Quốc tế

Ông Tập Cận Bình tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ 5 năm

10:31, 18/03/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Với số phiếu tán thành 100% (2970/2970 phiếu bầu hợp lệ), ông Tập Cận Bình, sinh năm 1953, được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Nhiệm kỳ thứ 2 của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ kết thúc vào năm 2023.

Sáng 17-3, tại Đại Lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa XIII đã tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ 5 nhằm biểu quyết Dự thảo quyết định về phương án cải tổ cơ quan Quốc Vụ viện, biểu quyết Dự thảo bầu cử, bổ nhiệm trong Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa XIII.

Tại phiên họp toàn thể, với số phiếu tán thành 100%, ông Tập Cận Bình, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Cùng với ông Tập Cận Bình, ông Lật Chiến Thư được bầu giữ chức Chủ tịch Nhân đại (tức Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc), ông Vương Kỳ Sơn được bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước.

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên thệ trung thành với Hiến pháp. Ảnh: Tân Hoa Xã
Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên thệ trung thành với Hiến pháp. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các lãnh đạo Trung Quốc vừa được bầu đã tuyên thệ trung thành với Hiến pháp. Đây là lần đầu tiên một Chủ tịch Trung Quốc đưa ra lời tuyên thệ trước khi đảm nhiệm vị trí công tác.

Trong tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch Tập Cận Bình “cam kết sẽ trung thành với đất nước và nhân dân, trung thực trong công việc” và “nỗ lực phấn đấu xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc Xã hội Chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa tươi đẹp”.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ to lớn trong nhiều lĩnh vực dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Tập Cận Bình. Kể từ khi trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông đã cam kết bảo vệ quyền lãnh đạo tối cao của Đảng, cũng như nâng cao đời sống, thực hiện cải cách kinh tế và trấn áp tham nhũng, vốn đang là vấn nạn gây bức xúc trong dư luận.

Ông đã sử dụng cụm từ “Giấc mơ Trung Hoa” để truyền cảm hứng cho người dân và mang tới cho họ niềm hy vọng.

Sự tăng trưởng nhanh của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã nảy sinh nhiều vấn đề lớn như: cấu trúc kinh tế không hợp lý, khoảng cách giàu nghèo, giảm công bằng xã hội và gây tổn hại tới môi trường. Để đối phó với những thách thức trên, Chủ tịch Trung Quốc đã dựa vào những cải cách sâu sắc.

Một trong những cải cách đột phá nhất của nhà lãnh đạo 65 tuổi là cải tổ quân đội bằng cách thay đổi nhân sự Quân ủy Trung ương Trung Quốc, thay đổi lãnh đạo các chiến khu và các quân binh chủng đồng thời tổ chức lại quân đội Trung Quốc theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại.

Ông phát biểu vào thời điểm đó rằng: “Cải cách được coi là một mồi lửa. Chúng ta cần áp dụng thêm nhiều biện pháp hiệu quả để phóng một cỗ máy tân tiến với tốc độ tối đa”.

Để tăng cường sự ổn định, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra ưu tiên để chấm dứt đói nghèo. Ông yêu cầu các lãnh đạo Đảng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này và đi sâu vào quần chúng để giành được sự tín nhiệm của nhân dân.

Theo ông, sự tồn vong của Đảng dựa vào sự tin tưởng của người dân và mối đe dọa lớn nhất chính là bên trong Đảng.

Để triệt tiêu nạn tham nhũng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng “Đả hổ, diệt ruồi”, trừng phạt hơn 1,3 triệu quan tham ở tất cả các cấp. Ông cũng phá vỡ một số quy tắc ngầm và đưa ra những đường lối chỉ đạo mới.

“Chúng ta phải làm những gì phải làm và trừng trị những người đáng bị trừng trị. Nếu chúng ta không dám xúc phạm tới hàng trăm ngàn quan tham, chúng ta sẽ xúc phạm tới 1,3 tỷ dân”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Bên cạnh “Đả hổ, diệt ruồi”, Bắc Kinh còn tung ra chiến dịch “Săn cáo” và “Lưới trời” để truy lùng các quan tham lẩn trốn ở trong và ngoài nước. Đến tháng 8-2017, Trung Quốc đã bắt được hơn 3.300 nghi phạm lẩn trốn tại hơn 90 nước và khu vực, trong đó 628 người là cựu quan chức.

Cũng trong sáng 17-3, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc Khóa XIII đã biểu quyết thông qua kế hoạch cải tổ Quốc vụ viện quy mô lớn nhằm củng cố bộ máy chính phủ hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.

Theo kế hoạch này, Quốc vụ viện sẽ bao gồm 26 bộ và ủy ban. Các bộ mới được thành lập theo kế hoạch gồm Bộ Tài nguyên, Bộ Các vấn đề cựu chiến binh và Bộ Tình trạng khẩn cấp.

Ngoài ra, sẽ có một số cơ quan hành chính mới dưới quyền chỉ đạo của Quốc vụ viện gồm Cơ quan Hợp tác và phát triển quốc tế và Cơ quan Nhập cư quốc gia.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng bao gồm đề xuất sáp nhập các cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm vào chung một đơn vị quản lý là Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm, với nhiệm vụ chính là giám sát hoạt động của các ngân hàng và công ty bảo hiểm, ngăn chặn và tháo gỡ những rủi ro về tài chính cũng như đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Các chuyên gia cho rằng, đợt cải cách lớn này của Quốc vụ viện Trung Quốc nhằm củng cố bộ máy chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.

Theo kế hoạch, chiều cùng ngày, kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc Khóa XIII sẽ tiếp tục bầu các chức danh còn lại, trong đó có Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

Điện mừng nhân dịp bầu ra lãnh đạo khóa mới của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Nhân dịp Hội nghị lần thứ nhất khóa XIII Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bầu ra Lãnh đạo khóa mới của Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 17-3, Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh Trần Đại Quang đã gửi điện mừng tới Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi điện mừng tới Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gửi điện mừng tới Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn. (PV)

 

Theo Báo CAND

Các tin khác