Vẫn còn nhiều chia rẽ giữa các nước trước thềm hội nghị bàn về một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Tên lửa liên lục địa DF-31. (Ảnh minh họa: News.21cn.com) |
Hơn 100 quốc gia trên thế giới dự kiến sẽ tham dự một hội nghị về cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu do Liên Hợp Quốc tổ chức. Tuy nhiên trước khi diễn ra, hội nghị đã gây chia rẽ giữa các nước thành viên Liên Hợp Quốc.
Ngay từ khi được 123 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đề xướng hồi tháng 10 năm ngoái, hội nghị bàn về một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân có tính ràng buộc về mặt pháp lý đã vấp phải sự phản đối của không ít cường quốc lớn trên thế giới. Trong khi Anh, Pháp, Israel, Nga và Mỹ bỏ phiếu chống thì Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng.
Các quốc gia đi đầu trong nỗ lực ủng hộ tổ chức hội nghị là Áo, Ireland, Mexico, Brazil, Nam Phi và Thụy Điển. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng ủng hộ nỗ lực này.
Theo quan điểm của các nước ủng hộ hội nghị, nguy cơ thảm họa hạt nhân đang ngày càng tăng do khi Triều Tiên không chịu từ bỏ chương trình hạt nhân và một chính quyền mới khó đoán định tại Mỹ.
Trong khi đó, theo lý giải của đại diện của Mỹ và Pháp, việc các nước này phản đối sự kiện ngay từ khi được đề xướng là do các nước này ủng hộ những tiến bộ trong giải trừ hạt nhân theo từng giai đoạn mà không cần phải làm gián đoạn sự cân bằng chiến lược của vũ khí hạt nhân cũng như gây nguy hại cho tiến trình ngăn ngừa hạt nhân./.