Quốc tế
Pháp với nỗi lo về an toàn hạt nhân
Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Flamanville đã làm dấy lên mối lo trong dân chúng Pháp trước nguy cơ từ các nhà máy điện hạt nhân đã cũ.
Hồi 10h ngày 9/2, một vụ nổ đã xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Flamanville, Pháp khiến một số người bị thương nhẹ. Mặc dù chỉ xảy ra ở bên ngoài khu vực hạt nhân, với thiệt hại không lớn, nhưng sự cố này vẫn làm dấy lên mối lo tiềm ẩn từ lâu nay trong dân chúng Pháp và một số nước láng giềng trước nguy cơ từ các nhà máy điện hạt nhân đã cũ, với các lò phản ứng sắp hết hạn sử dụng ở Pháp.
Nhà máy điện hạt nhân Flamanville. (Ảnh: AFP) |
Nhà máy điện hạt nhân Flamanville ở tây bắc nước Pháp, gần eo biển Manche. Nhà máy có 2 lò phản ứng, công suất mỗi lò 1.300 MW, được xây dựng những năm 1980. Một lò mới đang được xây dựng tại đây.
Theo ông Olivier Marmion Giám đốc văn phòng Tập đoàn năng lượng Pháp EDF khu vực: "Đây là một vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng nhưng không gây ra tai nạn hạt nhân".
Sự cố dù không lớn, nhưng làm nóng trở lại vấn đề an toàn hạt nhân gây nhiều bức xúc bấy lâu nay. Ông Pierre-Franck Chevet, Chủ tịch Cơ quan an toàn hạt nhân Pháp cảnh báo về độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân của Pháp: “Tình hình rất đáng lo ngại, đòi hỏi phải hành động bình tĩnh và nghiêm ngặt. Chúng tôi đã phát hiện một số bất thường trong một số lò hạt nhân, kéo theo một thủ tục kiểm tra quy mô lớn.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra: từ đầu những năm 1990, đã có tình trạng rò rỉ ở nắp các lò phản ứng đang hoạt động. Vào lúc đó, Tập đoàn năng lượng Pháp đã phải xử lý tình huống bằng cách từ từ thay các nắp lò. Thêm nữa, có một trường hợp đe dọa lớn về mức an toàn, khiến chúng tôi phải ra quyết định yêu cầu cho ngừng hoạt động nhà máy Fessenheim 2”.
Điện hạt nhân, nguồn năng lượng chưa thể từ bỏ
Ở Pháp, điện hạt nhân hiện chiếm 75% trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Luật chuyển dịch năng lượng của Pháp, ban hành tháng 8/2015, dự kiến hạ tỷ lệ này xuống 50% vào năm 2025, đồng thời bù đắp khoản thiếu hụt bằng việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Mặc dù có bị cắt giảm, điện hạt nhân vẫn là nguồn điện năng chủ đạo của nước Pháp trong thời gian tới, khi mà các nguồn năng lượng khác chưa có khả năng thay thế. Việc duy trì hoạt động của các động cơ điện hạt nhân là một nhu cầu thiết thực.
Đa số các động cơ điện hạt nhân ở Pháp đã hòa với lưới điện trong khoảng từ cuối những năm 1970 đến cuối những năm 1980. Từ nay đến 2025 hơn một nửa trong số đó sẽ chạm ngưỡng 40 năm hoạt động theo thiết kế. Để bảo đảm tổng công suất tối thiểu 63,2 GW (gigawatts) điện hạt nhân, nước Pháp cần duy trì hoạt động của 58 động cơ điện hạt nhân hiện nay trên cơ sở kéo dài tuổi thọ của một số động cơ, trừ phi thay thế chúng bằng những động cơ mới.
Đầu năm 2016, Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Pháp Ségolène Royal nêu dự định của Chính phủ Pháp kéo dài thời hạn hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân nước này. Điều đó xuất phát từ nhu cầu bảo đảm nguồn cung năng lượng thực tế của đất nước.
Tập đoàn năng lượng Pháp (EDF) cho rằng có thể kéo dài tuổi thọ các động cơ điện hạt nhân tới 50 năm, thậm chí là 60 năm, vì chúng đã được khấu hao. Phương thức này duy trì được tổng công suất điện hạt nhân với giá thành thấp.
Sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Flamanville đã làm dấy lên mối lo trong dân chúng Pháp. (Ảnh: AFP) |
Nhiều vấn đề đặt ra
Việc duy trì các nhà máy điện hạt nhân đã cũ của Pháp đang vấp phải sự phản đối dân chúng trong nước và một số nước láng giềng trước nguy cơ mất an toàn của chúng, đặc biệt là với các nhà máy nằm sát biên giới.
Từ đầu năm 2016, Lãnh đạo thành phố Genève (Thụy Sỹ) đã lên tiếng phản đối và yêu cầu đóng cửa trung tâm hạt nhân Bugey của Pháp, chỉ cách Genève có 70 km theo đường chim bay.
Trung tâm Bugey, có 4 động cơ điện hạt nhân được đưa vào sử dụng từ những năm 1978-1979, được cho là đã cũ không an toàn.
Genève cũng phản đối việc xây dựng ở Bugey cơ sở lưu trữ và xử lý chất thải phóng xạ, nhằm tiếp nhận một phần các thiết bị phóng xạ của 9 động cơ đang trong quá trình hủy bỏ (Brennilis; Bugey 1; Chinon A1, A2, A3; Chooz A; Saint-Laurent A1 và A2; Creys-Malville).
Về phần mình, các nhà bảo vệ môi trường Đức đang hướng sự chỉ trích vào trung tâm điện hạt nhân Cattenom với 4 động cơ nối mạng từ 1986-1991. Theo họ, các tiêu chuẩn an toàn của trung tâm là "không đầy đủ". Ông Anton Hofreifer, thủ lĩnh đảng Xanh trong Quốc hội Đức đã yêu cầu Chính phủ Liên bang mở cuộc đàm phán với Pháp nhằm đóng cửa trung tâm này.
Đức cũng yêu cầu Pháp nhanh chóng đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim (Haut-Rhin), một trong những trung tâm hạt nhân lâu đời nhất nằm ở gần biên giới hai nước. Nhà máy này được đưa vào hoạt động từ những năm 70 của thế kỷ trước, đã cũ và được cho là không bảo đảm an toàn. Nếu xảy ra sự cố, vòng ảnh hưởng của trung tâm này sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ của nước Pháp tới các nước láng giềng như Đức, Luxembourg hay Thụy Sỹ.
Trung tâm hạt nhân Bugey. (Ảnh: AFP) |
Triển khai đóng cửa nhà máy hạt nhân Fessenheim
Trước sức ép đó, đầu năm 2017, Chính phủ Pháp đã quyết định thực hiện các bước nhằm đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim. Theo nguồn tin thân cận với Tổng thống Francois Hollande, Ban lãnh đạo EDF đã thông qua gói đền bù trị giá 400 triệu Euro để thực hiện kế hoạch đóng cửa nhà máy điện hạt nhân này.
Ở trong nước Pháp, các tổ chức phản đối hạt nhân cũng lên tiếng mạnh mẽ. Ủy ban đấu tranh chống hạt nhân đã kiến nghị Hội đồng Nhà nước hủy bỏ quyết định ngày 30/12/2015 liên quan đến các thiết bị hạt nhân.
Đại biểu vùng Loire-Atlantique, ứng cử viên đảng sinh thái cho vòng sơ bộ cuộc bầu cử Tổng thống Pháp ông Francois de Rugy chỉ trích: “Tập đoàn năng lượng cùng nhiều lực lượng chính trị đã tạo niềm tin về sự phát triển và hiệu quả của điện hạt nhân tại Pháp. Nhưng thực tế, nhiều nhà máy hoạt động thất bại, không hiệu quả, hay chính Tập đoàn năng lượng cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính đe dọa sự tồn tại của chính cơ quan này. Và không chỉ các tổ chức đấu tranh môi trường, mà chính Cơ quan quốc gia về an toàn hạt nhân cũng lên tiếng cảnh báo về mối nguy hiểm của các nhà máy điện hạt nhân”.
5 tổ chức phi chính phủ, trong đó có các tổ chức "Từ bỏ hạt nhân"; "Những người bạn của trái đất"; "Thiên nhiên và môi trường Pháp"... đã yêu cầu Hội đồng Nhà nước xem xét lại quyết định của Bộ trưởng Môi trường Ségolène Royal liên quan đến dự án bãi chôn chất thải hạt nhân tại khu vực Bure./.
Nguồn: Thái Dương/VOV.VN