Quốc tế

2 nhân vật then chốt ảnh hưởng thành bại của Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2

15:23, 22/02/2019 (GMT+7)

Mỹ và Triều Tiên đều lựa chọn những nhà đàm phán dày dặn kinh nghiệm, đóng vai trò then chốt trong quá trình chuẩn bị cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2.

Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và người đồng cấp Kim Hyok-chol đã có cuộc gặp tại Hà Nội ngày 21/2 để “chốt” chương trình đàm phán cho cuộc gặp Thượng đỉnh sắp tới. Tờ nhật báo Hankyoreh của Hàn Quốc nhận định, đây là hai tên tuổi quan trọng sẽ quyết định đáng kể sự thành bại của cuộc gặp Thượng đỉnh Trump-Kim bởi họ đều dẫn đầu các cuộc đàm phán chuẩn bị cho hội nghị Thượng đỉnh lần này. Câu hỏi được dư luận quan tâm là ông Stephen Biegun and Kim Hyok-chol đã nổi lên thành những nhân vật chủ chốt và đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của dư luận như thế nào?

Tiết lộ qua các bức ảnh

hai nhan vat then chot anh huong thanh bai cua thuong dinh my-trieu 2 hinh 1
Tổng thống Trump họp với đội ngũ phụ trách vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Twitter.

 Vào ngày 24/12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trumđăng tải một bức ảnh trên trang Twitter với thông điệp ngắn gọn: “Cuộc họp với đội ngũ phụ trách vấn đề Triều Tiên của tôi trong dịp Giáng sinh”. Trong bức ảnh này, ông Biegun đứng cạnh Tổng thống tại phòng Bầu Dục. Đáng chú ý là Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomeo, lãnh đạo cấp cao của ông Biegun thì lại vắng mặt. Như vậy, Tổng thống Trump đã gửi thông điệp rõ ràng tới lãnh đạo Triều Tiên rằng, ông Biegun được trao quyền để báo cáo trực tiếp các vấn đề liên quan đến Triều Tiên mà không cần thông qua Ngoại trưởng Pompeo.

 

hai nhan vat then chot anh huong thanh bai cua thuong dinh my-trieu 2 hinh 2
Ông Trump gặp phái đoàn Triều Tiên. Ảnh: Hankyoreh.

 Tiếp đến ngày 18/1/2019, Tổng thống Trump ngồi một phía trong phòng Bầu Dục, đối diện ông là Ngoại trưởng Pompeo, đặc phái viên Biegun cùng phái đoàn của Triều Tiên phụ trách chuẩn bị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Bức ảnh do Nhà Trắng chia sẻ xuất hiện nhân vật ít được biết đến là đặc phái viên Kim Hyok-chol. Phó Chủ tịch Đảng lao động Triều Tiên Kim Yong-chol khi đó đã giới thiệu ông Kim Hyok-chol là đối tác mới của ông Biegun trong các cuộc đàm phán. Cả ông Kim Hyok-chol và ông Biegun sau đó đã cùng chăm chú lắng nghe Tổng thống Trump nói về cam kết và tầm nhìn trong vấn đề Triều Tiên.

hai nhan vat then chot anh huong thanh bai cua thuong dinh my-trieu 2 hinh 3
Ông Kim Jong-un gặp các quan chức phụ trách đàm phán với Mỹ. Ảnh: KCNA.

Trong bức ảnh thứ 3, tại trụ sở Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có cuộc gặp phái đoàn Triều Tiên vừa trở về sau chuyến thăm Mỹ, trong đó có ông Kim Hyok-chol và Kim Yong-chol. Ông Kim Jong-un đã nghe báo cáo về kết quả chuyến thăm Mỹ và ban hành hướng dẫn đối với các quan chức cấp dưới. Hãng thông tấn KCNA cho biết, bức ảnh đặc biệt này có thể là thông điệp rõ ràng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về việc  ông Kim Hyok-chol sẽ trở thành nhân vật có thể báo cáo trực tiếp với ông về các cuộc đàm phán với Mỹ.

