Quốc tế
Thách thức trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine 2019
Cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine sẽ diễn ra vào đầu năm 2019, tuy có nhiều cuộc thăm dò đã được tiến hành, nhưng đến nay nhiều chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định về một chiến thắng sẽ nghiêng về bất kỳ một ứng viên cụ thể nào, trong đó có đương kim Tổng thống Petro Poroshenko.
Theo luật của Ukraine, cuộc bầu cử Tổng thống nước này phải diễn ra vào Chủ nhật cuối cùng của tháng Ba trong năm nhiệm kỳ thứ năm của Tổng thống đương nhiệm, đồng thời, Quốc hội phải đưa ra quyết định cuối cùng về ngày tiến hành cuộc bầu cử chậm nhất là 100 ngày trước ngày trọng đại đó. Quốc hội Ukraine ngày 26-11 đã chọn ngày 31-3-2019 là ngày bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo.
Ngày 27-12, Ủy ban Bầu cử Trung ương Ukraine (CEC) cho biết, chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine 2019 sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 31-12, Kyiv Post thông tin.
Cũng theo CEC, các ứng cử viên chạy đua cho chiếc ghế Tổng thống sẽ phải công bố mục đích tranh cử vào ngày 3-2-2019. Mỗi ứng cử viên sẽ phải trả một khoản đặt cọc khoảng hơn 91.000 USD, để đăng ký tham gia tranh cử. Kết quả của cuộc bỏ phiếu sẽ được công bố ngày 10-4-2019.
Đương kim Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đối mặt với nhiều khó khăn trước thềm cuộc bầu cử 2019. Ảnh: Reuters |
Trong trường hợp không có ứng viên nào giành được đa số phiếu, hai ứng viên với số phiếu cao nhất sẽ tiến đến vòng hai của cuộc bầu cử, dự kiến được tiến hành vào ngày 20-4. Trong năm đời Tổng thống gần đây của Ukraine, chỉ có duy nhất hai người giành được chiến thắng tuyệt đối ngay từ vòng một, đó là ông Leonid Kravchuk (1991) và ông Petro Poroshenko (2014).
Tuy vậy, lần này có vẻ như đương kim Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang đối mặt với rất nhiều thử thách ngay trước thềm cuộc bầu cử. Ngày 25-11, căng thẳng Moscow-Kiev được thêm dầu vào lửa sau sự kiện trên biển Azov khi Nga bắt giữ ba tàu Hải quân Ukraine và thủy thủ với cáo buộc vượt qua biên giới Nga và có một vài hành động phi pháp trên lãnh hải Nga.
Chỉ một ngày sau, Quốc hội Ukraine thông qua lệnh thiết quân luật kéo dài 30 ngày của Tổng thống Poroshenko tại các vùng Vinnitsa, Lugansk, Nikolayev, Odessa, Sumy, Kharkov, Chernigov, Donetsk, Zaporozhye và Kherson, cũng như vùng Biển Azov. Đúng một tháng sau, ngày 26-12, Tổng thống Poroshenko đã tuyên bố chấm dứt tình trạng thiết quân luật trong cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia tại Kiev.
Sau sự kiện này, nhiều ý kiến cho rằng ông Poroshenko đang “chơi chiêu” trước thềm cuộc bầu cử và điều này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của ông. “Lệnh thiết quân luật, tuyên bố cách đây tròn một tháng áp dụng cho một số khu vực tại Ukraine đến ngày 26-12, thực ra chỉ là một chiêu PR”, Ruslan Bortnik, người đứng đầu Viện Phân tích và Quản lý Chính trị Ukraine nhận định với hãng thông tấn Nga TASS.
“Trong suốt một tháng qua, chúng ta chỉ là chứng kiến sự mô phỏng tình trạng thiết quân luật tại Ukraine. Mặc dù đó là một cú sốc cho nền kinh tế Ukraine, song việc ban hành sắc lệnh không làm cho Lực lượng Vũ trang nước này mạnh hơn.
