầu - như nước Mỹ (18,7 triệu ca nhiễm, 329.000 ca tử vong).
COVID-19 gieo rắc những hệ lụy khủng khiếp và vô cùng trầm trọng, ở mọi mặt của đời sống xã hội loài người. Đó không chỉ là sự sợ hãi và nỗi lo lắng tột cùng cho bản thân cũng như cho những người thân yêu nhất xung quanh mình, mà thực sự, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được những biến đổi mạnh mẽ trong cách cuộc sống vận hành.
Trái đất có lẽ sẽ không bao giờ quay theo nhịp điệu cũ nữa, sau đại dịch này, với những gì mà nhân loại đã phải đối diện: Những biên giới đóng chặt; những chỉ số kinh tế lao dốc; những khái niệm "cách ly" (lockdown) hay "giãn cách xã hội" (social distance) trở nên quen thuộc; chiếc khẩu trang trở thành vật bất ly thân; những hoạt động giao thương đình trệ; những khoản cứu trợ khẩn cấp khổng lồ - đồng nghĩa với việc hầu như tất cả mọi người đều không thể làm gì hơn ngoài chấp nhận cắt giảm chi tiêu và "tự gặm nhấm chính mình"…
Cũng từ đó, hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo, giữa các nước phát triển và những nước chưa phát triển dường như lại càng giãn thêm ra, cho dù tất cả vẫn đều bình đẳng trước cái chết chực chờ.
Vaccine COVID-19 là hy vọng cho cả thế giới. |
COVID-19 có thể xem là một tiếng chuông cảnh báo gay gắt, một bài kiểm tra khắc nghiệt về cách loài người đối diện với nguy cơ hủy diệt cũng như khả năng vượt qua các thách thức sinh tử như thế nào. Dù sao, đến lúc này, với những liều vaccine Sputnik V hay vaccine của BioNTech, mọi chuyện cũng đang dần trở nên khả quan hơn, bên cạnh việc cộng đồng quốc tế đã nhận thức rõ ràng hơn nhiều so với trước đây, về những nguy cơ và cả những trách nhiệm.
Trăm mối tơ vò
Nhưng, đã hết chưa? Chưa, COVID-19 là điều đáng sợ nhất, nhưng không phải là điều đáng sợ duy nhất đang hiện hữu.
Tiến trình biến đổi khí hậu, mà thí dụ tiêu biểu là những vụ cháy rừng khủng khiếp hủy hoại cả khu vực rừng Amazon, cả Australia, cả bang California của nước Mỹ… đang mỗi lúc một trở nên khắc nghiệt hơn. Tạm thời bị đặt xuống sau những hệ lụy ghê gớm của bệnh dịch, nhưng thiên tai đã, đang và cũng sẽ luôn là một câu chuyện có liên quan trực tiếp đến sự sinh tồn của loài người.
Song, dường như mọi nỗ lực cứu lấy hành tinh này - mái nhà chung này - vẫn đang chỉ là các ý tưởng trên giấy. COVID-19 khiến nhiều hoạt động sản xuất ngưng trệ, khiến con người hạn chế đi khá nhiều tác động xấu đến môi trường, và khiến sinh quyển trên Trái đất có vẻ phục hồi. Vấn đề là, khi bệnh dịch qua đi, những chỉ số mỗi năm một kỷ lục của nền nhiệt toàn cầu sẽ còn mang đến bao nhiêu thiên tai, lũ lụt, sóng thần… nữa?
Và vẫn thế, những toan tính hay xung đột lợi ích địa chính trị quốc tế vẫn luôn hiện hữu, lạnh lùng và tàn nhẫn, thậm chí đến mức độ sẵn sàng sử dụng những nỗi sợ hãi chung như công cụ đạt đến mục đích. Chúng ta đã thấy nước Mỹ "bất hợp tác" đến độ nào với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho dù bất kể ra sao, WHO vẫn là thiết chế quan trọng giúp các nước nghèo tiếp cận được những thành tựu y tế mà các nước phát triển sở hữu, để khỏi rơi vào những vực thẳm.
