Quốc tế
Nỗ lực của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ tư
Giới quan sát nhận định, chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 4 của ông Kim Jong-un mới đây thể hiện nỗ lực trong việc phối hợp với đồng minh lớn duy nhất của mình trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 có khả năng diễn ra trong thời gian sắp tới.
Tân Hoa Xã sáng 8-1 đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 4 ngày, từ 7 đến 11-1.
Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), đoàn tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn có sự xuất hiện của phu nhân Ri Sol-ju và nhiều quan chức hàng đầu Triều Tiên khác.
Mục đích chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho là để thăm dò thái độ cũng như mức độ ủng hộ, đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía Trung Quốc trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế do các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc (LHQ) và sức ép từ phía Washington.
Mặt khác, chuyến đi cũng nhằm củng cố vị thế đàm phán của Bình Nhưỡng trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã chứng kiến những dấu hiệu cải thiện sau nhiều năm kể từ khi Bình Nhưỡng đẩy mạnh các hành động được cho là “khiêu khích” như thực hiện một loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh hồi tháng 3-2018. Ảnh: Reuters. |
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có tổng cộng 3 chuyến thăm Trung Quốc lần lượt vào tháng 3, tháng 5 và tháng 6 trong năm 2018. Dịp này cũng là cơ hội để Triều Tiên và Trung Quốc “có những bước tiến mới” nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương nhân dịp kỉ niệm 70 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bên cạnh đó, chuyến thăm lần này của ông Kim diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông đưa ra lời cảnh báo về việc Triều Tiên có thể chuyển sang “con đường mới” nếu Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các lệnh cấm vận và gây sức ép.
Tới thời điểm hiện tại, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ lại đang có những dấu hiệu xấu đi, đặc biệt là những căng thẳng bùng phát xung quanh cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Ông Kim muốn nhắc nhở chính quyền Tổng thống Trump rằng ông có các lựa chọn ngoại giao và kinh tế bên cạnh những gì Washington và Seoul có thể cung cấp”, Harry J. Kazianis, một chuyên gia nghiên cứu tại Washington nhận định, “Trong thực tế, “con đường mới” mà ông Kim Jong-un đề cập tới trong bài diễn văn vào ngày đầu năm mới vừa qua có thể là lời đe dọa ngầm về ý định tiến lại gần hơn với Bắc Kinh. Điều đó đáng để Mỹ lo ngại”.
Hơn nữa, trước hội nghị thượng đỉnh lần 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc đánh giá quan điểm của Bắc Kinh sẽ rất quan trọng với Bình Nhưỡng.
Theo các nhà phân tích, bất kỳ đánh giá nào về thái độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ giúp cho ông Kim hiểu được ông có thể đẩy lùi chiến dịch gây sức ép của Washington đến mức nào nếu Mỹ từ chối thỏa hiệp với các lệnh trừng phạt.
CNN ngày 8-1 dẫn nguồn tin thân cận cho biết, Hà Nội, Hawaii và Bangkok là ba địa điểm đã được các đội tiền trạm của Nhà Trắng “ghé thăm” để tìm kiếm một nơi thuận lợi nhất cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều sắp tới.
“Hiện tại vẫn chưa có bất kỳ cuộc họp nào giữa các quan chức hai nước tại các địa điểm này”, CNN tiết lộ.
Tuy vậy, phía Mỹ cho biết có thể sẽ có thêm các lựa chọn khác cho tới khi đưa ra quyết định chính thức.
Bên cạnh đó, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm 8-1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ quan điểm rằng, bất chấp những xung đột ngày càng tăng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, những nỗ lực của Bắc Kinh trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là không thể phủ nhận và phía Mỹ đánh giá cao điều đó.
“Hai vấn đề này là hoàn toàn riêng biệt, Trung Quốc thực sự là một đối tác tốt trong những nỗ lực của chúng tôi nhằm giảm thiểu rủi ro cho thế giới từ chương trình hạt nhân Triều Tiên. Tôi hi vọng họ sẽ tiếp tục làm như vậy”, ông Mike Phompeo nói.
Vì thế, ông Tong Zhao, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh nhận định rằng đây là "chiến lược để ông Kim Jong-un tận dụng sự cân bằng chiến lược giữa hai cường quốc Mỹ – Trung”.
"Điều này sẽ giúp tạo ra cho ông Kim cơ hội tốt nhất để đồng thời đạt được hai mục tiêu là phát triển vũ khí hạt nhân và phát triển kinh tế ", ông Tong Zhao nói.
Nguồn: Hồ Thiên/Báo CAND