Quốc tế
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung phủ bóng Hội nghị Thượng đỉnh G20
Hôm nay, 30-11, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) chính thức khai mạc tại Thủ đô Buenos Aires của Argentina. Rất nhiều vấn đề “nóng” sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này, nổi bật nhất chính là căng thẳng thương mại đang ngày một leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên lề hội nghị cũng sẽ diễn ra một số cuộc gặp song phương quan trọng.
Khó có thể giải quyết được tất cả các bất đồng
Giới chuyên gia nhận định rằng, tại Hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó có thể giải quyết được tất cả các bất đồng trong bối cảnh căng thẳng giữa hai cường quốc thế giới này đang đe dọa làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, theo Giáo sư Jenik Radon thuộc trường Quan hệ quốc tế, Đại học Columbia ở thành phố New York (Mỹ), hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ thể hiện thái độ điềm đạm và hòa giải hơn, cho dù không thể giải quyết mọi bất đồng giữa hai nước hiện nay, ví dụ như vấn đề an ninh trên Biển Đông, bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ, thuế quan...
Đây là những vấn đề chắc chắn sẽ được nêu ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, song những vấn đề này cần có thời gian để giải quyết chứ không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”.
Giáo sư Jenik Radon cho rằng, đặc biệt liên quan tới vấn đề thuế quan, giới chức hai nước cần phải tiến hành đàm phán để đạt được một thỏa thuận phù hợp nếu không hai bên đều sẽ bị thiệt hại bởi Mỹ là nước phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, còn Trung Quốc phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Các nhà lãnh đạo thế giới ngày 28-11 đã bắt đầu đến Argentina để chuẩn bị tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20. (Ảnh: Reuters) |
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sắp tới bên lề Hội nghị G20 được kì vọng sẽ tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại hiện nay. Tuy nhiên, việc Mỹ quyết tâm buộc Trung Quốc phải “hành động thay đổi” như tuyên bố của Phó Tổng thống Mike Pence tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 ở Papua New Guinea mới đây, trong khi Trung Quốc tiếp tục bảo vệ chính sách thương mại của mình, khiến giới phân tích lo ngại nguy cơ Hội nghị lần này có thể cũng sẽ lần đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung, tương tự Hội nghị cấp cao APEC hồi trung tuần tháng 11 này.
Theo các nhà phân tích Ben White và Aubree Eliza Weaver của tờ Politico, có thể có ba kịch bản sau đây từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung ở Buenos Aires.
Thứ nhất là thỏa thuận lớn với chỉ có khoảng 5% cơ hội. Theo kịch bản này, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ cam kết với Tổng thống Donald Trump những nhượng bộ quan trọng trên những hồ sơ chủ chốt như quy định về liên doanh, sở hữu trí tuệ và thâm hụt thương mại. Đáp lại, người đứng đầu Nhà Trắng đồng ý tạm hoãn tăng mức thuế 10% hiện nay lên 25% kể từ đầu năm tới và ngưng quá trình đánh thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Những người cả bên trong lẫn bên ngoài Nhà Trắng đều cho rằng đây là điều rất khó có khả năng xảy ra do thiếu chuẩn bị trầm trọng trước cuộc gặp. Nếu như điều đó xảy ra, thị trường toàn cầu nhiều khả năng sẽ vui mừng khi mở cửa trở lại vào đầu tuần sau và ông Donald Trump sẽ có một thắng lợi lớn.
Thứ hai là chỉ có tiến triển khiêm tốn và đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất với cơ hội 65% và sẽ bao gồm sự tương tác tích cực giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình và có lẽ sẽ có một thông cáo mà trong đó hai bên đồng ý sẽ tiếp tục đàm phán.
Kịch bản này có thể dao động ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào việc Trung Quốc cam kết những gì. Nếu cam kết của Trung Quốc nhiều hơn dự kiến, đợt tăng thuế quan vào tháng Giêng có thể bị hoãn lại. Thứ ba là thảm họa. Những cố vấn mềm dẻo ở Nhà Trắng đang lo ngại về kịch bản này nhất và cơ hội nó xảy ra là 30%.
Theo kịch bản này, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc sẽ không ai chịu ai. Phía Bắc Kinh chẳng đưa ra cam kết gì. Tổng thống Mỹ giận dữ ra về và thề sẽ xúc tiến tăng thuế quan lên 25% và có hành động nhanh nhất có thể để áp thuế vào 267 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc, tức là tất cả những gì Trung Quốc xuất sang Mỹ đều sẽ bị đánh thuế. Sau đó là những đòn trả đũa phi thuế quan của Bắc Kinh. Kịch bản này sẽ khiến các thị trường chứng khoán và hàng hóa trọng yếu toàn cầu suy giảm mạnh và làm tăng nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Và những cuộc gặp song phương
Trong khuôn khổ hội nghị, sẽ diễn ra nhiều cuộc gặp song phương bên lề giữa các nhà lãnh đạo. Theo kế hoạch, Tổng thống Donald Trump sẽ có cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nga Vladimir Putin mặc dù trước đó người đứng đầu Nhà Trắng đã dọa sẽ hủy cuộc gặp này.
Cố vấn Chính sách đối ngoại của Điện Kremlin Yuri Ushakov nhấn mạnh cả Nga và Mỹ đều cần cuộc gặp này, bởi nó có vai trò quan trọng đối với diễn biến của tình hình chung trên thế giới.
Bên cạnh đó, ông Ushakov cũng xác nhận Tổng thống Vladimir Putin cũng sẽ thảo luận song phương với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman về vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại vào tháng trước.
Ngoài Tổng thống Nga, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan và Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng sẽ gặp gỡ Thái tử Saudi Arabia. Nhà Trắng hiện cũng không loại trừ khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Thái tử Saudi Arabia bên lề hội nghị.
Nguồn: Khổng Hà/Báo CAND