Quốc tế
Thế giới tuần qua: Biến động khó đoán định
Thế giới tuần qua (28/10 – 3/11) chứng kiến nhiều diễn biến bất ngờ, khó đoán định khi IS công bố người kế nhiệm và đe dọa trả thù; Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đụng độ “chết người” ở biên giới; Triều Tiên thử nghiệm thành công hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ lớn; Tiến trình Brexit 3 lần lỡ thời hạn chót…
Thủ lĩnh bị tiêu diệt, IS công bố người kế nhiệm và đe dọa trả thù
Ngày 27/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận thủ lĩnh của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một chiến dịch của quân đội Mỹ tại tỉnh Idlib, Syria. Đây được xem là một bước tiến đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống IS nói riêng và khủng bố nói chung.
Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi trong một video được công bố vào ngày 29/4/2019. (Ảnh: AFP) |
Đến ngày 31/10, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng phát đi thông báo dài 7 phút trên trang Amaq, tuyên bố: “Những người Hồi giáo, những người lính của IS (...), chúng tôi thương tiếc chỉ huy của các tín đồ Abu Bakr al-Baghdad”. Thông báo này cũng xác nhận cựu phát ngôn viên của tổ chức khủng bố IS Abu al-Hassan al-Muhajir đã chết trong một chiến dịch tấn công khác, diễn ra sau cuộc truy quét nơi al-Baghdadi ẩn náu.
Bên cạnh đó, IS cũng thông báo đã lựa chọn một người mang tên Ibrahim al-Quraishi làm thủ lĩnh mới. Hiện vẫn chưa rõ al-Quraishi là ai, song theo một số chuyên gia, đây có thể là Hajji Abdullah, một nhân vật hàng đầu của IS từng được Bộ Ngoại giao Mỹ coi là kẻ có nhiều khả năng sẽ kế tục al-Baghdadi.
Người phát ngôn mới của IS cũng kêu gọi trả thù cho cái chết của thủ lĩnh al-Baghdadi, đồng thời đặc biệt đe dọa trả thù nước Mỹ và gọi Tổng thống Mỹ là "lão già ngu ngốc”.
Mỹ đã tiến hành thủy táng al-Baghdadi với các nghi thức của người Hồi giáo, tương tự như với trùm khủng bố Osama bin Laden trước đây
Tiến trình Brexit 3 lần lỡ thời hạn chót
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk tuyên bố hôm 28/10 rằng, 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý chấp nhận yêu cầu của Anh hoãn thời hạn Brexit đến ngày 31/1/2020. Với quyết định gia hạn Brexit lần thứ ba này, EU đang cố ngăn chặn một cuộc chia ly không thỏa thuận chắc chắn làm đảo lộn tình hình kinh tế của liên minh cũng như của Anh.
Tiến trình Brexit tiếp tục lùi thời hạn chót (Ảnh: AFP) |
Còn trong nội bộ nước Anh, ngày 29/10, sau nhiều nỗ lực, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thuyết phục được Hạ viện nước này chấp thuận tổ chức bầu cử sớm vào tháng 12 tới. Tại cuộc bầu cử này, ông Johnson hy vọng giành được đủ số ghế tại hạ viện để thúc đẩy thông qua kế hoạch Brexit và tại nhiệm.
Ông Johnson cho biết thỏa thuận mới về Brexit là giải pháp duy nhất để giải quyết tình trạng bất ổn hiện nay đã tác động tới nền kinh tế Anh kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit hồi năm 2016.
Cựu Thủ tướng Anh Theresa May là người được chọn để “chèo lái con thuyền Brexit” với thời hạn đầu tiên dự kiến là ngày 29/3/2019. Vượt qua những bế tắc trong đàm phán, EU và Anh cũng đã ký thỏa thuận Brexit vào tháng 11/2018. Tuy nhiên, từ khi thỏa thuận gây tranh cãi bị bác bỏ lần đầu tại Hạ viện Anh, Brexit đã lỡ mốc đầu tiên 29/3, buộc bà May phải lần lượt gia hạn Brexit tới tháng 4/2019 rồi lại tới tháng 10/2019 và sau đó là quyết định từ chức với hy vọng tạo bước ngoặt giúp tháo gỡ thế bế tắc.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đụng độ “chết người” ở biên giới
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ngày 29/10 đã có cuộc đụng độ chết người lần đầu tiên kể từ khi Ankara tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào người Kurd ở Đông Bắc Syria đầu tháng này và giữa lúc Nga tuyên bố các lực lượng người Kurd đã rút khỏi khu vực.
Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Đông Ras al-Ain đang giám sát xe tăng nã pháo vào các vị trí của lực lượng do người Kurd dẫn đầu (Ảnh: AFP) |
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, lực lượng người Kurd đã rút khỏi toàn bộ khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ theo như thỏa thuận mà Ankara và Moscow đã đạt được ở Sochi cách đây một tuần.
Tuy nhiên, tình hình trở nên phức tạp hơn do các cuộc đụng độ giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong ngày 29/10.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết “giao tranh đã xảy ra lần đầu tiên giữa quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ” và 6 binh sỹ Syria đã thiệt mạng ở thị trấn biên giới chủ chốt Rasal-Ain.
Ông Rami Abdel Rahman, người đứng đầu tổ chức SOHR, cho biết thêm, các tay súng Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng như lực lượng chính trong chiến dịch quân sự ở đông bắc Syria đã sát hại một binh sỹ thuộc lực lượng chính quyền Damascus mà họ bắt được.
Sau đó, trong ngày 29/10, còn có thêm nhiều cuộc đụng độ giữa lực lượng chính phủ Syria với lực lượng ủy nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.
Chile hủy đăng cai APEC và COP 25 do khủng hoảng chính trị
Lần đầu tiên trong lịch sử 30 năm tổ chức APEC, có một quốc gia phải hủy đăng cai sự kiện này ngay sát ngày diễn ra. Tổng thống Chile Sebastian Pinera ngày 30/10 tuyên bố nước này không thể tổ chức hai hội nghị quốc tế sắp tới là APEC và Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) do tình hình biểu tình bạo động leo thang nghiêm trọng.
Trong tuyên bố được đưa ra, Tổng thống Pinera nhấn mạnh sau khi biểu tình kéo dài hơn 10 ngày, Chile đã quyết định rằng nước này không còn phù hợp để tổ chức APEC và COP 25. Tổng thống Chile cũng đã thay 8 lãnh đạo Bộ, ngành để xoa dịu các cuộc biểu tình.
Tổng thống Chile Sebastian Piñera. (Nguồn: ABC) |
Chile đã rơi vào một cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng sau khi chính phủ của Tổng thống Sebastian Piñera quyết định tăng giá vé tàu điện ngầm. Đây là lý do các tầng lớp nhân dân xuống đường biểu tình phản đối những chính sách xã hội bất công, cũng như tình trạng bất bình đẳng xã hội mà mô hình kinh tế của Chile tạo ra. Các cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn, cướp phá siêu thị và các cơ sở kinh doanh, đốt phá các ga tàu điện ngầm, buộc Chính phủ Chile phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong nhiều ngày liên tiếp. Đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng chức năng đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và hơn 3.000 người bị bắt giữ.
Sau tuyên bố của Chile, Liên hợp quốc ngày 1/11 đã xác nhận, năm nay, hội nghị về biến đổi khí hậu của tổ chức này (COP 25) sẽ diễn ra vào tháng 12 tới tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.
Triều Tiên thử nghiệm thành công hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ lớn
Chính quyền Triều Tiên ngày 1/11 cho biết vừa thử nghiệm thành công hệ thống phóng rocket đa nòng cỡ lớn.
Theo Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên KCNA, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc phòng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã thành công trong cuộc thử nghiệm mới nhất đối với rocket phóng loạt cỡ lớn vào chiều 31/10. KCNA cũng cho biết Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bày tỏ sự hài lòng đối với cuộc thử nghiệm và gửi lời chúc mừng tới các nhà khoa học quốc phòng, những người đang nỗ lực hết mình để phát triển năng lực quốc phòng của đất nước.
Hình ảnh do truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố ngày 1/11 về vụ thử nghiệm hệ thống phóng tên lửa đa nòng cỡ siêu lớn do nước này vừa thực hiện. (Ảnh: KCNA/Reuters) |
Trước đó một ngày, quân đội Hàn Quốc xác nhận Triều Tiên đã phóng hai vật thể tầm ngắn từ khu vực phía Tây nước này về phía biển và cả hai vật thể này đã bay được khoảng cách 370km, ở độ cao tối đa 90km so với mặt nước biển.
Vụ phóng thiết bị do Triều Tiên thực hiện ngày 31/10 đánh dấu cuộc thử nghiệm vũ khí thứ 12 trong năm 2019 và được thực hiện chỉ một tháng sau khi Triều Tiên tuyên bố nước này phóng thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) loại mới, trong một diễn biến được cho là “mở ra một giai đoạn mới về năng lực phòng thủ” của Triều Tiên.
Giới chuyên gia nhìn nhận vụ thử nghiệm vũ khí mới nhất của Triều Tiên là một động thái “gia tăng sức ép” nhằm vào Mỹ trong bối cảnh các vòng đàm phán về phi hạt nhân hóa không đạt được tiến triển như kỳ vọng./.
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam