Các tàu của Hải quân Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung vào ngày 10/7 với mục tiêu cụ thể là diễn tập kỹ thuật phát hiện, bám đuổi và tiêu diệt tàu ngầm của đối phương; âm thầm chiếm giữ các vị trí gần bờ biển Ấn Độ.
Có tổng số 16 tàu chiến, trong đó có tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz của hải quân Mỹ và tàu sân bay trực thăng Izumo lớn nhất của Nhật Bản, 95 máy bay và 2 chiếc tàu ngầm của cả 3 nước tham gia cuộc diễn tập kéo dài đến hết ngày 17/7.
Ngoài mục đích chính là diễn tập chống ngầm, trong khuôn khổ Malabar 2017, hải quân 3 nước cũng tiến hành hoạt động nâng cao khả năng phối hợp tác chiến trên biển, tuần tra, trợ giúp y tế…
Tháng trước, Hải quân Ấn Độ thông báo về việc thiết lập một trạm hải quân thường trực dành cho tàu chiến để giám sát sự di duyển của tàu thuyền qua eo biển Malacca, nơi có nhiều tàu Trung Quốc đi từ Biển Đông. Và trong những tuần gần đây, các nguồn tin Hải quân đã thông báo về “sự gia tăng” số lượng tàu Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.
Thông điệp gửi tới Trung Quốc
Các cuộc tập trận hàng hải từ lâu là thước đo mối quan hệ vốn “không đơn giản” giữa Ấn Độ với Trung Quốc và thường bị bên này hoặc bên kia lên tiếng bày tỏ quan ngại, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể khi đó.
Hôm 9/7, Đại sứ quán Trung Quốc tại New Delhi đã có bước đi cụ thể với việc lên tiếng cảnh báo công dân Trung Quốc nên đặc biệt thận trọng khi du lịch đến Ấn Độ trong tháng tới.
Chuyên gia Anup Singh, Đô đốc Hải quân nghỉ hưu, người từng tham gia giám sát các cuộc tập trận trong quá khứ cho rằng, trước khi cuộc tập trận Malabar 2017 diễn ra, “dòng” tàu chiến Trung Quốc đổ vào Ấn Độ Dương là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự không hài lòng của Bắc Kinh.
Dù xét về tương quan lực lượng, có thể Hải quân Ấn Độ không có lợi thế bằng Trung Quốc nhưng Ấn Độ lại có lợi thế chiến lược ở khu vực quần đảo Andaman và quần đảo Nicobar trải dài hơn 700km về phía Tây Bắc của eo biển Malacca – một “nút thắt” kết nối Biển Đông với Ấn Độ Dương.
Vị trí này, có thể được dùng để tạo áp lực lên các tuyến đường vận chuyển của Trung Quốc, giờ là trung tâm của sự hợp tác giữa Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.
China Daily, tờ báo tiếng Anh chính của Chính phủ Trung Quốc số ra ngày 10/7 đăng bài xã luận về cuộc tập trận và nhấn mạnh rằng Ấn Độ Dương là một trong những tuyến đường giao thương và nhập khẩu dầu chính của Trung Quốc.
"Trung Quốc nên cảm thấy ‘lo lắng về vấn đề an ninh’”, tờ báo kết luận.
Hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc nhanh chóng được mở rộng trong những năm gần đây. Trung Quốc cũng đã được Pakistan trao quyền kiểm soát cảng Gwadar, hoàn thiện kế hoạch bán 8 tàu ngầm cho Pakistan và mở cơ sở cung cấp dịch vụ hậu cần quân sự đầu tiên ở Djibouti.
Các tàu chiến Mỹ, Ấn Độ trong một cuộc tập trận. Ảnh: AFP. |
Ấn Độ chuyển hướng chiến lược
Trong nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo Ấn Độ vẫn chủ yếu tập trung vào việc giải quyết tranh chấp ở khu vực biên giới phía Bắc nước này. Tuy nhiên với việc Trung Quốc không ngừng trỗi dậy và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực đòi hỏi Ấn Độ phải chuyển hướng chú ý tới khu vực dài hơn 7.500km dọc bờ biển phía Nam – nơi tập trung nhiều cơ sở hạ tầng an ninh và năng lượng của nước này.
Giáo sư Brahma Chellaney chuyên nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách nhận định: “Đây là sự thay đổi nằm trong tính toán an ninh của Ấn Độ, họ phải bảo vệ khu vực phía Nam của đất nước”.
Theo Giáo sư Chellaney, một trong những phản ứng mà phía Ấn Độ có thể đưa ra sẽ cùng phối hợp với những quốc gia khác để kiềm chế những hành động mang nặng tính “cơ bắp” từ phía Trung Quốc.
Cả Nhật Bản và Mỹ đều “háo hức ra mặt” khi hợp tác hàng hải với Ấn Độ. Tháng trước, Mỹ đã đồng ý bán 22 trực thăng giám sát tiên tiến cho Ấn Độ để New Delhi có thể triển khai tới eo biển Malacca theo dõi động thái của tàu thuyền Trung Quốc ở khu vực này.
Ấn Độ cũng có thể sử dụng các máy bay không người lái cùng với máy bay giám sát P-8I Poseidon do Mỹ chế tạo hiện đã được triển khai ở quần đảo Andaman và Nicobar.
Chính phủ Ấn Độ cũng phát đi tín hiệu cho thấy nước này đã sẵn sàng mở rộng cơ sở an ninh trên các quần đảo sau nhiều năm im hơi lặng tiếng. Hồi tháng 5, Ấn Độ thông qua việc thành lập các cơ sở kiểm tra, giám sát tên lửa trên đảo Rutland. Dự án này lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2013.
Năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản trở thành Chính phủ nước ngoài đầu tiên được cấp phép xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà máy điện 15 Megawatt) trên quần đảo Andaman.
Theo Darshana M. Baruah, một nhà phân tích tại Carnegie India, Ấn Độ rất mong muốn chia sẻ với Nhật Bản những dự án kết nối khác. Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới thăm Nhật Bản hồi năm ngoái, lãnh đạo hai nước đã nhất trí về kế hoạch phát triển “hòn đảo thông minh” như một phần của một loạt các dự án ở khu vực biên giới trên biển nhạy cảm của Ấn Độ.
Năm nay là năm thứ hai liên tiếp Nhật Bản được mời tham dự cuộc tập trận hàng hải Malabar. Một thập kỷ trước, Trung Quốc đã rất tức giận khi Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cùng hợp tác với Australia để tập trận hải quân. Bắc Kinh dùng đến đòn ngoại giao để gây áp lực trực tiếp, buộc chính quyền Canberra phải rút lui.
Năm nay, giới chức quân sự Australia đưa ra đề nghị xin tham gia Malabar 2017 với tư cách “quan sát viên” nhưng Ấn Độ từ chối đáp ứng đề nghị này./.