Quốc tế
Thế giới tuần qua: Iran tuyên bố sẵn sàng cho mọi viễn cảnh
Thế giới tuần qua (16-22/9) vừa trải qua một loạt sự kiện đáng chú ý, từ căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục leo thang, diễn biến mới trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên, thế giới chung tay hành động chống biến đổi khí hậu cho tới các vụ bạo lực súng đạn chưa có dấu hiệu dừng lại….
Ả rập Xê út tung bằng chứng Iran tấn công các cơ sở lọc dầu
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ả rập Xê út, Đại tá Turki al-Malki trong buổi họp báo tại thủ đô Riyadh ngày 18/9, công bố những bằng chứng về vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu nước này hôm 14/9.(Ảnh: AP) |
Ngày 18/9, Ả rập Xê út đã công bố những mảnh vỡ của các tên lửa hành trình và máy bay không người lái mà nước này xem là “những bằng chứng không thể chối cãi” về vai trò của Iran trong vụ tấn công các nhà máy lọc dầu của nước này hồi cuối tuần trước.
Trong cuộc gặp gỡ báo giới và các đại diện ngoại giao tại Ả rập Xê út, ngày 18/9, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ả rập Xê út Turki al-Malki khẳng định, các dữ liệu camera an ninh và những thiệt hại gây ra cho các mục tiêu cho thấy các cuộc tấn công được thực hiện từ phía Bắc, hướng tiếp giáp của Iran với nước láng giềng Ả rập Xê út. Cũng theo phát ngôn viên trên thì vụ tấn công không thể xuất phát từ Yemen bởi quốc gia này tiếp giáp với Đông Nam Ả rập Xê út.
Ông al-Malki cho biết, đã có tới 18 máy bay không người lái và 7 tên lửa hành trình được sử dụng trong vụ tấn công nhằm vào các nhà máy lọc dầu của công ty dầu khí Aramco ở miền Đông Ả rập Xê út vào cuối tuần trước.
Phát ngôn viên này mô tả, các máy bay không người lái thuộc loại Delta Wing có cánh hình tam giác và cũng đã được sử dụng trong một vụ tấn công đường ống dẫn dầu của Ả rập Xê út trong tháng 5/2019. Trong khi đó, các thiết bị tên lửa hành trình thực hiện vụ tấn công cũng có hình dạng tương tự như loại mà Iran đã từng giới thiệu trong quá khứ.
Hiện Ả rập Xê út và Mỹ đang dồn những lời cáo buộc về phía Iran liên quan tới vụ tấn công các nhà máy lọc dầu của công ty dầu khí Aramco làm sụt giảm nguồn cung dầu mỏ của thị trường thế giới, tuy nhiên chính quyền Tehran đã liên tiếp bác bỏ các lập luận trên và khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này không liên quan tới vụ tấn công và đáp trả bằng việc chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thề sẽ bắn tất cả các máy bay không người lái xâm phạm không phận nước này và đè bẹp bất kỳ kẻ xâm lược nào.
Tehran sẵn sàng cho mọi viễn cảnh và giữ vững quyết tâm đáp trả cho đến khi "tiêu diệt hoàn toàn bất kỳ kẻ xâm lược nào. Ai muốn lãnh thổ của mình trở thành chiến trường chính thì cứ việc", Tư lệnh IRGC, Thiếu tướng Hossein Salami, khẳng định tại cuộc họp báo ngày 21/9.
Triều Tiên nêu điều kiện đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ D.Trump tiến hành Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 vào tháng 2/2019. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 16/9, Triều Tiên thông báo, các vòng đàm phán cấp chuyên viên giữa nước này và Mỹ có thể sẽ được nối lại trong “vài tuần tới”, song nhấn mạnh thêm rằng, việc thảo luận về phi hạt nhân hóa sẽ chỉ trở nên khả thi sau khi tất cả mọi mối đe dọa nhằm vào Triều Tiên được gỡ bỏ hoàn toàn.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời qua một quan chức phụ trách quan hệ với Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh lập trường rõ ràng và kiên định của nước này rằng “việc thảo luận về phi hạt nhân hóa chỉ có thể được thực hiện khi mà các mối đe dọa và các yếu tố gây nguy hại cho hệ thống an ninh cũng như cản trở sự phát triển của Triều Tiên được loại bỏ… Việc liệu các vòng đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên có thể mang lại cơ hội thay đổi hay mở ra triển vọng chấm dứt khủng hoảng phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ”.
