Chỉ một ngày sau tuyên bố sẵn sàng cho cuộc chiến thương mại leo thang, Chính phủ Trung Quốc thông báo kế hoạch áp thuế lên tới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD, đồng thời cảnh báo nước này có thể đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn nữa.
Ngay lập tức, Washington lên tiếng cảnh báo Bắc Kinh về năng lực trả đũa của Mỹ. Với những động thái của hai bên trong thời gian qua, các nhà phân tích nhận định, trong tình hình hiện nay, sẽ khó có một thỏa hiệp có thể làm hài lòng cả Mỹ và Trung Quốc.
Hôm 3-8, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo nước này sẽ áp thuế bổ sung từ 5-25% đối với 5.207 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, thời điểm áp dụng các mức thuế này sẽ phụ thuộc vào hành động từ phía Washington và Trung Quốc có quyền tiếp tục đưa ra các biện pháp đối phó khác, đồng thời cảnh báo bất kỳ mối đe dọa đơn phương hoặc hành động làm leo thang căng thẳng sẽ chỉ dẫn đến sự gia tăng xung đột và gây thiệt hại cho các bên.
Các mặt hàng bị áp thuế bổ sung gồm nhiều sản phẩm nông nghiệp và năng lượng. Trước đó một ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh hoàn toàn chuẩn bị sẵn sàng trước những đe dọa từ Mỹ về việc leo thang cuộc chiến thương mại giữa hai nước và sẽ đáp trả nhằm bảo vệ vị thế quốc gia cũng như các lợi ích của nhân dân nước này; bảo vệ nền thương mại tự do và hệ thống (quốc tế) đa phương, đồng thời bảo vệ các lợi ích chung của tất cả quốc gia.
Tuyên bố khẳng định Trung Quốc luôn ủng hộ giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, song việc đối xử công bằng và giữ vững cam kết là những điều kiện tiên quyết để đối thoại; đồng thời nêu rõ “chiến thuật cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ sẽ không đạt được kết quả.
Một nhà máy sản xuất thép của Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Cùng ngày, Trung Quốc kêu gọi Mỹ trở lại với lẽ phải trong thương mại. Phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định, mọi sức ép từ phía Mỹ sẽ không có tác dụng đối với Trung Quốc, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Không lâu sau, thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc, Cố vấn kinh tế cấp cao của Nhà Trắng Larry Kudlow cảnh báo Trung Quốc về năng lực trả đũa của Mỹ, nêu rõ rằng Bắc Kinh “không nên xem nhẹ quyết tâm của Tổng thống Donald Trump” trong vấn đề thương mại.
Bên cạnh đó, quan chức này cũng cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành một số trao đổi “ở cấp độ cao nhất” về vấn đề thương mại trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, ông không nêu rõ tham gia vào các cuộc trao đổi này có những ai và nội dung được thảo luận là gì.
Liên quan tới vấn đề này, Người phát ngôn Nhà Trắng Lindsay Walters xác nhận: “Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận cấp cao vào nhiều dịp trong vòng vài tháng qua và chúng tôi tiếp tục để ngỏ khả năng có những cuộc thảo luận thêm với Trung Quốc”.
Người phát ngôn không nói rõ rằng ông Kudlow muốn ám chỉ tới người nào liên lạc, song bà Walters nhấn mạnh rằng Tổng thống Donald Trump lần cuối thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng Năm vừa qua.
Trước đó, ngày 1-8, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, Tổng thống Donald Trump đã chỉ đạo các bộ liên quan nâng mức thuế xem xét đối với lượng hàng hóa nhập khẩu bổ sung trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc từ 10% ban đầu lên 25% do Bắc Kinh từ chối đáp ứng các yêu cầu của Washington và đưa ra các biện pháp trả đũa nhằm vào hàng hóa Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định rằng, cả người tiêu dùng Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải chịu thiệt hại nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục leo thang căng thẳng về thuế với Trung Quốc vì hiểu biết của Chính phủ Mỹ về thương mại là “sai lầm”.
Ông Robert Salomon, Phó Giáo sư Quản trị quốc tế tại Đại học New York, nhấn mạnh chính sách thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump dựa trên hiểu biết sai lầm về thương mại, nói riêng là thâm hụt thương mại. Điều này dường như đã được chứng minh phần nào trong báo cáo công bố hôm 3-8 của Bộ Thương mại Mỹ.
Theo báo cáo trên, trong tháng 6-2018, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng 7,3%, tương ứng 3,2 tỷ USD, lên 46,3 tỷ USD. Đây cũng là mức thâm hụt thương mại trong tháng lớn nhất mà nền kinh tế số 1 thế giới gánh chịu kể từ tháng 11-2016, bất chấp việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp dụng chính sách tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của một số nước nhằm giảm con số này.
Báo cáo nêu rõ trong khi kim ngạch xuất khẩu Mỹ giảm 0,7% còn 213,8 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu của nước này tăng 0,6% lên 260,2 tỷ USD, tập trung ở các mặt hàng thuốc men và dầu thô.
Cụ thể, so với tháng 5-2018, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 6 với các đối tác như Trung Quốc là 33,5 tỷ USD (tăng 0,9%), với Mexico là 7,4 tỷ USD (tăng 10,5%) và với Canada là 2 tỷ USD (tăng 39,7%).
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2018, thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ là 291,2 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Rõ ràng, những con số thực tế nêu trên đã phản ánh rõ chính sách thương mại mà chính quyền Mỹ theo đuổi là không hiệu quả.
Chuyên gia Robert Salomon cũng nhận định một hiểu biết sai lầm nữa về cách thức thương mại hoạt động, theo đó các biện pháp thuế của Chính phủ Mỹ nhằm vào các hàng hóa mà người tiêu dùng Mỹ không mua trực tiếp, nhưng cuối cùng người tiêu dùng Mỹ vẫn sẽ bị ảnh hưởng vì việc giá hàng hóa ở tầng trên cùng của chuỗi cung ứng tăng sẽ tác động xuống đến sản phẩm tiêu dùng.
Ngoài ra, theo ông Salomon, một sai lầm khác là chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm cách bảo vệ các ngành dễ bị ảnh hưởng của Mỹ như các chủ trang trại và ngành thép, song việc chính phủ trợ cấp cho một số ngành nào đó là đi ngược lại cách thị trường hoạt động.