Quốc tế
Shangri–La 2018: Tầm nhìn chiến lược định hình trật tự an ninh khu vực
“Ngoại giao quốc phòng là công việc khó khăn và 3 ngày làm việc của Đối thoại Shangri-La chắc chắn sẽ chứng kiến hàng loạt cuộc gặp song phương, liên chính phủ, cũng như nhiều phát biểu quan trọng có khả năng định hình chính sách quốc phòng và an ninh trong khu vực”, ông John Chipman, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cơ quan chủ trì Đối thoại Shangri-la đã nhận định như vậy.
Tối 1-6, Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á lần thứ 17 hay còn được biết đến với tên gọi Đối thoại Quốc phòng Shangri-La 2018 đã chính thức khai mạc tại khách sạn Shangri-La (Singapore), với sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng và quan chức cấp cao của gần 50 quốc gia khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như lãnh đạo các tổ chức quốc tế.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang chứng kiến những biến đổi nhanh chóng do tác động của những tính toán chính trị đến từ các nước lớn thì Đối thoại Quốc phòng Shangri-La được kì vọng là cơ hội để các bên tham dự cùng xây dựng lòng tin chiến lược vì một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động và phát triển.
Chương trình nghị sự năm nay của Đối thoại Shangri-La 17 bao gồm 5 phiên thảo luận toàn thể, bao gồm: Vai trò chủ chốt của Mỹ và các thách thức an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; Tái định hình trật tự an ninh mới tại châu Á; Những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và Nâng cao hiệu quả hợp tác an ninh khu vực.
Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis được mong chờ tại Shangri-La 2018. Ảnh: Reuters |
Đặc biệt, sự kiện này diễn ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, dự kiến sẽ được tổ chức tại Singapore vào ngày 12-6 tới, nên điểm nóng Bán đảo Triều Tiên với chủ đề Hạ nhiệt khủng hoảng Triều Tiên được bàn thảo ngay trong phiên toàn thể thứ 2.
Ngoài ra, hơn 600 đại biểu cũng sẽ tham dự các phiên họp tập trung thảo luận về những vấn đề nổi cộm hiện nay như Chiến lược công nghệ mới và tương lai của các xung đột; Khuyến cáo phát triển quốc phòng bền vững tại châu Á – Thái Bình Dương hay Xung đột sắc tộc.
Trước thềm khai mạc hội nghị, ông John Chipman, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cơ quan chủ trì Đối thoại Shangri-la đã nhận định: “Ngoại giao quốc phòng là công việc khó khăn và 3 ngày làm việc của Đối thoại Shangri-La chắc chắn sẽ chứng kiến hàng loạt cuộc gặp song phương, liên chính phủ, cũng như nhiều phát biểu quan trọng có khả năng định hình chính sách quốc phòng và an ninh trong khu vực”.
Phát biểu nêu trên của ông John Chipman đã nhận được rất nhiều sự đồng tình từ các học giả cũng như chuyên gia quốc tế.
Theo Sputnik, các nhà phân tích chính trị thế giới dự đoán, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về vai trò chủ chốt của Washington sẽ trở thành trọng tâm của phiên toàn thể đầu tiên diễn ra vào sáng 2-6, khẳng định một lần nữa điều mà Mỹ từng tuyên bố trong Shangri-La 2017 chính là “Mỹ sẽ không rời bỏ châu Á” và mong muốn phân phối sự ảnh hưởng tích cực rộng hơn.
Minh chứng rõ nhất của vấn đề nêu trên chính là việc hôm 31-5, Mỹ đã đổi tên đơn vị chịu giám sát hoạt động quân sự của quân đội nước này tại châu Á từ Bộ chỉ huy Thái Bình Dương sang tên mới là Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Hơn nữa, từ trước tới nay, Mỹ vẫn luôn giữ quan điểm rằng liên minh sẽ tạo ra các con đường hòa bình, thúc đẩy điều kiện cho tăng trưởng kinh tế với các nước có cùng quan điểm.
Vì thế, quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ - một đầu tàu tại Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương trong thời gian tới sẽ được coi là một trong những mối quan hệ có sức ảnh hưởng rất lớn tới sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của các quốc gia.
Những dự đoán này hoàn toàn có căn cứ bởi Ấn Độ, một mặt là mảnh ghép của tứ giác 4 bên trong chiến lược của Mỹ bao gồm Mỹ - Nhật – Australia - Ấn Độ, mặt khác dù không tham dự Shangri-La 2017 nhưng năm nay Thủ tướng Narendra Modi lại đích thân dẫn đầu đoàn đại biểu New Delhi tới Shangri-La 2018.
Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La, sáng 1-6, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã hội đàm song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Tại cuộc gặp, hai Bộ trưởng đã đánh giá cao mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai bên, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác sâu rộng hơn nữa trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, cũng như tích cực giải quyết hậu quả chiến tranh. Bộ trưởng Mattis cho hay Washington đang nghiên cứu chuyển giao cho phía Việt Nam máy bay huấn luyện và một số trang thiết bị khác phù hợp với khả năng và nhu cầu của hai bên. Thêm vào đó, Bộ trưởng Mattis bày tỏ sự coi trọng việc Việt Nam tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hợp quốc, hoan nghênh tiếng nói của Việt Nam trong khu vực, trên thế giới và ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020. Dự kiến, sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ có bài phát biểu tại phiên toàn thể thứ 3 với chủ đề định hình trật tự an ninh đang biến đổi tại châu Á. |
Nguồn: Như Uyên/Báo CAND