Bên cạnh đó, quan chức này cũng hy vọng rằng các vòng đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên dự kiến được nối lại trong vài tuần tới sẽ là một “cuộc gặp gỡ tốt đẹp”, song điều này lại phụ thuộc vào những đề xuất từ phía Mỹ. “Các vòng đàm phán có thể sẽ giúp cải thiện các mối quan hệ, song ngược lại, cũng có nguy cơ làm gia tăng sự thù địch từ các bên” – quan chức trên cảnh báo.
Ngay lập tức, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoan nghênh Triều Tiên ra tuyên bố để ngỏ khả năng nối lại các vòng đàm phán song phương trong thời gian tới. Về phía Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, cơ quan này chưa có thông tin về lịch trình, song Mỹ sẵn sàng đối thoại sau khi hai bên ấn định được thời gian và địa điểm cụ thể.
Ngày 20-9, các phái viên hàng đầu của Mỹ và Hàn Quốc đã gặp nhau tại thủ đô Washington để thảo luận về lập trường hai bên trước khi đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều Tiên có khả năng được nối lại trong thời gian tới.
Châu Âu tiếp nhận số lượng người di cư lớn nhất
Ảnh minh họa. (Nguồn: UN) |
Theo ước tính của Liên hợp quốc, năm 2019, ở cấp độ khu vực, châu Âu tiếp nhận số lượng người di cư quốc tế lớn nhất (82 triệu người), tiếp theo là Bắc Mỹ (59 triệu người), Bắc Phi và Tây Á (49 triệu người).
Theo ước tính mới vừa được Liên hợp quốc tuyên bố ngày 17/9, số người di cư quốc tế trên thế giới lên tới 272 triệu người vào năm 2019, tăng 51 triệu người so với năm 2010. Hiện tại, người di cư quốc tế chiếm 3,5% dân số thế giới so với 2,8% vào năm 2010.
Các ước tính được Phòng Dân số của Cơ quan các vấn đề kinh tế và xã hội Liên hợp quốc (DESA) đưa ra dựa trên số liệu thống kê quốc gia chính thức về dân số sinh ra ở nước ngoài hoặc dân số nước ngoài, xuất phát từ các cuộc tổng điều tra dân số, đăng ký dân số hoặc khảo sát đại diện ở cấp quốc gia.
Ở cấp quốc gia, khoảng một nửa số người di cư quốc tế cư trú tại chỉ 10 quốc gia, trong đó Mỹ tiếp nhận số lượng người di cư quốc tế lớn nhất (51 triệu người), tương đương khoảng 19% tổng số người di cư toàn cầu. Đức và Ả Rập Saudi có số lượng người nhập cư lớn thứ hai và thứ ba (13 triệu người mỗi quốc gia), tiếp theo là Nga (12 triệu người), Vương quốc Anh (10 triệu người) và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (9 triệu người), Pháp, Canada và Australia (khoảng 8 triệu người mỗi nước) và Italy (6 triệu người).
Ông Liu Zhenmin, Giám đốc DESA, cho biết: "Những dữ liệu này rất cần thiết để hiểu vai trò quan trọng của người di cư và di cư trong sự phát triển của các quốc gia nguồn gốc và điểm đến. Tạo thuận lợi cho việc di cư và di cư có trật tự, an toàn, thường xuyên và có trách nhiệm sẽ góp phần rất lớn vào việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững".
FED cắt giảm lãi suất lần thứ hai năm 2019
Chủ tịch FED Jeremy Powel. (Ảnh: AFP/Getty Images) |
Vào lúc 1h sáng ngày 19/9 (theo giờ Hà Nội), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức thông báo cắt giảm lãi suất cơ bản lần thứ 2 tại cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC).
Đúng theo dự đoán được các chuyên gia kinh tế đưa ra, FOMC đã bỏ phiếu thông qua quyết định cắt giảm lãi suất 0,25% điểm cơ bản từ biên độ 2 - 2,25% xuống biên độ 1,75 - 2%.
