Dịch Covid-19 đang khiến thế giới đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có, với các biện pháp mạnh mẽ được đưa ra như phong tỏa, áp đặt lệnh giới nghiêm hay thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội. Và để đảm bảo các biện pháp đó hiệu quả, nhiều nước đã đưa ra quy định buộc người dân tuân thủ, từ việc kêu gọi hãy là một công dân có trách nhiệm đến việc tuyên bố có thể nổ súng nếu cần thiết.
Binh sĩ Philippines kiểm tra thân nhiệt nhân viên y tế ở thành phố Quezon. Ảnh: Reuters. |
Trang tin The Star của Philipines hôm 5/4 trích dẫn nguồn cảnh sát địa phương cho biết, một người đàn ông 63 tuổi nước này đã bị bắn chết sau khi chống đối yêu cầu buộc phải đeo khẩu trang của lực lượng an ninh. Theo báo này, người đàn ông đã bị nhân viên y tế trong làng nhắc nhở đeo khẩu trang. Nhưng ông này đã nổi giận và có lời lẽ khiêu khích và dùng liềm tấn công nhân viên y tế. Sau khi cố xoa dịu người đàn ông được cho là trong tình trạng say xỉn này, một cảnh sát đã buộc phải nổ súng. Đây là trường hợp đầu tiên tại Philipines bị cảnh sát bắn chết do không tuân theo các các biện pháp hạn chế phòng chống dịch Covid-19.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trước đó cho phép cảnh sát và quân đội bắn bất cứ ai chống phá lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19. Tổng thống Philippines cho rằng, việc tự giác cách ly ở nhà rất quan trọng. Đây là điều cần thiết bởi hệ thống y tế của Philipines rất mỏng và có thể quá tải. Cảnh sát quân đội có quyền bắn hạ người chống đối các biện pháp phòng dịch, nếu những người này có hành động chống đối, đe dọa tới an toàn của lực lượng chức năng.
Các biện pháp nghiêm ngặt cuả Philipines đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại quốc gia Đông Nam Á này. Hiện có gần 3 nghìn 300 ca nhiễm và hơn 150 trường hợp tử vong do Covid-19 tại Philippines.
Malaysia cũng đã bắt giữ hàng trăm người vì vi phạm các hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona, với các tội danh như tụ tập đông người, cản trở lực lượng an ninh làm nhiệm vụ hay cố trốn khỏi sự phong tỏa của cảnh sát. Đủ loại lý do được những người vi phạm đưa ra, trong đó điển hình là việc mua thực phẩm. Tuy nhiên cảnh sát cho biết, nhiều người đã di chuyển rất xa nhà trong khi siêu thị gần nhà vẫn mở cửa và có nhiều người bị bắt giữ tới 4 lần trong 1 ngày.
Giới chuyên gia y tế cảnh báo, nếu Hàn Quốc để bùng phát dịch Covid-19 ở thủ đô Seoul thì hậu quả sẽ khôn lường. Ảnh: Yonhap. |
Còn đối với các quy định giãn cách xã hội, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyucho biết, những cơ sở vui chơi giải trí, phòng tập thể thao ..vi phạm có thể sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.
“Cần tránh tham gia những nơi có đông người. Tránh đi ra ngoài nếu không cần thiết, hủy bỏ các cuộc gặp riêng tư, các hoạt động xã hội hay kế hoạch đi lại. Nếu các cơ sở không phục vụ cho hoạt động thiết yếu tiếp tục mở cửa, chúng tôi sẽ đưa ra tất cả các biện pháp cần thiết, trong đó có việc buộc cơ sở này phải đóng cửa và phạt nặng”- Thủ tướng Hàn Quốc nhấn mạnh.
Nhiều quốc gia cũng đưa ra hàng loạt mức phạt đối với các công dân vi phạm giãn cách xã hội. Tại Singapore, những người không duy trì khoảng cách 1m khi tương tác với người khác ở nơi công cộng có thể bị phạt tới 10.000 đôla Singapore (tương đương 6 nghìn 985 USD) và có thể phải chịu án tù 6 tháng. Chỉ trong tháng 3, hàng trăm nghìn người Italy đã bị xử phạt hành chính với số tiền phạt có thể lên tới 3.000 euro (tương đương 3.300 USD). Người dân Italy cũng có thể phải ngồi sau song sắt 3 tháng nếu vi phạm các quy tắc về hạn chế đi lại. Các biện pháp kiểm dịch trên toàn quốc tại Ấn độ cũng được thực thi với chế tài xử lý rất nghiêm khắc, với mức tiền phạt nặng cũng như phạt tù lên tới 2 năm.
Có thể nói, hàng loạt biện pháp đã được đưa ra, từ nặng đến nhẹ đối với các trường hợp vi phạm quy định phòng dịch tại các nước. Tuy vậy, mỗi người dân cần phải hiểu các biện pháp chính phủ đưa ra là điều cần phải làm vì lợi ích, sự an toàn của chính họ và thái độ của người dân là yếu tố quyết định để ngăn chặn dịch Covid-19. Với sự quyết liệt của chính phủ sự đồng lòng và hợp tác của người dân sẽ sớm đẩy lùi bệnh dịch./.