Tâm trạng hoài nghi những tổ chức toàn cầu như WHO không chỉ xuất hiện ở câu chuyện về dịch bệnh. Trong một số diễn biến khác và ở những "điểm nóng" khác, sự chia rẽ về tư tưởng cũng hằn sâu vào các dòng chảy sự kiện năm 2020, như những dấu ấn khó phai. Trong đó, nước Mỹ dĩ nhiên đóng vai trò trung tâm.
Cả thế giới đã phải chú mục theo dõi và thấp thỏm chờ đợi kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 - một cuộc bầu cử vô tiền khoáng hậu. Sự chia rẽ của nước Mỹ. Một nước Mỹ bất ổn vẫn đang cố gắng tác động đến một thế giới cực kỳ bất ổn, theo cách của họ.
Như ở Trung Đông, "lộ trình hòa bình Trung Đông mới" mà Nhà Trắng đưa ra đã thúc đẩy được đến quốc gia thứ tư là Morrocco bình thường hóa quan hệ với Israel (sau U.A.E, Bahrain và Sudan) - nghĩa là phớt lờ "giải pháp hai nhà nước" cũng như quyền lợi chính đáng của Palestine, bất chấp mọi sự phản đối của cộng đồng quốc tế cũng như ý kiến chung của Liên hiệp quốc.
Trong khi đó, tại Afghanistan, việc Mỹ ký hòa ước với Taliban để "phủi tay", rút quân khỏi vũng lầy ấy sau hai thập kỷ có mặt lại đang khiến chính phủ Kabul gặp khá nhiều khó khăn.
Và ở chiều ngược lại, thế giới đang chờ đợi những thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ, từ một ông chủ Nhà Trắng mềm mỏng hơn. Có điều, chính tổng thống mới của Mỹ lại cũng sẽ phải đối diện với những thứ áp lực hay sức phản chấn ghê gớm, từ các vấn đề nội tại.
Ví dụ như Black Lives Matter hay Antifa là những phong trào cánh tả xuất hiện với tôn chỉ đòi lại quyền bình đẳng trong xã hội, đặc biệt là sau cái chết của George Lloyd - một thanh niên da đen - dưới tay cảnh sát Mỹ. Có điều, khi những cuộc biểu tình bùng phát, chúng nhanh chóng biến tướng thành những hành động vô chính phủ, phạm pháp và không thể chấp nhận, khi cướp bóc, đốt phá, hủy hoại… liên tiếp xảy ra.
Đến mức độ, những lực lực bảo thủ truyền thống trong lòng nước Mỹ sẵn sàng mang cả súng xuống đường để bảo vệ tài sản của mình. Black Lives Matter, những ngày cuối năm, dường như đã bị tổng thống đắc cử "bỏ rơi", nhưng chắc chắn là họ sẽ không cam chịu bị đối xử như vậy.
Năm 2020, như mọi năm, kể cả khi COVID-19 hoanh hàng, cũng vẫn không hề vắng bóng khói lửa giao tranh. Cuộc chiến Armenia - Azerbaijan đã tạm thời khép lại ở Nagorny Karabakh, song có lẽ, đó cũng mới chỉ là một chương nữa khép lại. Những chương tiếp nối, bởi vì còn rất nhiều xung đột và mâu thuẫn chưa thể được giải quyết triệt để, có thể sẽ còn quyết liệt và ghê gớm hơn nhiều, nhất là khi chiến tranh thời đại mới đã mang một diện mạo khác:
Chiến tranh tự động, với những thứ vũ khí tối tân không cần con người trực tiếp hành động. Như cách một nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran bị ám sát, từ một chiếc xe tự lái, và một khẩu súng máy được điều khiển từ xa…
Nguồn: Báo CAND