Qua các bức ảnh trên có thể kết luận rằng, ông Kim Hyok-chol và ông Biegun là lựa chọn tối ưu, thể hiện thiện chí xúc tiến mối quan hệ song phương giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên và cũng vì mục đích thành công của Thượng đỉnh lần 2. Cả hai đều đại diện cho một kênh liên lạc mới nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tờ Hankyoreh dẫn một nguồn thạo tin cho biết: “Việc lựa chọn hai nhân vật này là phương thức mới do các lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên áp dụng để giảm thiểu những mặt tiêu cực của “cách tiếp cận theo hướng từ trên xuống”, vốn đã hứng chịu khá nhiều chỉ trích tại Thượng đỉnh đầu tiên. Động thái này cũng nhằm giải quyết cùng lúc hai vấn đề, đó là xóa bỏ các yếu tố gây tổn hại đến niềm tin của hai bên tại kênh đối thoại cấp cao giữa ông Kim Yong-chol và ông Pompeo, cũng như sự thiếu thẩm quyền đối với kênh đối thoại cấp chuyên viên.

Nằm trong chiến lược của ông Trump và ông Kim

Ông Kim Hyok-chol đảm nhận vai trò đặc phái viên Triều Tiên phụ trách đàm phán với Mỹ hồi đầu tháng 2/2019. Trước đó ông là Đại sứ Triều Tiên tại Tây Ban Nha, Ethiopia, Sudan và một số quốc gia khác. Ông cũng là nhân vật có tiếng nói quan trọng trong các cuộc đàm phán 6 bên, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên trong những năm 2000.

Một nguồn tin ngoại giao Triều Tiên cho biết: “Ông Kim Hyok-chol hiểu rõ về vấn đề hạt nhân, dày dặn kinh nghiệm và làm việc rất tích cực. Ông sử dụng thành thạo tiếng Anh, cũng như hiểu rõ các thuật ngữ liên quan đến vấn đề hạt nhân, hiểu biết nhiều loại vũ khí trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)”. Các nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho biết Kim Hyok-chol hiện là thành viên Ủy ban các Vấn đề Nhà nước Triều Tiên và lâu nay vẫn được coi là một nhà ngoại giao lão luyện.

Về phía Mỹ, ông Biegun được Tổng thống Trump bổ nhiệm làm đặc phái viên đàm phán với Triều Tiên từ tháng 8/2018. Trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2003, ông làm việc tại Nhà Trắng với tư cách là Thư ký điều hành của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Ông cũng là thành viên cấp cao của nhóm cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice. Biegun được nhận xét là một nhà đàm phán giàu kinh nghiệm chính trị khi có 14 năm làm cố vấn chính sách đối ngoại cho cả hạ viện và thượng viện Mỹ.

Tờ Bưu Điện Washington cho biết, thách thức đối với ông Biegun trong cuộc đàm phán với người đồng cấp Triều Tiên là làm sao để đạt được một thỏa thuận chi tiết nhằm đáp ứng được mong muốn của Tổng thống Trump, trong khi xoa dịu được những nhân vật cứng rắn của chính quyền, trong đó có Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton vốn thiếu niềm tin đối với Triều Tiên. Theo tờ báo này, trước cuộc gặp đặc phái viên Kim Hyok-chol, Biegun đã tìm kiếm lời khuyên từ các nhà đàm phán trước đây của chính phủ Mỹ để hiểu về những thách thức và khó khăn nảy sinh trên bàn đàm phán.

Cả ông Kim Hyok-chol và ông Biegun đều có 3 điểm chung. Thứ nhất, đây là những nhân vật chưa từng đảm nhận vai trò cấp cao trong cuộc đàm phán song phương Mỹ-Triều. Việc lựa chọn các nhân vật này cho thấy cam kết của hai nhà lãnh đạo muốn phá vỡ thế đối đầu kéo dài nhiều thập kỷ qua. Tiếp đến, hai nhân vật này là những đầu mối quan trọng kết nối trực tiếp với Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Cuối cùng, cả 2 đặc phái viên đều đã tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo của phía bên kia, nắm bắt được quan điểm và tầm nhìn của các bên. Họ cũng bày tỏ quan điểm cá nhân ủng hộ mối quan hệ song phương nên sẽ dễ gạt bỏ bất đồng và gây dựng niềm tin tốt hơn trong quá trình đàm phán. Ông Kim Hyok-chol đã gặp Tổng thống Trump vào ngày 18/2, trong khi ông Biegun cũng có mặt trong cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomeo vào ngày 7/10/2018./

 

Nguồn: vov.vn

Các tin khác