Quốc tế
Năm 2017 nóng kỷ lục
Dù không xảy ra hiện tượng El Nino, năm 2017 vẫn đang trên đường "ghi danh" vào tốp 3 năm có nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.
Ảnh minh họa |
Trong báo cáo hàng năm công bố tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP23), Tổ chức Khí tượng học Thế giới của Liên Hợp Quốc (WMO) cũng cho biết nhiệt độ trung bình từ năm 2013 đến năm 2017 có thể là mức cao nhất kể từ khi các biện pháp đo chính xác được áp dụng từ hơn 100 năm trước.
Theo đó, những số liệu này là bằng chứng vững chắc báo hiệu một xu hướng tăng nhiệt dài hạn. Báo cáo "Tình trạng Khí hậu Toàn cầu" cũng cho biết khoảng 30% dân số thế giới đang phải trải qua tình trạng "nhiệt độ cực nóng" trong ít nhất vài ngày mỗi năm. Trong khi đó, số người dễ bị tổn thương phải tiếp xúc với những đợt nóng với mức nhiệt có thể đe dọa đến tính mạng đã tăng thêm 125 triệu người kể từ năm 2000.
Báo cáo công bố tại hội nghị ở Bonn (Đức) này cũng đề cập đến những hiện tượng thời tiết cực đoan như những cơn siêu bão xảy ra tại khu vực Caribe và Đại Tây Dương, trong đó một cơn bão có tầm ảnh hưởng đến tận Ireland; lũ lụt gây tử vong trầm trọng ở Ấn Độ; 250.000 người ở Somali phải di cư do hạn hán kéo dài. Giáo sư Richard Betts thuộc Trung tâm Met Office Hadley ở Anh cảnh báo đây chỉ là sự trải nghiệm ban đầu cho những gì sẽ xảy ra khi khí hậu tiếp tục nóng lên. Theo ông, không nơi nào thoát khỏi sự ảnh hưởng trên song "các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất về con người".
Trong khi đó, các vùng băng của Trái Đất tiếp tục bị thu hẹp, đặc biệt là ở Bắc Cực, nơi mà sớm nhất là vào năm 2030 lớp băng biển có thể sẽ biến mất vào mùa Hè, và ở các vùng cao, nơi các sông băng cung cấp nước sinh hoạt cho một tỷ người ở hạ lưu tiếp tục suy giảm trong 4 thập kỷ qua. Ngay cả biển băng ở Nam Cực vẫn ổn định hoặc thậm chí mở rộng trong những năm gần đây - "bắt đầu giảm dần kể từ năm ngoái".
WMO cũng báo động về môi trường biển của thế giới, cho biết việc hấp thụ tới 30% lượng khí CO2 trong khí quyển đã khiến nhiều vùng biển tiềm ẩn những hậu quả khốc liệt với các rạn san hô, nuôi trồng thủy sản và hóa học đại dương cơ bản. Nhận định tình hình này, Giáo sư Chris Rapley thuộc Đại học College London cho rằng tình hình "không thể tưởng tượng được".
Theo TTXVN, một báo cáo khác từ WMO nhận định nỗ lực của các quốc gia hiện nay còn xa mới đạt được mục tiêu giảm thiểu khí carbon gây ô nhiễm. Dự báo nhiệt độ thế giới sẽ tăng thêm 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này từ mức 1 độ C hiện nay.
Cũng theo số liệu của WMO, các xu hướng khí hậu dài hạn đều cho thấy sự dịch chuyển sai hướng. Nồng độ của các khí gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu tiếp tục tăng. Đặc biệt, lượng khí CO2 đã ở mức 403,3 ppm, mức cao nhất trong ít nhất 800.000 năm. Loại khí nhà kính gây ô nhiễm thứ hai, methane (CH4), cũng đã tăng mạnh trong thập kỷ qua, do sự rò rỉ khí trong bối cảnh ngành công nghiệp khí đốt bùng nổ và sự gia tăng lượng gia súc trên toàn cầu. So với mức năm 1750, nồng độ CO2 và CH4 hiện tại cao gấp lần lượt 1,5 và 2,5 lần./.
Nguồn: Chinhphu.vn