Bên cạnh đó, nó còn làm sâu sắc thêm khủng hoảng niềm tin giữa tổng thống và các đảng phái trong quốc hội”, chuyên gia này giải thích. Trong khi đó, chuyên gia Nga Alexey Martynov nhận định Tổng thống Petro Poroshenko đã thử nghiệm thiết quân luật ở một số khu vực trong nước để có thể áp dụng trên toàn quốc, nhằm hủy bỏ cuộc bầu cử Tổng thống. Một số ý kiến khác cho rằng, ông Poroshenko đã “khai thác” cuộc đụng độ ở eo biển Kerch để khơi dậy lòng nhiệt thành dân tộc và thu hút sự ủng hộ hơn nữa của cử tri nếu thiết quân luật chấm dứt và cuộc bầu cử vẫn diễn ra như dự kiến.
Có thể thấy, bước đi này của ông Poroshenko đã không đem lại kết quả như mong đợi. Minh chứng là tỷ lệ ủng hộ ông không còn cao so với các ứng viên tranh cử Tổng thống khác, theo như một số cuộc thăm dò gần đây.
Nổi bật nhất trong dàn đối thủ của ông Poroshenko phải kể đến sự trở lại của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko. Từ giữa tháng 6-2018, bà Tymoshenko, đã xuất hiện trong một video khẳng định: “Tôi sẽ tranh cử Tổng thống vào năm 2019” và tự tin giành được chiến thắng.
Theo Trung tâm Nghiên cứu phương Đông (OSW) có trụ sở tại Warszawa (Ba Lan), có cuộc chạy đua sát sao giữa nhiều ứng viên tiềm năng như cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Tyahnybok hay Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko.
Trong các cuộc thăm dò dư luận do Quỹ Sáng kiến Dân chủ Ilko Kucheriv và viện nghiên cứu Razumkov có trụ sở tại Kiev thực hiện hồi tháng 5, bà Tymoshenko vẫn dẫn đầu với 16,1% số người khảo sát ủng hộ, tiếp sau là cựu ông Anatoliy Hrytsenko 12,7% trong khi ông Poroshenko đạt 12,2%. Các ứng viên còn lại không ai vượt qua 10%.
Theo nhiều chuyên gia, với tỷ lệ ủng hộ như hiện nay, chưa thể khẳng định bà Tymoshenko sẽ dễ dàng giành chiến thắng tuyệt đối từ vòng một, nhưng một cuộc đối đầu với ứng viên khác tại vòng hai của cuộc bầu cử là hoàn toàn có thể rộng mở với bà. Bà Yulia Tymoshenko từng giữ chức vụ Thủ tướng Ukraine từ ngày 24-1 đến 8-9-2005, và trong lần thứ hai từ ngày 18-12-2007 đến ngày 4-3-2010.
Có thể thấy, người dân Ukraine đã thuyên giảm phần nào niềm tin vào đương kim Tổng thống, bởi ông không những không thể hiện thực hoá “Giấc mơ châu Âu” như đã cam kết, mà còn ngày càng làm cho điều đó trở nên xa vời. Bên cạnh đó, mâu thuẫn nội bộ và tình trạng tham nhũng đã khiến chính quyền Kiev không thể củng cố niềm tin với cộng đồng quốc tế, trong khi đây là yếu tố quan trọng khiến cử tri Ukraine chần chừ khi bỏ phiếu cho ông.
Tuy vậy, theo OSW, với việc hơn 20% cử tri chưa biết nên bầu cho ai và 10% khác chưa tiết lộ ứng viên sẽ giành được lá phiếu của mình, tình hình cuộc đua Tổng thống Ukraine được cho là vẫn còn nhiều bất ngờ ở phía trước. Đến thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia vẫn nhận định rằng thật khó để có thể khẳng định rằng chính trị gia nào sẽ giành chiến thắng tuyệt đối từ vòng một hay hai ứng viên nào sẽ tiếp tục đối mặt ở vòng hai.
Nguồn: Duy Tiến/Báo CAND