Cuộc họp chính sách lần này của FED diễn ra đúng vào thời điểm quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái khi thương chiến Mỹ - Trung đang ngày càng leo thang, sản xuất suy yếu và kinh tế toàn cầu giảm tốc.
“Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng leo thang khiến FED đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất nhằm giảm bớt tác động của vòng thuế quan mới”, ông Cailin Birch, chuyên gia kinh tế của The Economist Intelligence Unit (Mỹ) nhận xét.
Lý giải về quyết định hạ lãi suất lần này của FED, Chủ tịch Jeremy Powel cho biết động thái này là nhằm bảo đảm nền kinh tế Mỹ ứng phó tốt với những rủi ro hiện nay. FED hy vọng nền kinh tế sẽ duy trì ổn định và lạm phát sẽ duy trì quanh mức mục tiêu 2%. FED dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2019 trong khoảng 2,2%, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 3,7%.
Thế giới tuần hành chống biến đổi khí hậu
Giới trẻ tuần hành tại Indonesia với biểu ngữ "Indonesia sẽ chìm nếu chúng ta im lặng". (Ảnh: Jakarta Post) |
Ngày 20/9, giới trẻ từ 139 quốc gia đã tham gia tuần hành chống biến đổi khí hậu toàn cầu, hưỏng ứng phong trào "Thứ Sáu vì Tương lai" mà nữ sinh người Thụy Điển Greta Thunberg khởi xướng từ tháng 8/2018.
Khoảng 5.000 cuộc tuần hành diễn ra tại nhiều quốc gia như Australia, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, Châu Âu và Châu Phi với sự tham gia của hàng trăm nghìn người do giới trẻ dẫn đầu.
Những người tham gia tuần hành, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên, cùng hô vang các khẩu hiệu và giơ cao biểu ngữ mang những dòng chữ "Không có hành tinh B" và "Hãy làm Trái Đất vĩ đại trở lại."
Cao điểm của sự kiện toàn cầu này là cuộc tuần hành dự kiến sẽ diễn ra tại New York, Hoa Kỳ nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về hành động chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) vào ngày 23/9 tới đây tại New York, Mỹ. Người dẫn đầu cuộc tuần hành là Greta Thunberg, 16 tuổi, nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi của Thuỵ Điển, người được đề cử giải Nobel hoà bình vì những hoạt động đấu tranh bảo vệ môi trường.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào hành động tập thể nói trên. Theo tờ The South China Morning Post, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết chi ít nhất 100 tỷ USD để giải quyết vấn đề khí khải trong các lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, thúc đẩy sử dụng các phương tiện chạy bằng điện. Trong khi đó, cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố: “Chúng ta cần dũng cảm để bước một bước dài và tạo ra những thay đổi mà hành tinh này đang cần”.
Xả súng kinh hoàng gần Nhà Trắng (Mỹ) khiến nhiều người thương vong
Hiện trường vụ xả súng (Ảnh: Reuters) |
Cảnh sát Mỹ cho biết một người đàn ông đã thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong vụ xả súng đêm 19/9 tại phía Bắc thủ đô Washington. Theo cảnh sát, 5 nạn nhân khác bị thương từ nhẹ đến nặng đang được điều trị tại các bệnh viện khu vực.
Vụ xả súng xảy ra vào lúc 10 giờ đêm (giờ địa phương) tại khu phố Columbia Heights cách Nhà Trắng 3km. Hiện vẫn chưa bắt được bất cứ đối tượng tình nghi nào.
Bạo lực súng đạn và các vụ xả súng đẫm máu đang là vấn nạn gây nhức nhối xã hội Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Mỹ hiện đang đứng đầu về tình trạng bạo lực sử dụng súng đạn khiến nền kinh tế thiệt hại 229 tỷ USD hàng năm, tương đương 1,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Theo tổ chức Lưu trữ thông tin về Bạo lực Súng đạn (GVA), đã có 301 vụ xả súng hàng loạt, 40.331 vụ bạo lực có sử dụng súng đạn khiến 10.681 người thiệt mạng tại Mỹ kể từ đầu năm 2019 tới nay.
Các nhà lập pháp Mỹ đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng này, song bất đồng và lợi ích chính trị đã khiến công cuộc tìm kiếm giải pháp rơi vào bế tắc./.
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam